Rau quả nội trước sức ép cạnh tranh

Theo laodong.com.vn

Từ đầu năm đến nay, nhập khẩu rau quả ngoại tăng mạnh, tạo ra sức ép cạnh tranh cho rau quả nội địa. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, rau củ, trái cây bản địa vẫn được người tiêu dùng lựa chọn và có sức tiêu thụ tốt. Một số hợp tác xã nông nghiệp sản xuất rau đã được hình thành, cung cấp rau xanh và trái cây, đặc biệt là sản phẩm trái vụ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

“Chuộng” rau quả nhập ngoại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm nay, nhập khẩu rau quả cả nước đạt gần 650 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng tháng 9, Việt Nam đã chi gần 120 triệu USD để nhập khẩu rau quả. Nếu vẫn giữ tốc độ nhập khẩu cao như vậy thì rất có thể Việt Nam sẽ chi đến 1 tỉ USD để nhập khẩu rau quả trong năm 2016.

Nhà cung cấp rau quả đứng đầu cho Việt Nam là Thái Lan, kế đến là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia… Trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Chúc - Giám đốc ngành hàng thực phẩm tươi sống Lotte Mart cho biết, hiện tại trái cây ngoại nhập tại hệ thống Lotte Mart chiếm 35% với sản lượng nhập 950 tấn/năm. Năm 2015, tỉ lệ nhập khẩu mặt hàng này tăng 8% và năm nay dự kiến sẽ không có nhiều thay đổi đột biến.

Theo TS. Bùi Nữ Hoàng Anh - Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên, song một trong những nguyên nhân là quan niệm của người tiêu dùng về sản phẩm có chất lượng và an toàn.

Phần đông người tiêu dùng ở thành thị cho rằng, rau và trái cây ngoại nhập có chất lượng tốt hơn và đảm bảo vệ sinh an toàn hơn. Bởi vậy, mặc dù rau và trái cây nhập khẩu có giá cao hơn, người tiêu dùng ở thành thị vẫn tiêu dùng ngày càng nhiều”.

Theo khảo sát, tại các siêu thị như Big C, Lotte Mart, Satra Food… trái cây ngoại như: Nho, cam, táo, lê, chery… được bày bán khá đa dạng. Cụ thể, Cherry có giá 700.000 đồng/kg, nho Úc xanh 170.000 đồng/kg, nho Úc đỏ 120.000 đồng/kg, cam Mỹ 74.000 đồng/kg, táo Pháp 60.000 đồng/kg…

Rau quả bản địa vẫn được tin dùng

Ở chiều ngược lại, rau quả đã vươn lên trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao. 9 tháng, xuất khẩu rau quả thu về 1,813 tỉ USD, tăng 31,8%. Chỉ tính riêng nhóm hàng nông, thủy sản thì rau quả có mức tăng trưởng lớn nhất, chính thức “soán ngôi” mặt hàng gạo và vươn lên đứng thứ 4 về xuất khẩu, sau thủy sản, cà phê và điều.

Thực tế cho thấy, với phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, rau củ, trái cây bản địa vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ và siêu thị trên địa bàn TP.Hà Nội, lượng rau quả nội địa được tiêu thụ khá tốt.

Chị Thu Hằng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Rau trong nước có nhược điểm là tính mùa vụ, giá lên xuống thất thường và đặc biệt là chất lượng, mẫu mã không đồng đều. Tuy nhiên, nhiều loại rau trái vụ giờ có thể tìm mua dễ dàng trong các siêu thị, giá cả cũng hợp lý lại an toàn”.

Đáng chú ý, phân khúc rau an toàn cũng đang được sản xuất với sản lượng đáng kể tại một số tỉnh như: Quảng Ninh, Sơn La, Bắc Giang, Lào Cai… Một phần sản lượng rau xanh thu hoạch để phục vụ cho tiêu dùng, một phần bán cho các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và xuất khẩu. Những năm gần đây, một số hợp tác xã nông nghiệp sản xuất rau đã được hình thành, cung cấp rau xanh và trái cây, kể cả trái vụ cho thị trường Hà Nội.

Mới đây, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã chính thức công bố thành lập Liên hiệp hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam và khai trương siêu thị giới thiệu và bán nông sản an toàn Việt Nam tại Hà Nội. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, sẽ có khoảng 20 cửa hàng nông sản an toàn được mở tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Theo TS. Hoàng Anh: “Để thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường nông sản an toàn, cần thực thi đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, phát triển thị trường và nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới.