Quốc hội chính thức thông qua CPTPP

Theo Nam Anh/ndh.vn

Sau khi Quốc hội chính thức thông qua, Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực thực hiện tại Việt Nam từ ngày 30/12.

Hiệp định CPTPP có 11 nước tham gia. Nguồn: CustomsNews.
Hiệp định CPTPP có 11 nước tham gia. Nguồn: CustomsNews.

Với 469 phiếu tán thành, tương đương 96,7%, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14 đã biểu quyết chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan chiều nay 12/11.

Trong tờ trình Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.

Trước đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ báo cáo các nội dung của CPTPP cùng văn kiện có liên quan để trình Quốc hội xem xét phê chuẩn.

CPTPP về cơ bản giữ nguyên nội dung của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn thực thi 20 nhóm nghĩa vụ được coi là có mức độ cam kết cao để bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên còn lại trong bối cảnh Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP.

Phó Thủ tướng cho biết tham gia CPTPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước Việt Nam, khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Hiện CPTPP đã được 6/11 nước thông qua gồm Mexico, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Singapore, Canada. Hiệp định sẽ có hiệu lực chính thức từ 30/12.

Về mặt kinh tế, thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Điều này được cho là có lợi với Việt Nam.