Sau châu Á, các nhà đầu tư Mỹ, EU cũng gia tăng M&A ở Việt Nam

Theo Lê Hoàng/thesaigontimes.vn

Chiếm đa số các vụ tham gia góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam chiếm đa số là nhà đầu tư đến từ khu vực châu Á, nhưng tình hình cho thấy nhà đầu tư ở Mỹ và khu vực châu Âu cũng gia tăng giao dịch dưới hình thức đầu tư này ở thị trường trong nước.

 Năm 2019, nhiều doanh nghiệp châu Âu đã tham dự các cuộc triển lãm xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và châu Âu để đón đầu EVFTA. Ảnh Hùng Lê
Năm 2019, nhiều doanh nghiệp châu Âu đã tham dự các cuộc triển lãm xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và châu Âu để đón đầu EVFTA. Ảnh Hùng Lê

Đáng chú ý, Mỹ có số lượt nhà đầu tư tham gia góp vốn, mua cổ phần (hay còn gọi là giao dịch M&A) của doanh nghiệp Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng giao dịch nhiều nhất.

Cụ thể theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, trong bốn tháng vừa qua, Mỹ có đến 101 lượt góp vốn, mua cổ phần các doanh nghiệp nội với tổng vốn góp là 68,58 triệu đô la Mỹ. Con số này tăng 9 lượt giao dịch và tăng gần gấp đôi về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái.

Một điểm đáng chú ý, cùng thời gian này, Mỹ chỉ có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 25,5 triệu đô la. Như vậy tổng vốn và các dự án đầu tư FDI của nước này chỉ bằng khoảng 1/3 số lượt đầu tư góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam.

Cụ thể cùng thời gian trên Pháp có đến 78 lượt giao dịch với tổng vốn là gần 27 triệu đô la, dù giảm hơn 11 triệu đô la, nhưng lại tăng đến 37 lượt giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngay cả khu vực châu Âu lâu nay vốn có lượng giao dịch đầu tư dưới hình thức này khá ít nhưng trong bốn tháng qua cũng cho thấy chiều hướng tăng lên.

Hay Vương quốc Anh có đến 32 lượt giao dịch qua hình thức đầu tư này với tổng vốn đăng ký là 38,56 triệu đô la, tăng 14 lượt giao dịch so với cùng kỳ. Hà Lan dù có 15 lượt góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp trong nước nhưng có số vốn góp lên đến khoảng 46 triệu đô la. Đức có đến 27 lượt giao dịch với tổng vốn góp là 4,74 triệu đô la; Thụy Sỹ 14 lượt giao dịch.

Cũng trong bốn tháng vừa qua, những quốc gia châu Âu khác như Đan Mạch, Bỉ, Ý, Phần Lan... cũng có các lượt giao dịch với doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức đầu tư này.

Điều này cho thấy, hiện trạng đầu tư qua hình thức góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam không chỉ gia tăng ở nhóm các nhà đầu tư các nước của khu vực châu Á mà còn có chiều hướng tăng cả ở Mỹ và châu Âu,..

Tốp 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có lượt giao dịch góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam. Đồ họa: Hùng Lê. nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài
Tốp 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có lượt giao dịch góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam. Đồ họa: Hùng Lê. nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài

 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài đã chi tới 2,5 tỉ đô la đầu tư vào Việt Nam qua hình thức góp vốn, mua cổ phần các doanh nghiệp nội địa trong 4 tháng đầu năm 2020, chỉ bằng 34,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy giảm về số vốn nhưng số lượt góp vốn mua cổ phần lại tăng tới 33% với hơn 3.210 lượt góp vốn.

Dẫn đầu là Hàn Quốc với 1.042 lượt (tăng 267 lượt); Trung Quốc có tới 557 lượt giao dịch (tăng hơn 154 lượt) (tăng hơn 38%). Tuy nhiên, nếu xét về tổng vốn mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam thì Nhật Bản lại là nước dẫn đầu về vốn đầu tư qua hình thức này. Tuy chỉ thực hiện 287 lượt góp vốn mua cổ phần song các nhà đầu tư Nhật lại chi tới 743 triệu đô la để đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam trong bốn tháng qua.

So với năm 2019, các nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đều gia tăng việc mua lại cổ phần hoặc góp vốn vào doanh nghiệp Việt.

Trước tình hình các doanh nghiệp ngoại tăng đổ vốn mua lại cổ phần của doanh nghiệp trong nước, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh lý do tiềm năng thị trường, thì có nguyên nhân khác đó là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang bị tổn thương nặng nề do đại dịch Covid-19, dẫn đến nhà đầu tư ngoại thâu tóm với giá rẻ.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra gần đây, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, một trong những khó khăn lớn của các doanh nghiệp trong nước hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động, có trên 45% số doanh nghiệp đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng hiện vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức, trong đó, hiện tượng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong thời gian tới có thể diễn ra mạnh mẽ hơn, dẫn tới nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể sẽ bị thâu tóm với giá rẻ.