Sau 30 năm đổi mới: 8 “nút thắt” lớn cần tháo gỡ

TS. Nguyễn Minh Phong

(Tài chính) Việt Nam luôn đối diện với nhiều bài toán khó khăn trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong quá trình đó, Việt Nam đã bộc lộ bản lĩnh và tỏa sáng trí tuệ của mình với 8 bài học nổi bật để ổn định và phát triển ngày càng bền vững hơn…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trí tuệ và Bản lĩnh Việt Nam đang và sẽ còn được thử thách và nâng cao. Kết quả chống lạm phát, vượt qua khủng hoảng thế giới và triển vọng phát triển kinh tế bền vững ở nước ta đã, đang và sẽ còn tuỳ thuộc rất lớn vào quyết tâm và cách thức tháo gỡ các “nút thắt” sau:

Kết hợp bàn tay nhà nước với bàn tay thị trường

Sự kết hợp hài hòa giữa hai bàn tay Nhà nước và thị trường đòi hỏi kiên quyết cắt giảm các chi tiêu công không mang tính sản xuất và không phục vụ cho các mục tiêu bảo đảm xã hội, cũng như vào việc cải thiện căn bản cơ cấu và hiệu quả sử dụng vốn vay của khối các đại gia tổng công ty và tập đoàn doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Về dài hạn, cần chuyển nhanh từ mô hình “nhà nước – nhà đầu tư lớn nhất” và phát triển chủ yếu theo bề rộng hiện nay, sang mô hình “nhà nước – nhà quản lý công” và phát triển theo bề sâu, đi đôi với việc chuyển nguồn động lực chính trong đầu tư phát triển kinh tế từ khu vực kinh tế nhà nước sang khu vực kinh tế ngoài nhà nước, phù hợp tinh thần cốt lõi của công cuộc đổi mới và theo xu hướng chung trên thế giới.

Nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo

Cần coi trọng đúng mức và phân biệt rạch ròi giữa yêu cầu dự báo khách quan với mục tiêu chính sách và ý chí chủ quan. Đồng thời, cần coi trọng dự báo tác động 2 mặt của chính sách theo yêu cầu quản lý kinh tế thị trường.

Hơn nữa, việc coi nhẹ các phản biện xã hội và các đánh giá tác động chính sách (định kỳ hoặc đột xuất) trước và sau khi ban hành do các tổ chức chuyên nghiệp và độc lập thực hiện theo đặt hàng của cấp có thẩm quyền khách quan cũng là một bất cập khác trong quy trình lập pháp nói chung, trong công tác dự báo kinh tế nói riêng ở nước ta. Việc thành lập bổ sung mạng lưới các cơ quan có chức năng chuyên trách xây dựng, phản biện và đề xuất hoàn thiện các chính sách quản lý nhà nước các cấp từ Trung ương xuống các địa phương, trước hết là các Phòng Chính sách và Dự báo kinh tế ở các sở kinh tế tham mưu tổng hợp cho chính quyền cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cần thiết.

Ngoài ra, cần đảm bảo tính chuyên nghiệp và sự phối hợp ăn khớp cần có giữa các cơ quan chức năng và các loại công cụ dự báo, giữa công tác dự báo với công tác tổ chức thực hiện. Dự báo tốt giúp các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao hiệu quả điều hành thực tiễn. Còn việc bám sát thực tiễn điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp công tác dự báo thêm cơ sở tin cậy và mềm dẻo, chính xác hơn.

Trên cơ sở các kết quả dự báo và phản biện đó và các yếu tố cần thiết khác, cần chủ động có các phương án, đối sách phòng ngừa hiệu quả cho mọi tình huống khủng hoảng với giả định mức xấu nhất có thể xẩy ra. Bất luận trong tình huống nào, cũng cần coi trọng tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận xã hội, lợi ích quốc gia và phát huy sức mạnh tổng hợp...

Coi trọng đào tạo, thu hút sử dụng nhân tài, doanh nhân

Việt Nam không thiếu vốn và tài nguyên (cả vật chất, lẫn nguồn nhân lực), không thiếu các cơ hội kinh doanh cả trong và ngoài nước, nhưng hiện đang thiếu một cơ chế đào tạo, tập hợp và trọng dụng nhân tài - tức những lao động có trình độ cao, các nhà khoa học, các chuyên gia cao cấp, các nhà tổ chức và kinh doanh tài ba... trong tất cả các lĩnh vực: nghiên cứu, tư vấn, hoạch định chính sách và quản lý nhà nước, cũng như trong kinh doanh và quản lý kinh doanh. Họ chính là những nhà thiết kế, tổ chức và trực tiếp sử dụng tốt nhất các yếu tố về lao động, vốn, tài nguyên và cơ hội kinh doanh nói trên. Hoạt động của họ sẽ là chất keo kết dính các nhân tố, và tạo ra động lực mạnh mẽ hàng đầu cho sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam hiện đại.

Cơ chế đào tạo, tập hợp và trọng dụng nhân tài đó trong tương lai phải bao hàm những khía cạnh: Tạo sự di chuyển chất xám tự do trong thị trường lao động theo “quy luật tối ưu” của tự nhiên, thoả mãn các điều kiện nuôi dưỡng tốt nhất cho nhân tài (lương, điều kiện học tập, lao động, khả năng tiếp cận các thông tin và công nghệ mới, sự tôn trọng về tinh thần và thăng tiến cá nhân....). Bảo đảm nguyên tắc “người nào - việc nấy”...

Kiên quyết khắc phục tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm

Điều kiện quan trọng để chống tham nhũng, hạn chế “lợi ích nhóm” và “tư duy nhiệm kỳ” là sớm xây dựng những giá trị chuẩn chung, những cơ chế hữu hiệu bảo vệ lợi ích quốc gia, tạo sự đồng thuận lý tưởng chung cho xã hội; khắc phục những ngộ nhận về công cụ với mục tiêu, những bất cập và lạm dụng về khái niệm, nội hàm mô hình tăng trưởng; sự lẫn lộn, mù mờ giữa địa giới hành chính chủ quan và không gian, cơ cấu kinh tế khách quan. Đồng thời, cần xây dựng Luật Đầu tư công và làm rõ quyền tự chủ địa phương với yêu cầu quản lý nhà nước tập trung, thống nhất (đặc biệt là trong quy hoạch tổng thể chung và quản lý nền kinh tế theo nguyên tắc thị trường). Đặc biệt, cần đổi mới công tác cán bộ theo hướng đề cao quy chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa và trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu...

Quá trình tái cấu trúc kinh tế Việt Nam được hỗ trợ bởi sự quyết tâm chính trị và đồng thuận xã hội cao, bởi các tiềm năng và điều kiện trong nước, cũng như xu thế và cơ hội từ bên ngoài. Đồng thời, quá trình này cũng gặp không ít khó khăn, trong đó có cả lực cản từ tham nhũng, các “lợi ích nhóm” và lối “tư duy nhiệm kỳ”; Những khó khăn và lực cản trên đây nếu không đuợc nhận diện và hoá giải tốt, có thể gây hệ quả trái mong đợi và làm nản lòng những quyết tâm tái cấu trúc tuơng lai…

Hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế

Thực tế cho thấy, khi hệ thống luật pháp kinh tế được thiết kế tốt và có hiệu lực thực tế cao, sẽ có tác động cực kỳ to lớn tạo ra sự đồng thuận xã hội và kích thích các dòng đầu tư hướng vào các hoạt động lĩnh vực và địa bàn phù hợp với mục tiêu chiến lược đề ra, có lợi cho quốc kế dân sinh. Hơn nữa, thực tế cũng cho thấy sự dân chủ hóa xã hội và ổn định chính trị là điều kiện để tăng cường hoàn thiện các luật định kinh tế, tạo sức hấp dẫn và cải thiện môi trường kinh doanh. Đến lượt mình, chính việc tôn trọng không ngừng hoàn thiện hệ thống luật pháp kinh tế và môi trường đầu tư, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước sẽ có tác động trở lại củng cố sự dân chủ hóa, tăng cường hợp tác, gắn kết kinh tế vĩ mô và vi mô, duy trì ổn định chính trị xã hội - điều kiện tiên quyết cho sự ổn định và phát triển kinh tế.

Yêu cầu hoàn thiện hệ thống luật pháp kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh đòi hỏi phải, một mặt, áp dụng thống nhất, liên tục hệ thống luật định chung cho cả nước, đảm bảo sự thống nhất của quản lý nhà nước…. Mặt khác, cần chủ động phân cấp cho địa phương, cơ sở quyền tự chủ cao nhất, kể cả việc xây dựng, triển khai các cơ chế đặc thù. Tăng cường cải cách thủ tục từ trên xuống, kiện toàn bộ máy tổ chức theo yêu cầu thực tế và nhiệm vụ quản lý nhà nước…

Đẩy mạnh tái cấu trúc, bình đẳng các thành phần kinh tế

Một mặt, cần đảm bảo sự bình đẳng và cơ chế thị trường giữa các DN không phân biệt Trung ương - địa phương, nhà nước – tập thể – tư nhân và nước ngoài về các điều kiện tiếp cận yếu tố đầu vào quan trọng như đất đai, mặt bằng kinh doanh, vốn tín dụng chính thức và thông tin thị trường cũng như các nội dung quản lý nhà nước như thủ tục hải quan, thuế, đăng ký kinh doanh và sau đăng ký kinh doanh… luôn là những yêu cầu và vấn đề quan tâm hàng đầu của DN mà Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp cần tập trung giải quyết triệt để, tạo động lực tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội và DN. Mặt khác, cần khuyến khích, hỗ trợ và quản lý hiệu quả sự hợp tác, gắn kết kinh tế sâu, rộng, toàn diện, lành mạnh dưới nhiều hình thức đa dạng giữa các DN, thành phần kinh tế.

Nhà nước, thông qua khu vực kinh tế nhà nước, cần tạo điều kiện và có vai trò chủ động, tích cực hơn để thúc đẩy sự gắn kết, hợp tác, liên doanh liên kết trong hoạt động sản xuất kinh doanh giữa các thành phần kinh tế. Cần mạnh dạn lấy một số DNNN lớn, có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư tư nhân để tiến hành cổ phần hóa thành công ty, tập đoàn kinh tế có sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, hình thành DN đa sở hữu quy mô lớn và một số tập đoàn kinh doanh mạnh các nhà đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân trong nước cần được phép đầu tư không hạn chế quy mô vào các công ty cổ phần Nhà nước khác... Đặc biệt, cần khuyến khích tư nhân trong nước và các DN có vốn đầu tư nước ngoài phát triển các hình thức liên doanh, chi nhánh..

Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật hợp lý

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật hợp lý và đi trước một bước vừa là điều kiện tiên quyết, vừa là động lực và tạo cơ hội đầu tư phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và địa phương trong thời kỳ đầu cất cánh. Các cơ sở hạ tầng kinh tế và đối ngoại khác cũng cần được đặc biệt quan tâm phát triển đồng bộ, theo quy hoạch chung toàn quốc trong dài hạn…

Thực tiễn cũng cho thấy, các phương thức kêu gọi và huy động vốn đầu tư dưới hình thức BOT, BT, đấu giá quyền sử dụng đất, đồng tài trợ, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu công trình… còn chưa được khai thác nhiều, mặc dù chúng rất phù hợp và là cách thức tốt để nâng cao hiệu quả đầu tư xã hội cho phát triển cơ sở hạ tầng. Việc thu hồi, “bóc tách” và thương mại hóa những tài sản đất đai và bất động sản cùng các tài nguyên công cộng khác trên địa bàn bị chiếm hữu trái phép, sử dụng sai mục đích, quá tiêu chuẩn hoặc không hiệu quả… để đưa vào thị trường vốn là việc cần được quan tâm để tạo điều kiện phát triển các cơ sở hạ tầng đô thị, phát triển thị trường vốn, cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn thành phố trong hiện tại và tương lai.

Phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường

Thực tế cho thấy phát triển kinh tế luôn được coi là mục đích ưu tiên, đặc biệt trong thời kỳ đầu khôi phục và tăng tốc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nếu thiếu quan tâm hoặc bỏ qua các yêu cầu bồi dưỡng tâm hồn, đạo đức, các giá trị xã hội chuẩn mực truyền thống và phổ biến của nhân loại cho các cán bộ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, sẽ là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng băng hoại đạo đức, tha hóa và gia tăng tội phạm.

Đặc biệt, trong thời kỳ đấu tranh chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, nếu không nắm vững trong nhận thức và xây dựng tốt các cơ chế “giảm sốc” kìm hãm, trung hòa tác động mặt trái của cơ chế thị trường… thì dễ dẫn đến sự sùng bái một chiều, thiếu cân nhắc các giá trị thị trường, đề cao đồng tiền, cái tôi và lối sống buông thả, thực dụng, lạnh lùng trong xã hội.

Chất lượng phát triển và yêu cầu phát triển bền vững còn đòi hỏi nâng cao chất lượng các công trình xây dựng cơ bản, không để xảy ra tình trạng “đời cha ăn mặn...” cho các thế hệ mai sau…