Sáu mặt hàng thiết yếu dự báo tăng giá dịp cuối năm

Văn Xuyên (TTXVN)

Theo nhận định của Bộ Công Thương, những tháng cuối năm, giá cả một số mặt hàng trong nước có xu hướng tăng theo quy luật hàng năm.

Sáu mặt hàng thiết yếu dự báo tăng giá dịp cuối năm
Cùng với đó, một số hàng hóa là nguyên liệu liệu đầu vào thiết yếu cho sản xuất trong nước trên thị trường thế giới đang diễn biến phức tạp sẽ tác động đến giá cả hàng hóa ở trong nước.

Trong chín mặt hàng thiết yếu, có sáu mặt hàng được dự báo có xu hướng tăng giá, gồm lúa gạo, thực phẩm tươi sống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu và gas. Các mặt hàng còn lại là ximăng, sắt thép và đường ăn vẫn ổn định hoặc đang có xu hướng giảm.

Cũng theo Bộ Công Thương, mặc dù còn hơn ba tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ, nhưng nhiều địa phương, trong đó hai thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đang tích cực chuẩn bị hàng hóa cung ứng ra thị trường cho mùa tiêu dùng cao điểm cuối năm. Hầu hết các đơn vị tham gia bình ổn thị trường đều cam kết đảm bảo nguồn cung với giá cả ổn định, không để thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết được triển khai từ trước bốn tháng để đảm bảo ổn định nguồn hàng về số lượng và chất lượng. Tổng nguồn vốn các doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho ba tháng trước, trong và sau Tết trên 6.681 tỷ đồng, tăng hơn 1.288 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nguồn vốn chuẩn bị hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường trên 3.436 tỷ đồng, tăng hơn 605 tỷ đồng.

Có được sự hỗ trợ này, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng tăng gần gấp hai lần so với kế hoạch của Thành phố giao. Nhiều mặt hàng được chuẩn bị với số lượng lớn, có khả năng chi phối trên 50% nhu cầu thị trường như dầu ăn, đường, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến.

Với thành phố Hà Nội, mặc dù chưa công bố mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhưng dự kiến sẽ không tăng hơn nhiều so với mức 475 tỷ đồng của năm ngoái.

Nhìn nhận vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội các Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, cho biết vào thời điểm này mọi năm, hầu hết doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng cho dịp mua sắm cao điểm cuối năm, nhưng năm nay do tình hình kinh tế vẫn khó khăn, sức mua yếu, đặc biệt là hàng hóa còn tồn kho nhiều, nhiều doanh nghiệp vẫn dè dặt và lo ngại về sức mua dịp Tết năm nay, nên dự báo nguồn hàng và sức mua có thể giảm khoảng 20% so với năm trước. Riêng hệ thống siêu thị như Big C Thăng Long, Metro, Intimex đã có những kế hoạch chủ động cho nguồn hàng hóa Tết năm nay.

Bộ Công Thương cũng cho biết, cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, Bộ cũng đã ban hành chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường những tháng cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.

Bộ đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu tại địa bàn quản lý; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối hàng hóa, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đảm bảo không thiếu hàng, gây sốt giá; phối hợp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại thị trường nội địa, triển khai việc dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường kết hợp hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam."

Tiếp tục đôn đốc và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu đông dân cư, khu công nghiệp, ngoại thành, vùng sâu, vùng xa… nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho đối tượng khó khăn, đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, có biện pháp kiểm soát hoạt động phân phối, thu mua hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu của thương nhân nước ngoài gây xáo trộn thị trường trong nước. Tăng cường kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật về giá, chất lượng sản phẩm, đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật.

Cùng với đó, các tập đoàn, tổng công ty, công ty sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu rà soát, đánh giá cung cầu các mặt hàng, bảo đảm tiến độ sản xuất, nhập khẩu, thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng đủ, kịp thời nguồn hàng cho thị trường khi cần thiết. Kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào, tiết giảm chi phí để giảm giá thành, giảm áp lực tăng giá hàng hóa; củng cố và phát triển hệ thống phân phối, khơi thông đầu ra cho sản phẩm.