Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên:

'Quyết định chính sách phải bình tĩnh, đánh giá tác động nhiều chiều'

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Chúng ta điều hành giá xăng dầu theo Nghị định của Chính phủ, theo cơ chế thị trường. Doanh nghiệp (DN) cũng không thể hoạt động phi lợi nhuận.

Vì vậy, phải có sự chia sẻ lợi ích giữa DN, Nhà nước và người tiêu dùng. Đây là ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội trong cuộc trao đổi với Phóng viên xung quanh câu chuyện điều hành giá xăng dầu.

Phóng viên:Gần đây, câu chuyện về sự chênh lệch mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu đang được quan tâm. Mặc dù cơ quan quản lý đã có biện pháp điều chỉnh nhưng có ý kiến cho rằng cần phải có phản ứng chính sách nhanh hơn trong trường hợp này. Ý kiến của ông thế nào?

'Quyết định chính sách phải bình tĩnh, đánh giá tác động nhiều chiều' - Ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên:Để nói là nhanh hay chậm cần có căn cứ rõ ràng, bao nhiêu lâu là nhanh, bao nhiêu lâu là chậm. Còn nếu so sánh với cuộc sống thì đương nhiên chính sách bao giờ cũng sẽ chậm.

Chính sách không thể xây dựng, thực hiện một cách nhanh vội được vì khi làm chính sách là phải xác định tác động đa chiều của chính sách lên mọi mặt của cuộc sống, lên mục tiêu điều hành của nhà quản lý. Vậy để nói chính sách chậm cần nói rõ chậm thế nào, vì sao?

Từ 1/1/2016, chúng ta là thành viên Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), khi đó có những trùng lấn về thuế với các hiệp định thương mại tự do khác mà chúng ta đã ký kết. Công tác rà soát chính sách thuế của chúng ta chất lượng cũng chưa cao, nên khi phát hiện vấn đề chúng ta chưa nhận thấy tầm quan trọng và chưa đánh giá được tác động đối với thực tế.

Phải nói lại rằng, trong nền kinh tế thị trường, hội nhập như hiện nay, quyết định chính sách phải bình tĩnh, đánh giá tác động nhiều chiều. Chẳng hạn, không thể nhìn Trung Quốc, hay các nước phá giá từng nào thì chúng ta cũng phá giá chừng đó….

Cùng với điều chỉnh cách tính thuế trong giá cơ sở bán lẻ xăng dầu, cơ quan quản lý cũng điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu dầu để giảm mức chênh lệch thuế giữa các thị trường, còn thuế nhập khẩu xăng vẫn giữ nguyên. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Mức điều chỉnh này cũng là hợp lý vì dầu mới là mặt hàng tác động nhiều đến nền kinh tế, đến hoạt động sản xuất và người dân. Thực tế, toàn bộ các máy sản xuất là chạy dầu, tàu đánh bắt của ngư dân cũng chạy dầu. Còn về xăng, chủ yếu là phương tiện đi lại, mà càng các phương tiện đắt tiền như ô tô đẹp, xe máy đẹp thì mức tiêu thụ xăng càng cao. Những người đi các phương tiện này cũng là những người thu nhập khá trở lên trong xã hội.

Chúng ta không phân biệt đối xử với các người dân ở các mức thu nhập khác nhau trong xã hội. Tuy nhiên, trong điều hành thực tế thì cái gì cấp bách làm trước, cái gì ảnh hưởng đến số đông thì phải điều chỉnh ngay để tạo sự ổn định trong xã hội, sau đó sẽ tiếp tục điều chỉnh các bước tiếp theo.

Từ vụ việc này, có ý kiến cho rằng các DN kinh doanh xăng dầu đã thu được lợi nhuận lớn, trong khi người tiêu dùng chịu thiệt, theo ông, điều này có phù hợp?

Trong một nền kinh tế thị trường, khi ra chính sách là phải cố gắng giữ ổn định để DN ổn định sản xuất kinh doanh. Lấy ví dụ như câu chuyện thị trường xăng dầu máy bay, không phải ngẫu nhiên mà họ dùng chính sách giá ổn định theo hợp đồng từng năm. Bởi đây là lĩnh vực sử dụng nhiều xăng dầu, trong khi giá biến động hàng ngày, vì vậy họ phải có giá ổn định để đảm bảo lợi nhuận sản xuất kinh doanh và lợi ích cổ đông, nếu không sẽ khó điều hành.

Nhớ lại thời kỳ 2007 – 2008, khi Vietnam Airlines và Pacific Airlines lần đầu tiên áp dụng hình thức mua theo giá hàng năm, chúng ta đã bị sốc, nhưng thực tế đây là hoạt động thương mại bình thường trong lĩnh vực xăng dầu, hàng không. Từ nhận thức ngây ngô đến nhận thức bắt kịp với nền kinh tế thị trường đã phải trải qua một quá trình lâu dài, thậm chí phải trả giá…

Tôi xin nhắc lại là chúng ta điều hành giá xăng dầu theo Nghị định của Chính phủ, theo cơ chế thị trường. Giá quốc tế lên thì giá trong nước lên, giá quốc tế xuống thì trong nước cũng xuống. Còn DN thì cũng hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, không thể làm phi lợi nhuận. Vì vậy, phải có sự chia sẻ giữa lợi nhuận kinh doanh của DN, lợi ích của Nhà nước và của người tiêu dùng.

Cũng phải nói là Nhà nước không khuyến khích người dân sử dụng nhiều xăng dầu, vừa gây ô nhiễm, vừa lãng phí, tăng chi phí đầu vào của mỗi đơn vị sản phẩm. Hơn nữa, cũng không có cơ sở để đánh giá DN thu lợi mấy nghìn tỷ đồng như báo chí phản ánh khi chúng ta chưa nhìn thấy báo cáo hạch toán chi tiết, cụ thể.

Xin cảm ơn ông!