Quan tâm đến hiệu quả đầu tư khi thực hiện Nghị quyết 11

Theo Chinhphu.vn

Cùng với việc triển khai Nghị quyết 11 theo tinh thần nhất quán, đồng bộ, quyết liệt, cũng cần quan tâm đến các hiệu ứng phụ mà trước hết là tăng trưởng kinh tế. Để tăng trưởng không bị sụt giảm nhiều thì rất cần tăng hiệu quả đầu tư, điều chỉnh cơ cấu tiêu dùng...

Hiệu ứng phụ đáng quan tâm nhất là tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2011 được Quốc hội thông qua là tăng từ 7- 7,5%, cao hơn số đã thực hiện 6,78% của năm 2010. Khi thực hiện kiềm chế lạm phát với các giải pháp giảm tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, giảm tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng thu ngân sách, giảm bội chi ngân sách, tiết kiệm chi thường xuyên, rà soát giảm đầu tư công…, trong điều kiện mặt bằng lãi suất khá cao như hiện nay, thì vốn đầu tư và tiêu dùng cuối cùng sẽ “co” lại và có thể gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Về đầu tư, với tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP theo chỉ tiêu của năm 2011 là 40%, nếu hiệu quả đầu tư tăng hơn năm trước (tức là hệ số ICOR đạt 5,3- 5,7 lần so với 6,2 lần) thì mới đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 7- 7,5%.

Nếu tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP giảm xuống (38% như một số ý kiến chuyên gia), nếu hệ số ICOR đạt được như mục tiêu, thì tốc độ tăng trưởng sẽ không còn được như mức đề ra (có thể chỉ còn 6,7% đến 7,1%).

Vì vậy, để tăng trưởng không bị sụt giảm nhiều so với mục tiêu, thì phải có biện pháp tăng hiệu quả đầu tư, tức là giảm hệ số ICOR xuống thấp hơn nữa (theo tính toán sơ bộ là 5,1- 5,4 lần). Muốn giảm hệ số ICOR- tức là tăng hiệu quả đầu tư- thì phải quyết liệt thực hiện một số biện pháp.

Đó là, thứ nhất, trong khi giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, thì phải chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ,…

Thứ hai, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh hơn nữa tỷ lệ đầu tư ngoài ngành để tập trung cho lĩnh vực chuyên môn chính, vừa để tránh rủi ro, vừa để phát huy lợi thế, tăng hiệu quả.

Thứ ba là đẩy nhanh tốc độ luân chuyển vốn, giảm thiểu chi phí, hạ giá thành, giành lợi nhuận để tái đầu tư, kiểm tra, giám sát chặt chẽ để giảm thiểu lãng phí, thất thoát.

Về tiêu dùng cuối cùng, trong điều kiện kiềm chế lạm phát, tiêu dùng cuối cùng bị “co” lại (tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng so với GDP hiện ở mức khá cao, lên tới trên 70%) cần chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng với nhiều giải pháp.

Trong đó, biện pháp quan trọng là tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, giá bán sản phẩm sản xuất trong nước, phát triển hệ thống mạng lưới tiêu thụ, chống tư tưởng sùng bái hàng ngoại,…

Về xuất khẩu, việc tăng tỷ giá VND/USD như vừa qua đã có tác động khuyến khích đối với xuất khẩu, góp phần làm cho xuất khẩu tăng khá cao (2 tháng đầu năm tăng 40,3% so với cùng kỳ năm trước); nhập siêu 2 tháng liên tục ở mức dưới 1 tỷ USD và tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu xuống còn 14,8%.

Trong khi đó, thị trường vàng có xu hướng ổn định trở lại, giá vàng trong nước đã giảm so với đỉnh điểm, chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới đã giảm thiểu, mặc dù giá vàng thế giới tăng,…

Tình hình đó sẽ tạo điều kiện để không phải nhập khẩu vàng với kim ngạch lớn như 2 năm trước (2 năm 2009, 2010, kim ngạch nhập khẩu vàng và sản phẩm lên tới trên 2,7 tỷ USD/năm); thậm chí nếu giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới thì còn có thể tạo điều kiện để xuất khẩu vàng- vừa khai thác nguồn vàng còn đang khá lớn ở trong dân, vừa giảm nhập siêu, vừa ổn định thị trường vàng và thị trường ngoại hối.