Rót 54 tỷ USD, Hàn Quốc giành “ngôi vương” FDI tại Việt Nam

Theo enternews.vn

Trong quý I/2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng trên 77%, trong đó Hàn Quốc là nước dẫn đầu với tổng vốn 54 tỷ USD.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/3/2017, cả nước có 493 dự án mới được cấp giấy chứng nhận với tổng vốn đăng ký là 2,9 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016; có 223 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,94 tỷ USD, tăng 206% so với cùng kỳ và 1077 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 853 triệu USD, tăng 172% so với cùng kỳ 2016.

Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 3,62 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Tính chung trong quý I/2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 7,71 tỷ USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Nhìn vào con số này, có thể thấy, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang gia tăng một cách… chóng mặt. Nếu như hai tháng đầu năm, con số chỉ là 3,4 tỷ USD, thì sau ba tháng, con số đã tăng hơn gấp đôi, đạt 7,71 tỷ USD.

Không khó để lý giải sự tăng tốc mạnh mẽ này. Đó là trong tháng 3, có nhiều dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư. Trong đó, đáng chú ý nhất là Dự án mở rộng của Samsung Display ở Bắc Ninh, với vốn tăng thêm là 2,5 tỷ USD.

Ngoài ra, cũng trong tháng 3 này, còn hàng loạt dự án quy mô lớn khác đã nhận được sự chấp thuận đăng ký mới hoặc tăng vốn của các cơ quan chức năng.

Đáng chú ý, có Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) do nhà đầu tư Đài Loan đầu tư tại Bình Dương, với mục tiêu sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 485,8 triệu USD; Dự án Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn đầu tư 319,8 triệu USD.

Bên cạnh đó, còn có thể kể đến Dự án Khu công nghiệp Việt Nam Singapore III tại Bình Dương, với tổng vốn đầu tư 284,75 triệu USD; Dự án Nhà máy Sản xuất Tole Panel tại Bình Phước, tổng vốn đầu tư 269,54 triệu USD; hay Dự án sản xuất sợi lốp KVT-1 tại Bình Dương của Kolon Industries Inc, vốn đăng ký 220 triệu USD…

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 6,54 tỷ USD, chiếm đến 84,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong quý I.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 343,7 triệu USD, chiếm 4,4% tổng vốn đầu tư.

Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 296,8 triệu USD, chiếm 3,85% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Có 71 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, quý I, Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 3,74 tỷ USD, chiếm 48,6% tổng vốn đầu tư; Singapore đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 910,8 triệu USD, Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 823,6 triệu USD.

Ba tháng đầu năm nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 52 tỉnh thành phố, trong đó Bắc Ninh là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng số vốn đăng ký là 2,61 tỷ USD, chiếm 33,86% tổng vốn đầu tư.

Bình Dương đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký là 1,39 triệu USD, chiếm 18,04% tổng vốn đầu tư. Tp. HCM đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký gần 600 triệu USD, chiếm 7,78% tổng vốn đầu tư.

Như vậy, luỹ kế đến 20/3/2017, cả nước có 23.071 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 300,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 158,45 tỷ USD, bằng 49,3% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Các doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 175,6 tỷ USD; tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 52,6 tỷ USD; sản xuất, phân phối điện, khí nước với 12,9 tỷ USD.

Tính đến tháng 3/2017 đã có 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 54 tỷ USD. Từng đứng sau Nhật Bản song vài năm trở lại đây, với đà suy giảm của vốn FDI Nhật, Hàn Quốc đã bứt tốc và ngày càng bỏ xa các nước xếp sau về quy mô đầu tư.

Đứng thứ hai là Nhật Bản với 42,49 tỷ USD, tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Britishvirgin Island, Hồng Kông.

Vốn FDI đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó Tp. HCM vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 45,66 tỷ USD, tiếp theo là Bình Dương với 28,2 tỷ USD, Bà Rịa – Vũng Tàu với 27,2 tỷ USD, Hà Nội với 26 tỷ USD.