Quản lý thuế đối với giao dịch liên kết: Hướng đến tiệm cận thông lệ quốc tế


Nghị định số 20/2017/NÐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được Chính phủ ban hành ngày 24/02/2017 và Thông tư hướng dẫn (số 41/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính) được xem là bước tiến quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật về giá chuyển nhượng trong 10 năm qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

 Nghị định số 20/2017/NÐ-CP ra đời trong bối cảnh Chính phủ xem xét đến các chương trình cải cách thuế và sửa đổi các quy định thuế, đồng thời, tham chiếu đến các chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Các quy định về lĩnh vực này hiện nay đã tiệm cận với thông lệ quốc tế chưa là vấn đề được trao đổi trong bài viết.

Từ khi Nghị định số 20/2017/NĐ-CP chính thức có hiệu lực đến nay, doanh nghiệp (DN) đã trải qua hai kỳ quyết toán thuế thu nhập DN (TNDN). Tuy nhiên, thực tế tiễn triển khai Nghị định này vẫn còn có một số khó khăn, vướng mắc nhất định phát sinh. Phân tích những vướng mắc mà các DN đang gặp phải hiện nay, bài viết đề xuất giải pháp đối với từng vấn đề cụ thể sau:

Về thời hạn để hoàn tất nghĩa vụ tuân thủ

Khi phát sinh giao dịch liên kết (GDLK) trong năm, DN nộp các mẫu kê khai kèm theo tờ khai quyết toán thuế TNDN số 03/TNDN, cụ thể là mẫu số 01 (Thông tin về quan hệ liên kết và GDLK), mẫu số 02 (Danh mục các thông tin, tài liệu cần cung cấp tại Hồ sơ quốc gia), mẫu số 03 (Danh mục các thông tin, tài liệu cần cung cấp tại Hồ sơ toàn cầu) và mẫu số 04 (Báo cáo lợi nhuận (BCLN) liên quốc gia). Cùng với đó, DN cần phải lập các Hồ sơ quốc gia, Hồ sơ toàn cầu và thu thập BCLN liên quốc gia từ công ty mẹ tối cao. Tại thời điểm quyết toán, DN hiện đang có nhiều hồ sơ cần phải hoàn tất như: Báo cáo quyết toán thuế TNDN, báo cáo tài chính (BCTC), do đó, việc tăng thêm các hồ sơ theo yêu cầu của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP đã tạo ra gánh nặng hành chính cho các DN.

Để giải quyết tình trạng trên, cơ quan thuế nên cân nhắc cho phép DN có thêm thời gian chuẩn bị Hồ sơ toàn cầu và BCLN liên quốc gia. Ví dụ, tại Nhật Bản và Hàn Quốc, các DN phải nộp 2 hồ sơ này sau 01 năm kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Cơ quan thuế Việt Nam cũng cần có cách hiểu thống nhất về thời điểm cung cấp BCLN liên quốc gia của các DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thực tế, đợt quyết toán thuế TNDN vào tháng 3 và tháng 6 vừa qua cho thấy, một số cơ quan thuế tư vấn DN nộp cả 4 mẫu kê khai (gồm cả mẫu 04 liên quan đến BCLN liên quốc gia), trong khi quy định hiện tại chỉ yêu cầu DN thu thập báo cáo này từ công ty mẹ tối cao, lưu cùng hồ sơ xác định giá GDLK tại DN và chỉ xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan thuế.

Về yêu cầu lập Hồ sơ toàn cầu và thu thập báo cáo lợi nhuận liên quốc gia

Hồ sơ toàn cầu và BCLN liên quốc gia giúp cơ quan thuế các nước có cái nhìn tổng quan về cơ cấu hoạt động, chính sách giá nội bộ cũng như cách thức phân bổ lợi nhuận tại từng quốc gia, từ đó đánh giá chính xác hơn về tính phù hợp của mức lợi nhuận được giữ lại ở từng nước. Theo thông lệ quốc tế, 2 loại hồ sơ này thường đi kèm với nhau và chỉ áp dụng cho các tập đoàn đạt doanh thu hợp nhất toàn cầu ở một ngưỡng nhất định. Ví dụ, ở Nhật Bản mức áp dụng là doanh thu đạt ngưỡng 100 tỷ Yên – tương đương 20.800 tỷ VND; ở Hàn Quốc là 100 tỷ won – tương đương 2.042 tỷ VND; ở Malaysia là 3 tỷ ringit – tương đương 17.000 tỷ VND… tính theo năm tài chính liền trước.

Tại Việt Nam, trách nhiệm lập BCLN liên quốc gia sẽ thuộc về công ty mẹ tối cao của tập đoàn đạt doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 18.000 tỷ VND trở lên. Tuy nhiên, đối với Hồ sơ toàn cầu, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP yêu cầu người nộp thuế lập và cung cấp Hồ sơ toàn cầu của tập đoàn đa quốc gia nơi hợp nhất BCTC. Như vậy, trường hợp nếu kết quả kinh doanh của người nộp thuế ở Việt Nam không được hợp nhất vào bất kỳ công ty nào, thì DN có được miễn nghĩa vụ đối với Hồ sơ toàn cầu và BCLN liên quốc gia hay không? Trong trường hợp kết quả kinh doanh được hợp nhất, có 2 tình huống sẽ có thể xảy ra:

- Nếu tập đoàn đã có Hồ sơ toàn cầu thì người nộp thuế chỉ cần thu thập tài liệu này từ tập đoàn.

- Nếu tập đoàn không thuộc đối tượng phải lập Hồ sơ toàn cầu do quy định của nước sở tại không yêu cầu (do doanh thu không đạt đến ngưỡng phải lập hồ sơ), thì được hiểu rằng công ty con ở Việt Nam sẽ phải tự chuẩn bị Hồ sơ toàn cầu để cung cấp cho cơ quan thuế.

Tuy nhiên, nội dung được trình bày trong Hồ sơ toàn cầu theo yêu cầu của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP lại là những thông tin liên quan đến tập đoàn và đây đều là các thông tin có tính bảo mật cao. Vì vậy, việc chuẩn bị các Hồ sơ toàn cầu đòi hỏi khả năng tiếp cận thông tin từ cấp độ tập đoàn và phải được sự cho phép của ban lãnh đạo cũng như HĐQT của tập đoàn. Trong khi đó, các công ty ở Việt Nam chủ yếu là công ty sản xuất và đóng góp giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị của tập đoàn nên rất khó có thể tiếp cận các thông tin này, vì vậy việc công ty con tại Việt Nam phải tự chuẩn bị Hồ sơ toàn cầu là không mấy khả thi.

Giải pháp đối với vấn đề trên, các công ty tại Việt Nam cần được áp dụng quy định đối với nghĩa vụ chuẩn bị Hồ sơ toàn cầu tương tự như với nghĩa vụ chuẩn bị BCLN liên quốc gia. Cụ thể: Trong trường hợp công ty mẹ tối cao không thuộc đối tượng chuẩn bị Hồ sơ toàn cầu, hoặc BCTC của người nộp thuế không được hợp nhất vào công ty nào khác, thì DN được miễn nghĩa vụ chuẩn bị Hồ sơ toàn cầu nhưng phải có văn bản giải thích lý do và cung cấp căn cứ pháp lý và trích dẫn quy định pháp luật cụ thể về việc công ty mẹ tối cao không thuộc đối tượng chuẩn bị Hồ sơ toàn cầu và/hoặc không hợp nhất BCTC và lưu cùng Hồ sơ xác định giá GDLK. Điều này được cho là phù hợp với các quy định cũng như thực tiễn áp dụng ở các nước hiện nay.

Đối với cách thức cung cấp BCLN liên quốc gia, theo thông lệ quốc tế, báo cáo này sẽ được chia sẻ trực tiếp giữa các cơ quan thuế các nước có ký thỏa thuận chia sẻ thông tin. Hiện tại, đã có khoảng 65 quốc gia tham gia ký kết thỏa thuận này, trong đó, chưa có Việt Nam. Vì vậy, việc yêu cầu công ty con tại Việt Nam thu thập và lưu trữ BCLN liên quốc gia sẽ gây khó khăn nhất định cho công ty con khi giải thích yêu cầu tuân thủ với công ty mẹ tối cao. Bởi vì, các tập đoàn đa quốc gia thường quan ngại về tính bảo mật thông tin khi chia sẻ BCLN liên quốc gia mà không qua kênh trao đổi chính thức và trực tiếp giữa các cơ quan thuế. Do đó, nên cân nhắc việc sớm tham gia các thỏa thuận chia sẻ thông tin để tự động hóa cơ chế thu thập/chia sẻ BCLN liên quốc gia.

Về mức trần lãi vay

Khoản 3, Điều 8, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định: Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế. Trong khi đó, Thông tư số 41/2017/TT-BTC lại chưa hướng dẫn rõ ràng về trần lãi vay. Thực tế này đã tác động và có ảnh hưởng đến sự sống còn của nhiều DN, đặc biệt là các DN vay nợ lớn.

Chưa kể, việc áp dụng ngay Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, không cho phép DN có thời gian điều chỉnh lại cơ cấu vốn, vô hình chung đã tạo ra sự bức xúc, làm xáo trộn kế hoạch tài chính, gây ảnh hưởng đến hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN. Trong khi, Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế lại khuyến nghị, các nước nên đưa ra một lịch trình áp dụng nguyên tắc này một cách hợp lý để DN có đủ thời gian tái cấu trúc tài chính, giảm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các DN.

Hơn nữa, việc đưa ra các hướng dẫn khác nhau về cách tính, đối tượng chịu mức khống chế… cũng khiến nhiều DN bị lúng túng. Ví dụ, cùng có hoạt động vay vốn nhưng DN chỉ thực hiện giao dịch với bên độc lập sẽ có lợi thế hơn hẳn so với DN có thực hiện GDLK do không bị khống chế lãi vay; Hoặc nếu DN có GDLK nhưng giao dịch này không liên quan đến giao dịch vay vốn (ví dụ chỉ mua nguyên vật liệu từ công ty mẹ) thì chi phí lãi vay trả cho ngân hàng thương mại có chịu mức khống chế không? Chính những trường hợp này gây nên những cách hiểu khác nhau về đối tượng chịu mức khống chế, dẫn tới các hướng dẫn cũng trái ngược nhau. Trong khi đó, hầu hết các quan điểm của cơ quan thuế là nếu DN thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, nghĩa là có phát sinh bất kể loại GDLK nào trong năm, thì sẽ phải chịu mức khống chế này.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng năm 2018 (ngày 9/1/2018), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra những định hướng: Năm 2018, ngành Ngân hàng tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN và nền kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, nếu DN có GDLK bị khống chế mức lãi khi vay từ ngân hàng thương mại thì đây là điều đi ngược lại với mục tiêu đẩy mạnh tín dụng ngân hàng mà Chính phủ đã đề ra. Để tăng tính công bằng cho các DN, bài viết khuyến nghị quy định này chỉ áp dụng khi DN vay vốn từ bên liên kết và tính trên phần chi phí lãi vay phát sinh với bên liên kết. Quy định này cũng không nên nêu rõ trường hợp chi phí khấu hao âm thì sẽ xử lý thế nào. Bởi vì, chi phí khấu hao âm thường gặp ở các DN ở giai đoạn mới thành lập và đang đầu tư xây dựng hoặc sản xuất thử. Đây là giai đoạn DN cần vốn nên thường đi vay và phát sinh khoản chi phí lãi vay rất lớn. Nếu điều chỉnh vĩnh viễn chi phí lãi vay khỏi chi phí được trừ khi tính thuế TNDN sẽ rất vô lý và tạo khó khăn cho DN. Cơ quan hữu quan nên cân nhắc việc cho phép bù trừ giữa thu nhập cho vay và chi phí lãi vay khi tính mức khống chế. Đồng thời, cần xem xét lại việc cho phép chuyển phần lãi vay vượt mức khống chế sang các kỳ tính thuế TNDN tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm (cách làm này giống như cách chuyển lỗ đang được áp dụng trong luật thuế TNDN tại Việt Nam).

Trong thực tế đó, mục tiêu ban đầu của việc xây dựng và ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP là để xây dựng khuôn khổ quy định giá chuyển nhượng phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng cường tính minh bạch, rõ ràng trong công tác quản lý thuế đối với các DN có GDLK. Tuy nhiên, từ khi có hiệu lực đến nay, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP dường như chưa tạo được hiệu ứng tích cực.

Do vậy, để quy định thực sự đi vào đời sống, trước hết cần tạo ra sự bình đẳng trong cách hiểu và cách áp dụng giữa các DN, đồng thời, các quy định cần mang tính khả thi và được người nộp thuế hiểu và tự giác chấp hành. Cơ quan thuế nên thông qua các cơ quan truyền thông, báo chí để giải thích về các quy định theo thông lệ quốc tế và việc áp dụng quy định theo tinh thần chung của chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận cho người nộp thuế. Hiện tại, cơ quan thuế đang tiếp tục lắng nghe, thu thập ý kiến của người nộp thuế, đại diện các hiệp hội DN và cộng đồng DN để tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp, qua đó sẽ có những sửa đổi, bổ sung phù hợp, nhằm tạo sự chuyển biến mới tích cực hơn trong tương lai gần.     

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2012), Luật số 21/2012/QH13, sửa đổi một số điều của Luật Quản lý thuế;
  2. Chính phủ (2017), Nghị định số 20/2017/NÐ-CP, quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết;
  3. Bộ Tài chính (2017), Thông tư số 41/2017/TT-BTC, ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 20/2017/NÐ-CP;
  4. Các website: mof.gov.vn, tapchitaichinh.vn, gdt.gov.vn…