Quốc hội thảo luận dự án Luật Dự trữ quốc gia

Chinhphu.vn

Chiều 24/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dự trữ quốc gia (DTQG).

Quốc hội thảo luận dự án Luật Dự trữ quốc gia
Tăng cường tiềm lực DTQG

Theo các đại biểu, việc phân cấp trách nhiệm quản lý, thực hiện DTQG cho địa phương sẽ giúp phân phối nhanh chóng những mặt hàng dự trữ mỗi khi xảy ra biến động lớn ở khu vực mà địa phương đó quản lý.

Cụ thể, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, thực hiện chính sách pháp luật về dự trữ quốc gia (DTQG), thực hiện quy hoạch, kế hoạch về DTQG trên địa bàn.

Khoản 2, Điều 24 của dự thảo Luật Dự trữ Quốc gia quy định Danh mục hàng DTQG bao gồm:
a) Lương thực: thóc, gạo;
b) Vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn;
c) Vật tư thông dụng động viên công nghiệp: kim khí, thiết bị;
d) Muối ăn;
đ) Nhiên liệu: xăng, diesel, ma dut, dầu thô;
e) Vật liệu nổ công nghiệp;
g) Hạt giống cây trồng;
h) Thuốc bảo vệ thực vật;
i) Hóa chất khử khuẩn, khử trùng làm sạch môi trường, xử lý nguồn nước;
k) Thuốc phòng, chống dịch bệnh cho người, gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản;
l) Vật tư, thiết bị, hàng hóa phục vụ quốc phòng, an ninh, cơ yếu.


Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với đơn vị trực tiếp quản lý DTQG trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ nhập, xuất, mua, bán, bảo quản, vận chuyển hàng DTQG, bảo đảm an toàn, bí mật các hoạt động DTQG tại địa phương; xem xét, bố trí đất xây dựng kho DTQG theo quy hoạch hệ thống kho DTQG được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn được giữ nguyên như quy định tại Pháp lệnh DTQG. Quốc hội là cơ quan có quyền phê duyệt Kế hoạch 5 năm về DTQG.

Về mục tiêu của DTQG, nhiều ý kiến đề nghị nên thu hẹp, chỉ “đáp ứng những yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước”.

Nguồn hình thành DTQG là từ Ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định; nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước. Có ý kiến đề nghị bổ sung nguồn lực DTQG từ tài nguyên thiên nhiên, tiền, ngoại tệ, vàng và kim loại quý, đặc biệt là vàng - phương tiện dự trữ linh hoạt.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số ý kiến đại biểu cho rằng, việc dự trữ tài nguyên khoáng sản hiện nay đã được điều chỉnh bởi Luật Khoáng sản; dự trữ vàng, ngoại tệ đã được điều chỉnh bởi Pháp lệnh Ngoại hối, do đó, việc quy định trong Luật này sẽ dẫn đến trùng lắp.

Tại dự án Luật này, các tổ chức, cá nhân cũng có thể tham gia DTQG với các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện của Nhà nước. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đặt vấn đề về việc đảm bảo bí mật trong quản lý, sử dụng hàng DTQG khi doanh nghiệp tư nhân tham gia vào DTQG.

Về mua, bán hàng DTQG, để phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm tính minh bạch, công khai và lợi ích nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan, dự luật chỉ áp dụng chỉ định thầu đối với các trường hợp liên quan đến bí mật quốc gia, trường hợp do tính chất cấp bách, thời vụ, thời điểm không thể áp dụng đấu thầu rộng rãi hoặc chào hàng cạnh tranh.

Dự kiến ngày 20/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật DTQG.

Thành Chung