Quy định về FLEGT và hoạt động kinh doanh xuất khẩu gỗ trong thực thi Hiệp định EVFTA

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2019

Bài viết giới thiệu một số nội dung trong Hiệp định EVFTA có liên quan đến hoạt động xuất khẩu gỗ và các chế phẩm gỗ của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường châu Âu nói chung và một số yêu cầu đặt ra khi thực thi FLEGT-VPA đối với các hoạt động chế biến và xuất khẩu gỗ tại Việt Nam nói riêng.

FLEGT như là “giấy thông hành” về nguồn gốc gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp. Nguồn: internet
FLEGT như là “giấy thông hành” về nguồn gốc gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp. Nguồn: internet

Trong lộ trình đàm phán và đi tới ký kết chính thức của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (FLEGT-VPA) cũng đã chính thức được ký kết vào ngày 19/10/2018 (chính thức có hiệu lực vào ngày 1/6/2019).

Cam kết đảm bảo sự phát triển bền vững trong quản lý lâm nghiệp và thương mại gỗ

Việc đàm phán, thông qua và thực thi Hiệp định FLEGT-VPA có ý nghĩa rất lớn trong việc bổ sung cho EVFTA khi triển khai thực thi các cam kết về thương mại và phát triển bền vững. Các quy định về Luật Lâm nghiệp, quản lý rừng và buôn bán gỗ (FLEGT) đạt được trong FLEGT-VPA sẽ đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp được xuất khẩu từ Việt Nam, góp phần mở rộng thị trường EU và các thị trường xuất khẩu khác, tăng cường sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp và công nghiệp gỗ của Việt Nam; đồng thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tăng cường thực thi lâm luật và quản trị rừng.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái, EU và các nước châu Âu đã không ngừng nỗ lực tăng cường thực thi các chính sách liên quan. Với tư cách là một thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ rất lớn, để chia sẻ với các quốc gia sản xuất đồ gỗ trong việc chống nạn khai thác gỗ bất hợp pháp và những hoạt động thương mại liên quan, EU đã đặt ra các yêu cầu chứng minh nguồn gốc hợp pháp của gỗ và các chế phẩm gỗ. EU đã ban hành quy định nghiêm cấm việc đưa gỗ bất hợp pháp vào tiêu thụ ở thị trường châu Âu và yêu cầu các đơn vị nhập khẩu thuộc EU thực hiện các hệ thống thông tin để giảm thiểu rủi ro về việc mua gỗ từ các nguồn không rõ ràng, bất hợp pháp, đây được gọi là “hệ thống giải trình”.

Có hiệu lực từ đầu năm 2013, EU yêu cầu các DN xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường này phải cung cấp thông tin về nguồn gốc gỗ tạo ra sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này. “Hệ thống giải trình” sẽ được dùng để đánh giá rủi ro về gỗ bất hợp pháp trong chuỗi cung ứng theo yêu cầu của quy chế gỗ của EU. Khi DN xuất khẩu được cấp giấy phép FLEGT thì việc “giải trình” nêu trên sẽ không cần thiết đặt ra, việc nhập sản phẩm đồ gỗ vào thị trường châu Âu sẽ nhanh hơn và rộng mở hơn.

Như vậy, có thể hiểu một cách đơn giản về giấy phép FLEGT như là “giấy thông hành” về nguồn gốc gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp. Theo đó, trong hoạt động xuất khẩu gỗ và các chế phẩm gỗ của các DN Việt Nam sang EU, sau chứng chỉ COC và FSC, giấy phép FLEGT là mối ràng buộc thứ 3 mà các DN kinh doanh gỗ Việt Nam phải đáp ứng để khi xuất hàng sang thị trường EU không bị vướng mắc về mặt pháp lý, tránh những rủi ro trong xuất khẩu.

Những yêu cầu cơ bản của Hiệp định FLEGT – VPA đối với Việt Nam

Việt Nam đã kết thúc tiến trình hơn 6 năm đàm phán và chính thức ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về FLEGT (FLEGT-VPA) với EU vào ngày 19/10/2018. Hiệp định FLEGT –VPA chính thức có hiệu lực từ ngày 01/6/2019, được kỳ vọng sẽ hạn chế, tiến tới chấm dứt việc khai thác gỗ bất hợp pháp, nhằm bảo vệ và phát triển rừng bền vững đồng thời bảo vệ, khuyến khích giao thương gỗ và các chế phẩm gỗ theo các tiêu chuẩn phổ cập được hai bên cam kết.

Phạm vi điều chỉnh của Hiệp định bao trùm tất cả các loại gỗ. Sau khi FLEGT-VPA được chính thức ký kết và phê chuẩn theo luật pháp của mỗi bên, các lô gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ phải được cấp phép FLEGT theo các điều khoản của Hiệp định.

Trong khung khổ của Hiệp định này, trước tiên Việt Nam sẽ xây dựng và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) nhằm đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam có nguồn gốc hợp pháp, bao gồm việc xác minh một cách hệ thống để đảm bảo các DN Việt Nam nhập khẩu gỗ được khai thác và mua bán hợp pháp phù hợp với pháp luật của quốc gia khai thác.

Vận hành Hệ thống VNTLAS sẽ giúp cho việc xác minh, truy xuất nguồn gốc gỗ trong toàn bộ chuỗi cung  ứng (từ khi gỗ còn trong rừng hay từ thời điểm gỗ được nhập khẩu cho đến điểm cuối cùng là xuất khẩu hay gỗ được bán ra) của Việt Nam đã phù hợp với các quy định của EU hay không, qua đó làm căn cứ cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU.

Cũng trong khuôn khổ của Hiệp định FLEGT-VPA, 2 bên sẽ thành lập một Ủy ban thực thi chung Việt Nam–EU (JIC) để giám sát và đánh giá việc thực thi đầy đủ các cam kết của Hiệp định. JIC cũng sẽ đảm bảo cơ chế đối thoại, chia sẻ và công bố thông tin giữa hai bên. Một đánh giá chung sẽ được thực hiện trước khi cơ chế cấp phép FLEGT của hệ thống VNTLAS chính thức hoạt động để xác định các cam kết của Hiệp định FLEGT- VPA sẵn sàng vận hành theo quy định của Hiệp định. Hiệp định FLEGT-VPA cũng quy định việc thiết lập hệ thống kiểm tra và cân bằng như cơ chế khiếu nại và đánh giá độc lập cũng như cam kết có sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình thực thi Hiệp định và công bố các thông tin chính của ngành Lâm nghiệp.

Những cơ hội đối với xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam

Việt Nam là nước thứ 2 (sau Indonesia) tiến hành ký kết thành công Hiệp định FLEGT-VPA với EU. Khi Hiệp định được triển khai đầy đủ, cơ chế cấp phép FLEGT sẽ cho phép các sản phẩm gỗ của Việt Nam có giấy phép FLEGT được tự do nhập khẩu vào EU. Các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam một khi được cấp phép FLEGT sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp trước các cơ quan hải quan và hệ thống kiểm soát nhập khẩu vào các nước EU.

Khi đó, giấy phép FLEGT sẽ thay thế hàng loạt giấy tờ khác phải nộp cho nhà nhập khẩu EU để chứng minh gỗ hợp pháp, qua đó sẽ giúp các DN xuất khẩu được rút ngắn thời gian thông quan và giảm các chi phí cho các thủ tục pháp lý có liên quan.

Việc đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn và yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ theo Hiệp định FLEGT-VPA sẽ góp phần nâng cao vị thế của các DN Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường các quốc gia khác ngoài EU như Hoa kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… bởi theo Hiệp định này việc minh chứng gỗ hợp pháp không chỉ dừng lại ở việc chứng minh gỗ có nguồn gốc hợp pháp.

Điều này còn bao gồm cả việc chứng minh chủ thể thực hiện khai thác, vận chuyển, chế biến,thương mại gỗ đã phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan trong việc phân loại DN sản xuất, chế biến và kinh doanh gỗ. Những DN được xếp loại tuân thủ đầy đủ 3 nhóm tiêu chí theo yêu cầu của Hiệp định sẽ tự nâng cao uy tín, vị thế và có nhiều lợi thế trong xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU và các thị trường nhập khẩu gỗ khác.

Hiệp định FLEGT-VPA được thực thi sẽ giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp, theo đó, gỗ khai thác bất hợp pháp và các DN kinh doanh gỗ khai thác bất hợp pháp sẽ không được tham gia chuỗi cung ứng theo quy định của hệ thống VNTLAS. Chính vì vậy, Hiệp định này góp phần khuyến khích các DN kinh doanh hợp pháp có được môi trường kinh doanh lành mạnh, loại trừ những yếu tố cạnh tranh bất hợp pháp đến từ các DN kinh doanh không tôn trọng pháp luật, thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng của các DN kinh doanh hợp pháp và có uy tín trên thị trường.

Một số khía cạnh pháp lý cần lưu ý

Trong khung khổ thực thi EVFTA và FLEGT-VPA, để tiến tới được cấp giấy phép FLEGT, các DN chế biến gỗ trong nước phải đáp ứng được hệ thống những căn cứ pháp lý và nội dung văn bản tham chiếu làm cơ sở chứng minh được nguồn gốc gỗ và sản phẩm gỗ được khai thác, chế biến, xuất khẩu theo quy định của Hệ thống VNTLAS.

Gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khép kín trong tất cả các khâu từ rừng đến nơi tiêu thụ; đầy đủ căn cứ xác minh đối với tất cả các loại gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tham gia thị trường EU. Để đảm bảo được điều này, các DN kinh doanh gỗ Việt Nam cần lưu ý một số khía cạnh sau đây:

Một là, theo Hiệp định FLEGT-VPA, Việt Nam sẽ phải phân loại DN trong lĩnh vực khai thác, chế biến và kinh doanh gỗ thành các nhóm DN tuân thủ (DN minh bạch) và nhóm DN không tuân thủ theo 3 nhóm tiêu chí đánh giá. Nhóm tiêu chí thứ nhất liên quan tới các quy định về đăng ký đầu tư, đăng ký DN, nghĩa vụ thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo vệ môi trường…

Nhóm tiêu chí thứ hai liên quan đến nghĩa vụ tuân thủ các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ; nghĩa vụ tuân thủ các quy định về quyền sở hữu rừng và quyền sử dụng đất; nghĩa vụ tuân thủ các quy định về hồ sơ nguồn gốc lâm sản và hồ sơ lâm sản trong lưu thông… Nhóm tiêu chí thứ ba liên quan đến các đáng giá về việc có vi phạm pháp luật hay không trong kỳ đánh giá.

Hai là, để được xếp loại DN tuân thủ các yêu cầu cơ bản của Hiệp định, các DN kinh doanh trong lĩnh vực gỗ cần phải lưu ý việc ứng dụng khoa học công nghệ nhất là ứng dụng công nghệ thông tin cập nhật các tiêu chí đánh giá phân loại DN, chủ động tự đánh giá và đề nghị xếp loại DN.

Các thông tin được DN cập nhật sau khi tự động kết nối đến cơ sở dữ liệu của chi cục kiểm lâm và cục kiểm lâm sẽ là căn cứ quan trọng cho cơ quan chức năng xem xét phân tích và ra quyết định phân loại. Việc kiểm soát chính xác, kịp thời và đủ độ tin cậy các thông tin cập nhật của DN sẽ giúp cho DN chủ động và giảm bớt các phiền toái khi làm việc với các cơ quan chức năng trong quá trình đánh giá DN.

Ba là, trong khung khổ thực thi FLEGT-VPA, Việt Nam sẽ phải xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp VNTLAS. Mặc dù, việc xuất khẩu sản phẩm gỗ sang các thị trường ngoài EU không bị ràng buộc bởi các yêu cầu của giấy phép FLEGT, nhưng khi Hiệp định FLEGT-VPA thực thi, các DN tiêu thụ các sản phẩm gỗ tại thị trường nội địa hoặc xuất khẩu sang thị trường khác vẫn phải tuân thủ các quy định của VNTLAS. Điều này nhằm đảm bảo gỗ và các sản phẩm gỗ đều có nguồn gốc hợp pháp, kể cả gỗ nhập khẩu.

Bốn là, thực tiễn cũng cho thấy, quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển và mua bán gỗ chịu sự điều chỉnh của nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau như luật đất đai, môi trường, thuế, lao động, bảo vệ và phát triển rừng… Trước khi Hiệp định FLEGT-VPA có hiệu lực, nếu DN vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nào sẽ bị xử lý theo quy định của lĩnh vực pháp luật đó một cách riêng rẽ.

Tuy nhiên, khi Hiệp định này được thực thi, các DN kinh doanh gỗ vi phạm pháp luật trong bất cứ lĩnh vực pháp luật nào, ngoài việc bị xử lý vi phạm theo luật chuyên ngành, còn chịu rủi ro pháp lý khác là gỗ và sản phẩm gỗ có liên quan đến vi phạm bị coi là không đảm bảo tính hợp pháp theo VNTLAS và do đó không được phép tiêu thụ.

Năm là, trong khuôn khổ Hiệp định FLEGT-VPA, để cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam có thể cấp giấy phép FLEGT cho các DN xuất khẩu gỗ, quá trình xây dựng một hệ thống VNTLAS có tính khả thi và hoạt động có hiệu quả đòi hỏi một thời gian khá dài cho việc nội luật hóa các quy định pháp luật trong nước, cũng như nâng cao năng lực quản lý đánh giá, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về DN, phân loại DN… Chính vì vậy, cho đến khi cơ chế cấp phép FLEGT chính thức được vận hành ở Việt Nam, gỗ và các sản phẩm gỗ được nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tiếp tục phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy xuất nguồn gốc theo quy định Quy chế gỗ của EU.

Sáu là, hiện nay, các cam kết của Hiệp định FLEGT-VPA đã được thể chế hóa trong Luật Lâm nghiệp Việt Nam 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019). Để thực hiện các quy định của Hiệp định và Luật Lâm nghiệp, các DN cần cập nhật các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan, chủ động cập nhật các phần mềm và hệ thống cơ sở dữ liệu có liên quan...      

Tài liệu tham khảo:

  1. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA);
  2. Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản;
  3. Quốc hội (2017), Luật Lâm nghiệp 2017;
  4. Báo cáo nghiên cứu “Tính hợp pháp của Sản phẩm Gỗ trong mua sắm công tại Việt Nam - Thực trạng pháp luật, thực tiễn và thách thức trong thực thi VPA-FLEGT”, Trung tâm WTO;
  5. Tài liệu Hội thảo “Tính hợp pháp của Sản phẩm Gỗ trong mua sắm công tại Việt Nam - Thực trạng pháp luật, thực tiễn và thách thức trong thực thi VPA-FLEGT” do VCCI tổ chức.