Quản lý rủi ro sở hữu chéo và đầu tư chéo

Theo chinhphu.vn

Sở hữu chéo, đầu tư chéo vẫn hiện hữu nhiều mảng tối che khuất rủi ro tiềm ẩn, đòi hỏi cần nghiên cứu tìm lời giải nhằm minh bạch hóa thị trường và kiểm soát rủi ro.

Đây là ý kiến của TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) tại Hội thảo “Rủi ro sở hữu chéo và đầu tư chéo: Thực trạng và giải pháp cho thị trường tài chính Việt Nam” do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức ngày 31/7 tại Hà Nội.

Dao hai lưỡi

Theo TS. Vũ Viết Ngoạn, trong những năm qua, các cơ quan hoạch định chính sách ở Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc kiềm chế các mặt trái của sở hữu chéo, đầu tư chéo thông qua việc tăng cường các khuôn khổ pháp lý như sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán… Những rủi ro do lợi dụng sở hữu chéo, đầu tư chéo là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng tín dụng yếu kém gây ra nợ xấu hiện nay.

Sở hữu chéo phù hợp cũng mang lại những lợi ích. Cụ thể, theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, các hình thức liên doanh, sở hữu của nước ngoài, quỹ đầu tư  giúp cho các tổ chức tín dụng Việt Nam có thể dễ dàng hơn trong việc tài trợ vốn cho các hoạt động kinh doanh có yếu tố nước ngoài, nâng cao năng lực quản trị.

Các hình thức sở hữu chéo giữa ngân hàng thương mại (NHTM) và doanh nghiệp tạo điều kiện cho một số các tập đoàn huy động và tập trung vốn với qui mô lớn trong thời gian ngắn để mở rộng sản xuất và thị trường. Ví dụ, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước gồm Tập đoàn Dầu khí PVN (tại OCEAN bank), Vinacomin (tại Ngân hàng SHB), EVN (vốn tại Ngân hàng ABB)… Tập đoàn tư nhân: FPT và Doji (tại Tien Phong Bank), T&T (tại SHB), Vạn Thịnh Phát (tại SCB), Him Lam Group (tại Liên Việt), Geleximco (tại Ngân hàng ABB)…

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Chính sách công, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho rằng: Thực tế tại Việt Nam sở  hữu chéo nhiều khi bị lợi dụng mang lại hậu quả  xấu, như việc có thể bị lợi dụng để vô hiệu hóa các quy định an toàn, tăng vốn ảo, tham gia đầu tư chứng khoán, vì vậy vô hiệu hóa quy định giới hạn đầu tư, góp vốn cổ phần. Đặc biệt, NHTM có thể chuyển các khoản nợ xấu thành tài sản thông qua việc chuyển nợ xấu sang các công ty con, công ty liên kết, từ đó vô hiệu hóa quy định về báo cáo chất lượng tín dụng và trích dự phòng rủi ro.

Cũng về vấn đề này, TS.Vũ Viết Ngoạn cho rằng, quy định của Việt Nam khá rõ ràng: 1 tổ chức không được đầu tư vào tổ chức tín dụng (TCTD)  khác quá 10%, một thể nhân không quá 5%. Tuy vậy thực tế có những sở hữu cá nhân chiếm phần vốn tại NH nhiều hơn 5% và 1 tổ chức có vốn chiếm lớn 10%. Việc lách luật dưới hình thức này hình thức khác, thông qua người quen, công ty A,B,C mà họ không đứng tên. 

Không để kẽ hở sở hữu chéo

Từ những rủi ro nêu ra, TS.Vũ Viết Ngoạn nêu ra khuyến nghị cần hoàn thiện khung pháp lý để quản lý trong thời gian tới. Khi giảm thiểu được rủi ro thì quản lý tốt việc sở hữu chéo, cơ quan Nhà nước có thể quản lý được theo khuôn khổ pháp luật sẽ hạn chế được rủi ro. Một số nước, áp dụng các quy định cho phép truy vấn nguồn tiền rất quan trọng, khi nguồn tiền cá nhân, tổ chức đầu tư vào một công ty thì việc truy vấn nguồn tiền cực kỳ chặt chẽ, vừa tăng cường hiệu quả chống rửa tiền vừa giảm rủi ro đầu tư chéo.

Theo ông Bùi Huy Thọ, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các TCTD, Ngân hàng Nhà nước (NHNN): Để khắc phục khó khăn trong quản lý sở hữu, đầu tư chéo, NHNN đang nghiên cứu hoàn hiện quy định hiện hành nhằm xác định rõ về “người liên quan”, bổ sung quy định về “người sở hữu cuối cùng” và trao cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng quyền xác định “người sở hữu cuối cùng” dựa trên nguyên tắc theo luật định. NHNN cũng kiểm soát chặt vấn đề “vốn ảo” trong hệ thống, tăng cường thanh tra kiểm tra sở hữu chéo, đầu tư chéo giữa các TCTD, công ty con. 

Còn theo TS. Nguyễn Xuân Thành, đây là thời điểm cần xóa bỏ sở hữu chéo trong nỗ lực tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Trước mắt, cần thực hiện thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước khỏi ngân hàng thương mại. Theo đó, doanh nghiệp Nhà nước bán cổ phần cho một công ty quản lý vốn, sau đó bán lại cho các nhà đầu tư bên ngoài theo một lộ trình nhất định.

Thực tế, tình trạng sở hữu chéo ở Nhật Bản còn phức tạp hơn Việt Nam nhưng kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy tình trạng sở hữu chéo ở nước này đã giảm được đáng kể bằng cách hình thành một định chế tài chính là Công ty quản lý vốn. Cần sử dụng hoạt động mua bán-sáp nhập (M&A) để giảm sở hữu chéo, đồng thời có giải pháp hạn chế tác động tiêu cực của sở hữu chéo, chẳng hạn định nghĩa lại khái niệm người có liên quan, minh bạch thông tin…

Về lĩnh vực sở hữu đầu tư chéo trong chứng khoán, TSKH. Nguyễn Thành Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết: Cơ quan này sẽ  nghiên cứu, ban hành các chuẩn mực kế toán quốc tế cho thị trường vốn, trong đó có cả chuẩn mực về xác định giá trị hợp lý của các tài sản tài chính và các chuẩn mực về trình bày, thuyết minh báo cáo tài chính. Nếu các chuẩn mực này được ban hành, thông tin về tình hình sở hữu chéo của các doanh nghiệp niêm yết, các tổ chức kinh doanh chứng khoán sẽ rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, việc lựa chọn chuẩn mực nào để ban hành, mức độ áp dụng như thế nào thì vẫn còn được cân nhắc, bảo đảm thực hiện theo một lộ trình hợp lý, không gây sốc cho các doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán.  Việc triển khai các quy định về quản trị công ty đối với các công ty đại chúng, trong đó có yêu cầu về thành viên hội đồng quản trị độc lập, mở ra cơ chế giám sát độc lập từ các cổ đông trong hoạt động quản trị và điều hành doanh nghiệp, hạn chế tác động tiêu cực của cấu trúc sở hữu chéo (nếu có) trong các doanh nghiệp niêm yết.