Quảng Ninh thu hút đầu tư

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Đối với Quảng Ninh, điều quan trọng là phải làm thế nào để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phục vụ thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế xanh trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

Quảng Ninh thu hút đầu tư
Định hướng phát triển kinh tế của Quảng Ninh trong những năm tới là phát triển kinh tế xanh gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa chủ yếu vào yếu tố phát triển chưa bền vững sang phát triển bền vững; từ phát triển theo bề rộng sang phát triển theo chiều sâu một cách hài hòa và hợp lý.

Chuyển đổi mô hình tăng tưởng

Để phát triển kinh tế xanh, một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển trên quan điểm lấy nguồn lực bên trong là cơ bản chiến lược, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá, với trọng tâm chính cần thu hút là:

Thứ nhất, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại (bao gồm các cấu thành về hạ tầng giao thông; hạ tầng điện lưới quốc gia; hạ tầng thủy lợi và ứng phó biến đổi khí hậu; hạ tầng đô thị...) theo định hướng phát triển kinh tế xanh và không gian phát triển kinh tế - xã hội 1 trục 2 cánh.

Thứ hai, huy động mọi nguồn lực về tài chính, khoa học công nghệ, chất xám... khắc phục ô nhiễm môi trường đối với các thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, nhất là các bãi đổ thải từ khai thác than, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, chất thải rắn, bụi, tiếng ồn, đặc biệt trong khai thác than và trong sinh hoạt.

Thứ ba, huy động nguồn lực đầu tư phát triển: Các ngành dịch vụ, tập trung phục vụ du lịch như dịch vụ văn hóa, ẩm thực, mua sắm, thể dục thể thao, trung tâm tổ chức sự kiện quốc gia, quốc tế; Hình thành và phát triển các loại hình dịch vụ tài chính, ngân hàng, viễn thông, hàng hải, hàng không, y tế, giáo dục, khoa học và chuyển giao công nghệ. Phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần cảng biển và nghề cá. Đầu tư phát triển và tiến tới hình thành ngành công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa, trọng tâm vào các lĩnh vực: công nghiệp truyền thông, nghệ thuật biểu diễn, công nghiệp phim ảnh và nghệ thuật thị giác, công nghiệp thời trang và trung tâm tổ chức hội nghị, hội thảo và các sự kiện văn hóa thể thao (quốc gia, quốc tế).

Về công nghiệp: Thu hút đầu tư đổi mới công nghệ trong khai thác than, nhiệt điện, đóng tàu, vật liệu xây dựng theo hướng “xanh hóa”, hợp lý, bền vững. Đầu tư phát triển công nghiệp địa phương, trọng tâm là công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, công nghiệp công nghệ cao.

Về nông nghiệp: Trọng tâm đầu tư phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, gắn với nuôi, trồng, chế biến các sản phẩm từ nông - lâm - thủy sản phục vụ du lịch và xuất khẩu.

Giải pháp đẩy mạnh thu hút các nguồn lực

Dự kiến 10 năm (2011-2020) tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội của Quảng Ninh cần hàng chục tỉ USD, trong đó huy động trong nước chiếm khoảng 45%, vốn nước ngoài 55%. Trong số này, với chủ trương cắt giảm chi tiêu công thì nguồn lực nhà nước chỉ chiếm hơn 5% (đã bao gồm cả trái phiếu chính phủ), còn nguồn vốn ODA và các nguồn vốn phi chính phủ khác trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn và chính sách “thắt lưng buộc bụng” của các quốc gia phát triển thì tối đa cũng chỉ khoảng 3%. Do vậy, chủ yếu dồn vào các nguồn lực khác trong nước (khoảng 40%) và nguồn lực thu hút từ các nhà đầu tư nước ngoài (khoảng 52%).

Để có được nguồn vốn này, Quảng Ninh:

Thứ nhất, tiếp tục ban hành và thực hiện cơ chế chính sách với trọng tâm là cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở với luật chơi mới tin cậy, bình đẳng, sẵn sàng đối thoại sẵn sàng hành động. Tăng cường và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi nhất cho DN; chú trọng thu hút vốn đầu tư với hướng vận động là các tập đoàn, Cty xuyên quốc gia của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Trung Đông, Châu Âu;

Thứ hai, đối với Quảng Ninh, năm 2012 được xác định là năm xây dựng chiến lược và quy hoạch với chủ trương sẽ mời các nhà tư vấn về lập chiến lược, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng hàng đầu thế giới tham gia. Chiến lược, quy hoạch rõ ràng, có tầm nhìn sẽ khiến cho công tác quản lý nhà nước chặt chẽ hơn, và các sản phẩm quy hoạch chất lượng, có đẳng cấp quốc tế sẽ là môi trường tốt để có các dự án tốt thu hút các nhà đầu tư, huy động và phát huy tối đa nguồn lực phát triển cho tỉnh. Đồng thời thông qua các tư vấn quốc tế nổi tiếng để quảng bá, mời gọi các nhà đầu tư lớn của quốc tế, khu vực đến với Quảng Ninh;

Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và phát triển liên vùng. Trọng tâm trong hợp tác quốc tế để thu hút nguồn lực của Quảng Ninh hiện nay là Nhật Bản, Trung Quốc và đang hướng tới là Mỹ, châu Âu và các nước khu vực Trung Đông. Ở trong nước, chủ động nghiên cứu cơ chế liên kết để tận dụng tối đa các nguồn lực trong hợp tác phát triển liên vùng. Những liên kết cần chú ý là hạ tầng; liên kết về thương mại dịch vụ; liên kết phát triển nguồn nhân lực; liên kết về khám chữa bệnh; liên kết sản xuất sản phẩm hàng hóa phục vụ cho các địa phương; liên kết phát triển du lịch dịch vụ và phát triển kinh tế xanh; và cuối cùng là tăng cường trao đổi cấp cao nhằm tìm ra những vấn đề cần liên kết, giải quyết các vướng mắc.

Thứ tư, tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất, khoáng sản và thị trường vốn. Phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực từ đất thông qua các hình thức hợp tác đầu tư PPP, BOT, BT…; Nghiên cứu đề xuất để tỉnh Quảng Ninh được vay vốn từ các tổ chức tài chính với hình thức dùng đất hoặc than đá làm tài sản thế chấp, trả lại tiền vay từ thu phí hạ tầng để tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng điện, thủy lợi, đê sông, đê biển, kè sông biên giới, các khu neo đậu tránh trú bão, hạ tầng các khu du lịch sinh thái, biển đảo, nghỉ dưỡng hiện đại chất lượng cao. Được phát hành trái phiếu xây dựng Quảng Ninh, xây dựng quỹ đầu tư xây dựng phát triển tỉnh Quảng Ninh.

Thứ năm, đối với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nghiên cứu đề xuất kiến nghị Trung ương để lại đáng kể nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh để Quảng Ninh có nguồn lực hỗ trợ và đầu tư dứt điểm, đồng bộ và hiện đại các công trình hạ tầng chiến lược, động lực như đường cao tốc, sân bay, hạ tầng công nghiệp và dịch vụ; đặc biệt là khắc phục ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do khai thác than hàng trăm năm nay; hoàn thiện hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin.