Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội

Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế)

Trước đặc thù cũng như tính chất phức tạp của hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã chủ động nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nói chung, kinh doanh qua mạng xã hội (gồm: Facebook, Zalo và Instagram...) nói riêng. Tuy nhiên, cũng có nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai của loại hình thuế mới này. Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nói chung, kinh doanh qua mạng xã hội nói riêng trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng quan về hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội tại Việt Nam hiện nay

Mạng xã hội (MXH) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội Việt nam. Theo thống kê mới đây của tổ chức Hootsuite và We Are Social, số lượng người dùng MXH trên toàn thế giới đang có chiều hướng gia tăng với mức tăng 8% trong quý I/2018, tương ứng khoảng 3,3 tỷ người, chiếm 43% dân số thế giới.

Trong đó, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 7 với 58 triệu người dùng (tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017). Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ với gần 60% số người dưới 35 tuổi.

Nhóm người này đặc biệt yêu thích các trang xã hội như Facebook, Zalo... và Việt Nam được đánh giá là một trong những mảnh đất màu mỡ để phát triển thương mại điện tử (TMĐT) nói chung, kinh doanh qua MXH nói riêng.

Khảo sát của Sapo.vn trên 1.000 cửa hàng tại Việt Nam năm 2017 cũng cho thấy, 5 kênh bán hàng được đánh giá mang lại hiệu quả nhất lần lượt là Bán hàng tại cửa hàng, Facebook, Website, Zalo - Instagram và phát triển đại lý/cộng tác viên.

Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, mạng xã hội

Giao dịch TMĐT, kinh doanh trên MXH có đặc điểm ảo, dựa trên nền tảng công nghệ, khó kiểm chứng thông tin nhận dạng, dễ dàng xóa bỏ, thay đổi nên tạo sự khó khăn trong việc nắm bắt các giao dịch.

Đơn cử như nhiều doanh nghiệp (DN) sử dụng website để quảng bá sản phẩm, hàng hóa kết hợp với bán hàng trực tuyến cho người tiêu dùng là cá nhân nhưng không xuất hóa đơn bán hàng, không kê khai doanh thu tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thu nhập DN (TNDN).

Bên cạnh đó, nhiều DN, hộ và cá nhân kinh doanh bán hàng thu tiền mặt hay sử dụng dịch vụ giao hàng thu tiền hộ, chỉ sử dụng website, trang MXH để thực hiện quảng cáo sản phẩm nhưng việc bán hàng lại thông qua điện thoại tin nhắn.

Trong khi đó, các đơn vị cho thuê máy chủ lại chưa hợp tác đầy đủ với cơ quan thuế trong việc cung cấp đầy đủ thông tin về các DN vận hành các website bán hàng khiến cơ quan thuế gặp nhiều khó khăn trong việc thu nhập thông tin.

Đối với loại hình quảng cáo trực tuyến bằng Google, Facebook, nhiều tổ chức cá nhân chưa kê khai, nộp thay thuế GTGT và thuế TNDN đối với thu nhập phát sinh của Google và Facebook tại Việt Nam. Những tồn tại trên đã khiến cho việc hoạt động quản lý thuế nói chung và thuế TMĐT hiện nay gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Phương thức thanh tra, kiểm tra hoạt động TMĐT, kinh doanh qua MXH cũng đòi hỏi những yêu cầu rất khác so với thanh tra, kiểm tra theo phương thức truyền thống.

Chẳng hạn, để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, cán bộ thuế cần phải có trình độ cao về tin học, ngoại ngữ và phải giỏi về các ứng dụng, phần mềm hỗ trợ để truy lần dấu vết giao dịch, kết xuất dữ liệu lịch sử giao dịch làm bằng chứng đấu tranh đối với các hành vi vi phạm của người nộp thuế. Trên thực tế, trình độ công nghệ và điều kiện của cán bộ thuế hiện nay chưa thể để bao quát được nhiệm vụ này.

Công tác quản lý thuế nhà thầu đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới hiện nay cũng vẫn còn nhiều vướng mắc. Trong khi đó, ý thức tuân thủ pháp luật thuế của một bộ phận kinh doanh TMĐT, kinh doanh qua MXH chưa cao, các hình thức thu thuế hiện nay vẫn chủ yếu là tổ chức, cá nhân tự khai, tự tính và tự nộp cho Nhà nước.

Lợi dụng quy định này, hầu hết các cá nhân và DN kinh doanh qua mạng internet tìm mọi cách để “lách”, để tránh nộp thuế, cho dù cơ quan Thuế đã có nhiều giải pháp quản lý nhằm giảm thất thu ngân sách nhà nước.

Theo nhận định của chuyên gia, trong số 35% DN đang bán hàng trên MXH, có thể tới hàng triệu cá nhân, hộ kinh doanh đang bán, trao đổi hàng hoá trên Facebook, trong đó có trường hợp có doanh thu lớn nhưng không nộp thuế.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả đối với hoạt động quản lý thuế đối với kinh doanh TMĐT, kinh doanh qua MXH, thời gian qua ngành Thuế đã rất nỗ lực tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế đến tất cả người nộp thuế có hoạt động kinh doanh TMĐT trên các thông tin đại chúng nhằm đảm bảo người nộp thuế nắm rõ chính sách thuế để tự thực hiện kê khai, nộp thuế.

Đồng thời, có nhiều biện pháp quản lý sát sao, nhiều đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý, cụ thể:

- Đối với DN hoạt động theo pháp luật Việt Nam: Về kê khai nộp thuế GTGT: Nếu doanh thu hàng năm từ 01 tỷ đồng trở lên thì người bán hàng phải nộp thuế theo phương pháp khấu trừ; Trường hợp doanh thu hàng năm không quá 01 tỷ đồng thì nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT (trừ trường hợp cơ sở kinh doanh có thu hàng năm không quá 01 tỷ đồng đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế thì nộp thuế theo giá trị giá tăng theo phương pháp khấu trừ). Về thuế TNDN, DN nộp thuế TNDN theo phương pháp kê khai (thuế TNDN phải nộp theo mức thuế suất 20% trên thu nhập chịu thuế).

- Đối với các tổ chức nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam (gọi chung là nhà thầu nước ngoài) có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên MXH: Nếu người mua sản phẩm TMĐT, qua MXH là các tổ chức thành lập theo pháp luật Việt Nam thì người mua có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thay tổ chức nước ngoài số thuế nhà thầu phải nộp.

Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội - Ảnh 1Nếu người mua là tổ chức, cá nhân khác thì nhà thầu nước ngoài phải kê khai, nộp thuế đối với hàng hóa, dịch vụ cung cấp, trong đó trường hợp nhà thầu nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì có thể thông qua các đại lý thuế để kê khai, nộp thuế.

- Đối với các hộ, cá nhân kinh doanh: Theo quy định tại Luật Thuế GTGT, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), cá nhân kinh doanh không phân biệt kinh doanh theo hình thức truyền thống hay kinh doanh TMĐT đều thuộc diện chịu thuế GTGT và thuế TNCN nếu có phát sinh doanh thu từ trên 100 triệu đồng/năm trở lên.

Cùng với đó, cơ quan thuế còn có các văn bản hướng dẫn các công ty kinh doanh dịch vụ vận tải qua mạng như: Uber, Grab… thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế nhà thầu và kê khai nộp thuế thay cho các cá nhân là đối tác cung cấp dịch vụ vận tải tại Việt Nam.

Đặc biệt, đã có văn bản hướng dẫn chính sách thuế và quản lý thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh của dịch vụ đặt phòng trực tuyến (Agoda.com, Traveloka.com, Booking.com, Expedia.com…); Phối hợp với các nhà mạng để xác định địa điểm kinh doanh hoặc giao hàng, phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế, xã phường rà soát để đưa các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ qua MXH, nhất là qua Facebook vào diện quản lý...

Định hướng chung của cơ quan thuế là yêu cầu người kinh doanh trên MXH cung cấp các thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế cá nhân… để có thể kiểm soát chặt chẽ hơn hình thức kinh doanh này. Công văn số 2623/TCT-CS ngày 16/6/2017 của Tổng cục Thuế đã lưu ý với Cục thuế các tỉnh, thành phố thuộc trung ương một số trường hợp cụ thể sau:

Thứ nhất, đối với trường hợp cá nhân kinh doanh có địa điểm cố định để giao dịch với khách hàng và việc quảng cáo trên MXH chỉ là một trong những hình thức mở rộng khách hàng: Hàng hóa được giao dịch tại địa điểm cố định hoặc giao hàng tận nơi khách hàng, trường hợp này cơ quan thuế cần phối hợp với các nhà mạng để xác định địa chỉ kinh doanh của cá nhân, phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế xã, phường để đưa vào diện quản lý thuế nếu còn bỏ sót.

Đối với trường hợp đã thuộc diện quản lý thì cập nhật thông tin về giao dịch trên mạng của cơ sở kinh doanh để làm cơ sở điều chỉnh tăng doanh thu kinh doanh nếu phù hợp.

Thứ hai, đối với trường hợp cá nhân kinh doanh không có địa điểm cố định để giao dịch với khách hàng, chỉ có địa chỉ trên mạng và số tài khoản cá nhân, bán hàng theo hình thức giao hàng tận nơi: Trường hợp này, cơ quan thuế cần phối hợp với các nhà mạng để xác định danh tính cá nhân, số tài khoản ngân hàng, phương thức giao hàng để yêu cầu cá nhân khai thuế theo từng lần phát sinh theo quy định của pháp luật về thuế TNCN.

Thứ ba, đối với trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài (nhà thầu nước ngoài) kinh doanh TMĐT có thu nhập phát sinh tại Việt Nam: Nếu người mua hàng hóa, nhận cung cấp dịch vụ là các DN, hợp tác xã được thành lập theo pháp luật Việt Nam thì người mua hàng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế nhà thầu để nộp thuế theo quy định.

Trường hợp người mua hàng hóa, nhận cung cấp dịch vụ là các tổ chức, cá nhân khác thì nhà thầu nước ngoài phải kê khai, nộp thuế nhà thầu đối với hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Trường hợp nhà thầu nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì có thể thông qua các đại lý thuế để kê khai, nộp thuế.

Bên cạnh các biện pháp trên, thời gian qua, cơ quan thuế còn đẩy mạnh việc thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật đối với các DN có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh qua MXH nhằm đưa công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh này vào nề nếp.

Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế mà không chấp hành việc kê khai, nộp thuế sẽ bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế.

Tháng 07/2018, Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo Tờ trình Chính phủ Đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Điểm thay đổi căn bản trong Luật sửa đổi là áp dụng phương thức giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.

Theo đó, Dự thảo Luật đã dành 1 điều quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, bao gồm quy định: Người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế phải thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan quản lý thuế, người nộp thuế đã thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế thì không phải thực hiện các phương thức giao dịch khác.

Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội - Ảnh 2Cơ quan thuế phải tổ chức hệ thống thông tin điện tử để thực hiện giao dịch điện tử với người nộp thuế và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện giao dịch điện tử, xây dựng được “Trung tâm xử lý dữ liệu trong giao dịch điện tử” với vai trò tiếp nhận, kiểm soát hồ sơ thuế và kiểm tra tự động, trả thông báo tự động cho người nộp thuế.

Mặt khác, dự thảo Luật cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc phối hợp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT như: Bộ Công Thương có trách nhiệm kết nối, cung cấp thông tin liên quan để phối hợp với Bộ Tài chính trong quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử.

Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế để quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng...

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử...

Ngân hàng thương mại có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh TMĐT có phát sinh thu nhập từ Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...

Dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020 hoặc từ ngày 01/7/2020, đây được xem là bước khởi đầu quan trọng trong quản lý thuế đối với TMĐT.

Nâng cao năng lực quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh qua mạng xã hội

Trên cơ sở Quyết định số 1563/QĐ-TTg ngày 8/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020, đồng thời căn cứ tình hình thực tiễn quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh qua MXH hiện nay, một số vấn đề cần nghiên cứu và sớm có giải pháp, gồm:

Về thể chế, chính sách

Cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật thuế để bao quát được hết các đối tượng và các hình thức kinh doanh TMĐT phát sinh, như:

- Đối với thuế TNDN: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về người nộp thuế thay cho DN nước ngoài là đại diện của DN nước ngoài, được thành lập tại Việt Nam để thực hiện các hoạt động có tính chất phụ trợ.

Cùng với đó, nghiên cứu sửa đổi quy định về cơ sở thường trú Luật thuế TNDN để đảm bảo nơi DN nước ngoài tiến hành hoạt động TMĐT có cơ sở thu thuế đối với thu nhập của DN phát sinh tại nước đó; Nghiên cứu và làm rõ bản chất của việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số như tiền điện tử, tiền ảo và các tài sản kỹ thuật số, từ đó bổ sung quy định về tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế đối với hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

- Đối với thuế GTGT: Cần nghiên cứu làm rõ bản chất của việc cung cấp các sản phẩm kỹ thuật số như: tiền điện tử, tiền ảo, tài sản kỹ thuật số, mã code, thẻ cào và các tài sản kỹ thuật số khác để đưa vào hoặc không đưa vào đối tượng chịu thuế.

Về quản lý thuế

Để thực sự thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế nói chung và kinh doanh TMĐT, kinh doanh qua MXH nói riêng ở khía cạnh vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa ngăn ngừa, phòng chống được các hệ quả tiêu cực của TMĐT, phải có các hướng dẫn chi tiết về thuế liên quan đến hoạt động TMĐT cũng như chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp quản lý thuế.

Theo đó, cùng với việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, cần nghiên cứu xây dựng riêng một Chương về Giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, trong đó quy định cụ thể các giải pháp nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh qua MXH.

Bên cạnh đó, nghiên cứu pháp luật và thông lệ quản lý thuế trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh qua MXH của các nước trên thế giới, thu thập thông tin về các hình thức kinh doanh TMĐT xuyên biên giới để đề xuất các giải pháp phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng thời, cần mở Cổng thông tin điện tử ngành Thuế giao diện để tổ chức, cá nhân đăng ký, sử dụng hóa đơn, nộp thuế điện tử; Xây dựng cở sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ nộp thuế điện tử như khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế online… đảm bảo 100% người nộp thuế đều có điều kiện tiếp cận các phương tiện này.

Đối với các cơ quan quản lý

Để có thể đảm bảo công tác quản lý thuế TMĐT (kinh doanh qua MXH) đạt hiệu lực, hiệu quả như kỳ vọng, cần phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu giải pháp về thanh toán; Xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình TMĐT phát sinh; Thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT, kinh doanh qua MXH và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới… khi dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được thông qua.

Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an quản lý hoạt động TMĐT theo quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP như: Kết nối và chia sẻ cung cấp thông tin về các DN hoạt động trong lĩnh vực TMĐT phải báo cáo theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, phối hợp, đề nghị các tổ chức Google, Facebook… lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam thiết lập đầu mối đại diện chính thức tại Việt Nam, quản lý chặt chẽ việc cung cấp dịch vụ, đặc biệt là khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với dịch vụ các tổ chức này cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam theo quy định của Luật An ninh mạng.

Bên cạnh đó, cần tập trung tham gia triển khai các chương trình hợp tác về quản lý và trao đổi thông tin về thuế, trọng tâm là triển khai Chương trình chống xói mòn cơ sở tính thuế và dịch chuyển lợi nhuận theo lộ trình cam kết; Nghiên cứu áp dụng các Hiệp định thuế song phương, đa phương… để quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT xuyên biên giới.   

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 1563/QĐ-TTg ngày 8/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020;

2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13;

3. Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005;

4. Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ và Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính về quản lý thuế;

5. Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) kèm theo văn bản số 8991/BTC-TCT ngày 27/7/2018 của Bộ Tài chính.