“Sửa các luật thuế cần đảm bảo tính nhất quán, minh bạch”

Theo cpv.org.vn

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế và nhận được nhiều ý kiến từ dư luận. Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn nhanh PGS.TS. Nguyễn Hồng Thắng - Trưởng Bộ môn Tài chính công (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) xoay quanh vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế và nhận được nhiều ý kiến từ dư luận. Là người nghiên cứu và giảng dạy về lĩnh vực thuế, ông có chia sẻ gì về dự thảo này?
“Sửa các luật thuế cần đảm bảo tính nhất quán, minh bạch” - Ảnh 1
PGS.TS. Nguyễn Hồng Thắng

PGS.TS. Nguyễn Hồng Thắng: Hàng năm, Quốc hội, Chính phủ đều công khai thu chi ngân sách và dự toán ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN). Mọi khoản thu-chi ngân sách đều được Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng mới thông qua và có cơ chế giám sát chặt chẽ. Do vậy, việc Bộ Tài chính lấy ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế là việc cần thiết phải triển khai cho phù hợp với thực tiễn và bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Thực tế, việc điều chỉnh một số nội dung của các sắc thuế mà Bộ Tài chính xin ý kiến đều nằm trong lộ trình, kế hoạch thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020, Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020.

Với một chính sách mới, chắc chắn trong dư luận sẽ có nhiều luồng ý kiến thuận hay không thuận cũng là dễ hiểu. Quan trọng là cơ quan chủ quản cần tăng cường thông tin tuyên truyền, giải thích cụ thể về những cải cách đã hoạch định để người dân hiểu, đồng cảm và ủng hộ.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chỉ số nỗ lực thu thuế tại các quốc gia đang phát triển, trong đó gồm có Việt Nam hiện nay còn thấp. Ý kiến của ông như thế nào về nhận định này?

So với các quốc gia trong khu vực thì tỷ lệ thuế/GDP của Việt Nam cao hơn, nhưng so với các quốc gia phát triển thì tỷ lệ này còn thấp.

Nhìn chung, mở rộng cơ sở thuế là thẩm quyền của mỗi chính phủ song cần tuân thủ luật pháp cùng những thông lệ và cam kết quốc tế. Khi công dân có niềm tin vào tính công bằng và minh bạch của hệ thống chính sách thuế cùng với tính liêm chính và hiệu quả của Chính phủ thì chúng ta hoàn toàn có khả năng để gia tăng số thu thuế so với GDP trên nền tảng mở rộng cơ sở thuế.

Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của dự luật đang lấy ý kiến?

Việc sửa cùng lúc nhiều luật sẽ đảm bảo được việc thay đổi đồng bộ và sự tương thích giữa các luật với nhau, khắc phục được những vướng mắc của các luật thuế hiện hành. Đồng thời, đây cũng là một bước để người dân có cơ hội thấy toàn cảnh hệ thống chính sách thuế của chúng ta.

Do vậy, nguyên tắc của việc sửa các luật thuế là đảm bảo đúng bản chất của từng sắc thuế, đảm bảo tính nhất quán, rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tập trung sửa những bất cập so với thực tế, thống nhất với hệ thống pháp luật.

Xin cảm ơn ông!