Quốc tế nhận định tích cực về kinh tế Việt Nam

Theo Chinhphu.vn

Tại các báo cáo trong tháng 9/2015, các tổ chức quốc tế đều có nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong đó, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam, nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,5% năm 2015 và 6,6% năm 2016 (dự báo trước là 6,1% và 6,2%) nhờ mở rộng sản xuất, tăng thu hút đầu tư nước ngoài và tiêu dùng.

ADB đánh giá tín dụng tăng trưởng tích cực và có thể vượt chỉ tiêu của Chính phủ.

Đáng chú ý, trong bài bình luận về kinh tế Việt Nam, Thời báo Tài chính Anh ngày 22/9 nhận định kinh tế Việt Nam bắt đầu bước vào chu kỳ phục hồi, nằm trong số ít nền kinh tế đang nổi duy trì đà tăng trưởng nhờ “bùng nổ tư nhân hóa”, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực, tranh thủ được xu hướng dòng đầu tư đang dần rời khỏi Trung Quốc.

Bài bình luận cũng đánh giá Việt Nam nằm trong số ít nước có xuất khẩu tăng 2 con số nhờ hiệu ứng tích cực từ đàm phán các hiệp định tự do thương mại với các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản.

Giới doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam; xác định Việt Nam là địa bàn hấp dẫn đầu tư nhất ở Đông Nam Á với nhiều lợi thế, đặc biệt là chế độ chính trị ổn định, cơ sở hạ tầng đang dần cải thiện, nguồn nhân lực dồi dào có chi phí cạnh tranh và thân thiện với người Nhật.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng Việt Nam cần bảo đảm tính ổn định và nhất quán của hệ thống pháp luật, đơn giản hóa hơn thủ tục hải quan, có chính sách phù hợp hỗ trợ nhà đầu tư vừa-nhỏ…

Trong Báo cáo về ngành phát triển ứng dụng di động Việt Nam, Viện Chính sách tiến bộ-PPI (Mỹ) xếp hạng Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về phát triển ứng dụng di động; đánh giá cao tiềm năng và chính sách hỗ trợ công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực ứng dụng di động.

PPI cho rằng ngành phát triển ứng dụng di động ở Việt Nam đang thu hút gần 29.000 lao động chất lượng cao, góp phần tích cực phát triển kinh tế tri thức.

PPI khuyến nghị Việt Nam cần có chính sách phù hợp về phát triển công nghệ, đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị công nghệ thông tin, đầu tư phát triển các sản phẩm mới.

Bên cạnh đó, một số ý kiến quốc tế cũng cảnh báo Việt Nam cần thận trọng nới lỏng tiền tệ vì có thể thúc đẩy lạm phát, kích hoạt trở lại bong bóng tài sản.

Các chuyên gia kinh tế tại Đại học Harvard nhận định Việt Nam sẽ chịu tác động do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại; khuyến nghị cần tăng cường đa dạng hóa cơ cấu ngành kinh tế, tranh thủ tối đa TPP, đẩy mạnh hơn cải cách doanh nghiệp nhà nước và chú trọng phát triển khu vực tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa-nhỏ.