Quốc hội đề nghị giám sát Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế

Theo Báo Hải quan

(Tài chính) Chiều ngày 11/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014.

Quốc hội đề nghị giám sát Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế
Đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý trong năm 2014 triển khai chuyên đề giám sát đối với Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Nguồn: Internet

Theo Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giám sát hai chuyên đề tại hai kỳ họp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát hai chuyên đề tại phiên họp; Hội đồng dân tộc giám sát 1-3 chuyên đề, các Ủy ban giám sát từ 1-2 chuyên đề, báo cáo kết quả với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội.

Tính đến ngày 1/4/2013, Văn phòng Quốc hội đã nhận được 207 nội dung kiến nghị từ 76 cơ quan cần xin ý kiến. Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 3 nội dung để tiến hành giám sát tại hai kỳ họp trong năm 2014.

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quy hoạch, quản lý đầu tư, xây dựng và vận hành các công trình thủy điện (Giao Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường chủ trì thực hiện). Chuyên đề 2: Việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng (Giao Ủy ban kinh tế chủ trì thực hiện). Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012 (Giao Ủy ban về các vấn đề xã hội chủ trì thực hiện).

Với dự kiến này, đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý trong năm 2014 triển khai chuyên đề giám sát đối với Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng chuyên đề “Việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng” cần được đưa vào chuyên đề giám sát năm 2014. Đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội giám sát đối với một trong các chuyên đề khác như việc thực hiện chính sách pháp luật trong bảo vệ, giữ gìn nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc hoặc tình hình thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thực hiện Ngân sách Nhà nước.

Cùng chung quan điểm với đại biểu Nguyễn Bắc Việt, các đại biểu: Lê Trọng Sang (TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Hùng (Đồng Tháp), Bùi Ngọc Chương (Cà Mau), Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên)… cũng cho rằng cần phải thực hiện giám sát việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế do Đề án về tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế rất quan trọng, nếu thực hiện chậm sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội phát triển đất nước. Vì thế cần giám sát để đưa ra những giải pháp cần thiết cho triển khai đề án này.

Cùng với việc giám sát Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đồng ý trong năm 2014 triển khai chuyên đề giám sát đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012.