Sự kiện kinh tế - tài chính Việt Nam tuần từ 18-22/4/2016

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Doanh nghiệp

Tập đoàn Idemitsu Kosan (Nhật Bản) cùng Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait (KPI), mỗi bên góp 50% vốn để thành lập Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 tại Việt Nam với mục đích phân phối các sản phẩm dầu khí. Đây sẽ là lần đầu tiên một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ.

Việc thành lập mới này sẽ góp phần cung cấp nguồn xăng dầu ổn định cho thị trường Việt Nam, nơi mà nhu cầu dầu khí sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai.Cả KPI và Idemitsu hiện đều nắm 35,1% vốn trong Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Thanh Hóa, cùng với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Idemitsu Q8 đã nhận được Chứng nhận Đăng ký đầu tư của Chính phủ Việt Nam và đang làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp. Idemitsu Q8 có kế hoạchhoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ các sản phẩm dầu khí,thông qua việc xây dựng các trạm dịch vụ trên cả nước.

(Theo Tập đoàn Idemitsu Kosan - Nhật Bản ngày 18/4)

Trong quý 1/2016, nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp trong nước vào các khu công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh tăng khá cao. Doanh nghiệp trong nước đăng ký đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, tăng gần 80% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 17,5% so cùng kỳ năm 2015. (Theo Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh - Hepza)

Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa chính thức công bố thông tin đầu tư vào thị trường Myanmar với số vốn dự kiến lên tới 1,5 tỷ USD, sau khi đơn vị này đã trúng thầu tham gia liên doanh để hình thành nhà mạng di động thứ 4 tại Myanmar. Như vậy, Myanmar là thị trường nước ngoài có số vốn đầu tư lớn nhất của Viettel từ trước đến nay. Trước đó, tại Tanzania, tháng 10/2015, Viettel đã đầu tư số vốn lớn gần 1 tỷ USD. Với số vốn trên, cùng với đối tác liên doanh, Viettel sẽ xây dựng một mạng viễn thông hiện đại, rộng khắp Myanmar, bao phủ gần 95% dân số trong vòng ba năm.

Ngày 20/4/2016, Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Việt (BVBF) chính thức được cấp phép thành lập. Trước đó, BVBF đã hoàn thành đợt chào bán lần đầu với tổng số tiền huy động đạt gần 77 tỷ đồng, thu hút sự tham gia của hơn 190 nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Nhà đầu tư có thể mua chứng chỉ quỹ BVBF với số tiền tối thiểu là 1 triệu đồng.

BVBF là quỹ mở thứ hai của BVF và là quỹ mở trái phiếu thứ 5 trên thị trường Việt Nam. Với mục tiêu mang lại lợi nhuận tốt và ổn định cho nhà đầu tư, danh mục đầu tư của BVBF tập trung chủ yếu vào các loại tài sản có độ an toàn cao như: TPCP, TPCP bảo lãnh, trái phiếu doanh nghiệp, tiền gửi, công cụ thị trường tiền tệ và các tài sản được phép đầu tư khác.


Quỹ bình ổn giá

Thành phố Hồ Chí Minh chi thêm 1.000 tỷ đồng thực hiện Chương trình hàng bình ổn thị trường năm 2016 và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 so với năm 2015. Có 86 doanh nghiệp tham gia chương trình này với tổng hạn mức tín dụng là 12.900 tỷ đồng, tăng 1.050 tỷ đồng so với năm 2015. Chương trình được thực hiện ở 4 lĩnh vực: Các mặt hàng lương thực - thực phẩm, các mặt hàng sữa, các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng, các mặt hàng dược phẩm thiết yếu từ đầu tháng 4/2016 đến hết tháng 3/2017. Việc tăng thêm nguồn lực tài chính này nhằm giúp các doanh nghiệp đầu tư vào chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và mở rộng mạng lưới tiêu thụ. (Theo Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Phạm Thành Kiên)

Tổng cầu


Đầu tư

Trong quý 1/2016, tổng vốn đầu tư (kể cả cấp mới và điều chỉnh) vào các KCN - KCX tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt gần 198 triệu USD, bằng 28,3% kế hoạch cả năm 2016 (700 triệu USD), giảm hơn 53% so với cùng kỳ. Trong đó, thu hút vốn FDI chỉ đạt gần 116 triệu USD, giảm gần 69,5% so với cùng kỳ.

Hiện có hơn 1.390 dự án đầu tư vào các KCN - KCX tại địa bàn còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 9,17 tỷ USD. Trong đó có:

- 554 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 5,423 tỷ USD; và 838 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 3,74 tỷ USD.

- 1.170 dự án đang hoạt động, 18 dự án đang xây dựng cơ bản, 88 dự án chưa triển khai, 61 dự án ngừng hoạt động, 20 dự án tạm ngừng hoạt động, 35 dự án đang thực hiện thủ tục giải thể.

(Theo Ban Quản lý các KCX - KCN thành phố Hồ Chí Minh - Hepza ngày 20/4)

Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu bán hàng qua hình thức thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2015 đạt 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2014 và chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Các sản phẩm được giao dịch nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử là máy tính, điện thoại, thiết bị văn phòng, thời trang và phụ kiện với cùng tỷ lệ là 23%; nhóm dịch vụ bất động sản chiếm 12%; thực phẩm và đồ uống 10%, dịch vụ lưu trú và du lịch 8%. (Theo Báo cáo Thương mại điện tử 2015 của Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương)

Xuất nhập khẩu

Trong tháng 3/2016, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam đạt 8.548 chiếc, với tổng trị giá hơn 208,3 triệu USD; tăng 50,8% về lượng và tăng 46,9% về trị giá so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 3 tháng đầu năm, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam chỉ đạt 19.738 chiếc, với tổng trị giá gần 486,48 triệu USD, giảm 21,2% về lượng và giảm 16,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015, do: (i) Tháng 2/2016 có số ngày nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nên hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, trong đó có nhập khẩu ô tô giảm mạnh; (ii) Cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới, không còn được tính trên giá CIF + thuế nhập khẩu như trước đây mà phải tính trên giá bán buôn của nhà nhập khẩu nên giá bán lẻ ô tô bị đẩy lên khá cao, qua đó làm giảm nhu cầu mua xe.

(Theo Tổng cục Hải quan)

Trong quý 1/2016, Việt Nam nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn xăng dầu các loại, tăng 12% so với cùng kỳ 2015. Giá nhập khẩu bình quân các sản phẩm này giảm 39,5% so với cùng kỳ, khiến giá trị nhập khẩu giảm 33,1%, xuống 935 triệu USD. Nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường được miễn giảm thuế do Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại tự do tăng mạnh: Singapore 1,39 triệu tấn, tăng 30,4% so cùng kỳ 2014; Malaysia 451.000 tấn, gấp 3,4 lần so cùng kỳ; Thái Lan tăng nhẹ và đạt 274.000 tấn... Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 31,1% xuống 306.000 tấn do không được hưởng ưu đãi thuế.

(Theo Tổng cục Hải quan)

Trong nửa đầu tháng 4 (từ 1/4 đến 15/4):

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 7,34 tỷ USD; lũy kế từ đầu năm đạt hơn 46,11 tỷ USD.

- Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 7,27 tỷ USD; lũy kế từ đầu năm đạt hơn 44,63 tỷ USD.

Như vậy trong nửa đầu tháng 4, nền kinh tế tiếp tục xuất siêu 66 triệu USD, nâng mức xuất siêu từ đầu năm đến hết ngày 15/4 lên gần 1,48 tỷ USD.

(Theo Tổng cục Hải quan)

Cân đối vĩ mô


Tăng trưởng tín dụng/huy động

Gói vay 30.000 tỷ đồng dành cho người mua nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội được Ngân hàng Nhà nước triển khai tới thời điểm này đã chính thức khép lại, do các hợp đồng đã ký vượt quá số tiền 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với những hợp đồng vay đã ký nằm trong khuôn khổ gói 30.000 tỷ đồng vẫn sẽ tiếp tục được giải ngân với lãi suất thấp 5%. (Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tại Diễn đàn Giá trị thật bất động sản Việt Nam ngày 20/4)

Giá vàng

Trong tuần qua, vàng SJC đã giảm từ 60 - 70 nghìn đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (23/4), giá vàng giao dịch ở mức:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: Tại thành phố Hồ Chí Minh: 33,12 - 33,37 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội: 33,12 - 33,39 triệu đồng/lượng, giảm 110 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và giảm 90 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

- Công ty DOJI: 33,24 - 33,32 đồng/lượng, giảm 180 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và giảm 160 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

- Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu: 32,25 - 33,31 triệu đồng/lượng, không thay đổi.

Tỷ giá

Trong tuần qua, tỷ giá trung tâm đã giảm 4 đồng, với 2 phiên được điều chỉnh tăng và 1 phiên điều chỉnh giảm. Trong phiên giao dịch cuối tuần (23/4/2016), tỷ giá mua - bán tại các ngân hàng hầu như không thay đổi so với sáng ngày 22/4:

- Vietcombank: 22.250 - 22.320 đồng, không thay đổi.

- BIDV và Vietinbank: 22.255 - 22.325 đồng, không thay đổi.

- ACB, Eximbank và DongABank: 22.260 - 22.320 đồng, không thay đổi.

- Techcombank: 22.240 - 22.330 đồng, giảm 10 đồng chiều bán ra, chiều mua vào không thay đổi.

Thị trường tài sản


Trái phiếu

Trong tuần qua, HNX đã tổ chức 01 phiên đấu thầu TPCP vào ngày 20/4 do KBNN phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 11.100 tỷ đồng, gồm 4 loại kỳ hạn: 3 năm (3.900 tỷ đồng); 5 năm (5.200 tỷ đồng); 15 năm (1.000 tỷ đồng) và 20 năm (1.000 tỷ đồng).

- Kỳ hạn 3 năm: Huy động được 3.900 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 5,52%/năm.

- Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 5.200 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 6,4%/năm.

- Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 691 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 7,65%/năm.

- Kỳ hạn 20 năm: Huy động được 7 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 7,75%/năm.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 25/4/2016, KBNN đã huy động thành công 96.928,491 tỷ đồng TPCP.

Cổ phiếu

Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng và bảo hiểm tăng điểm mạnh đã giúp thị trường tăng điểm.

- VN-Index kết thúc tuần tăng 16,75 điểm (2,91%), lên 584,47 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt 140,75 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.758 tỷ đồng.

- HNX-Index kết thúc tuần tăng 1,25 điểm (1,57%), lên 80,94 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt 51,85 triệu đơn vị, giá trị 630,42 tỷ đồng.

Tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài là yếu tố quan trọng tác động tích cực tới tâm lý thị trường. Khối ngoại đã liên tiếp thực hiện các phiên mua ròng trên 2 sàn, với tổng giá trị đạt hơn 32,71 triệu đơn vị, gấp gần 2,5 lần so với tuần trước (11 - 15/4); tổng giá trị tương ứng 475,24 tỷ đồng.

- HOSE:Khối ngoại đã mua ròng 26,46 triệu đơn vị, gấp 5,6 lần so với tuần trước; tổng giá trị tương ứng 411,06 tỷ đồng, trong khi tuần trước bán ròng 367,08 tỷ đồng.

- HNX: Khối ngoại đã mua ròng 6,25 triệu đơn vị, tổng giá trị tương ứng đạt 64,18 tỷ đồng, giảm 26,39% về lượng và hơn 35% về giá trị so với tuần trước.

Bất động sản

Trong quý 1/2016, hoạt động mua bán, chuyển nhượng dự án (M&A) diễn ra khá sôi động ở hầu hết các mảng thị trường. Các thương vụ mua bán sáp nhập đáng chú ý là: TNR Holding mua lại TNR Tower từ Vingroup với giá 110 triệu USD (Hà Nội), Keppel Land mua một phần của dự án Empire City (quận 2, thành phố Hồ Chí Minh) từ Empire City Ltd. với giá trị tương đương với 93,9 triệu USD; Hyatt và Thaigroup mua một khách sạn trị giá 165 triệu USD (Hà Nội); Herberton, Samsung tăng vốn ở các xí nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp. (Theo Công ty tư vấn về bất động sản JLL Việt Nam)

- Tính đến ngày 31/01/2016, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản đạt 394.013 tỷ đồng,tăng 0,31%sovớithờiđiểm 31/12/2015.

- Tính đến ngày 20/3/2016, tổng giá trị tồn kho bất động sản cònkhoảng hơn 44.830 tỷđồng (giảm hơn 3.050 tỷ đồng so với thời điểm 20/02/2016). Trong đó, tồn kho hơn 6.630 căn hộ chung cư (hơn 9.400 tỷ đồng); hơn 6.560 nhà thấp tầng (hơn 12.210 tỷ đồng); hơn 5.400.550 m2 đất nền nhà ở (hơn 18.920 tỷ đồng); 1.483.190 m2 đất nền thương mại(hơn 4.300 tỷ đồng).

(Theo Bộ Xây dựng)

Chính sách

Thông tư số 54/2016/TT-BTC

Ngày 21/3/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 54/2016/TT-BTC quy định việc quản lý và sử dụng tiền lãi cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Thông tư quy định việc quản lý và sử dụng tiền lãi cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm và không điều chỉnh đối với tiền lãi cho vay giải quyết việc làm được Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất.

Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý và hạch toán số tiền lãi thu được từ cho vay Quỹ quốc gia về việc làm vào thu nhập của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Mức trích cụ thể như sau: Trích 0,3% số lãi thu được hỗ trợ kinh phí cho công tác quản lý, tổng hợp, kiểm tra, giám sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; trích 15% số lãi thu được chi cho công tác quản lý, tổng hợp, kiểm tra, giám sát của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương; trích 10% số tiền lãi thu được để bổ sung vào nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/5/2016 và được áp dụng từ niên độ ngân sách năm 2016.

Thông tư số 61/2016/TT-BTC

Ngày 11/4/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 61/2016/TT-BTC hướng dẫn thu, nộp và quản lý lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

- Đối tượng: Các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm cả các doanh nghiệp do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập và quản lý, các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.

- Hàng quý, doanh nghiệp thực hiện tạm nộp số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp NSNN của quý chậm nhất vào ngày thứ 30 của quý liền sau quý phát sinh nghĩa vụ nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ. Kết thúc năm tài chính, nộp số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ còn phải nộp (nếu có) chậm nhất vào ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.

- Trường hợp tổng số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập của năm thấp hơn số lợi nhuận sau thuế theo quyết toán năm từ 20% trở lên, doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số phải nộp theo quyết toán với số đã tạm nộp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/5/2016 và áp dụng cho niên độ từ 01/01/2016.

Thông tư số 04/2016/TT-NHNN

Ngày 15/4/2016, NHNN Việt Nam đã ban hành Thông tư số 04/2016/TT-NHNN quy định về việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại NHNN Việt Nam. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/6/2016.

Các loại giấy tờ có giá được lưu ký tại NHNN bao gồm: Tín phiếu NHNN; TPCP; trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn; các loại giấy tờ có giá khác do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ.

Giấy tờ có giá được sử dụng trong nghiệp vụ thị trường tiền tệ gồm: Nghiệp vụ thị trường mở; chiếtkhấu giấy tờ có giá; cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá, tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt và trái phiếu mua nợ theo giá thị trường của VAMC; cầm cố ký quỹ giấy tờ có giá để thiết lập hạn mức thấu chi và cho vay qua đêm, thiết lập hạn mức nợ ròng.

Thông tư số 05/2016/TT-NHNN


Ngày 15/4/2016, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 05/2016/TT-NHNN (Thông tư 05) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2016/TT-NHNN ngày 26/02/2016 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

Theo đó, Thông tư 05 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định tạiThông tư 03/2016/TT-NHNN, bao gồm: (i) Sửa đổi, bổ sung Điều 4 về một số nguyên tắc trong việc quản lý hoạt động vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm; (ii) Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 24 quy định về tài khoản vay, trả nợ nước ngoài của bên đi vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; (iii) Sửa đổi Điều 28 về thay đổi tài khoản thực hiện khoản vay nước ngoài; (iv) Sửa đổi Điều 32 về chuyển tiền thực hiện trả nợ khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm; (v) Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 34 về các trường hợp thanh toán chuyển tiền liên quan đến khoản vay nước ngoài không phải thực hiện qua tài khoản vay, trả nợ nước ngoài.

Việc sửa đổi các quy định nêu trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động thanh toán khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm và hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15/4/2016.

Nhận định

chuyên gia

Ngày 19/4, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Phạm Minh Huân dự báo:

Mức tăng lương tối thiểu năm 2017 sẽ thấp hơn mức hơn 12,4% của năm 2016. Hiện nay, so với các nước trong khu vực, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có năng suất lao động thấp, nếu chi phí cho người lao động quá lớn doanh nghiệp sẽ không còn năng lực để đổi mới công nghệ, đưa thiết bị vào tăng năng suất lao động. Đây là thách thức rất lớn của quá trình tăng lương tối thiểu.