Sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế - Nhìn từ thực tiễn tỉnh Lào Cai

Là một tỉnh nằm trên tuyến hành lang kinh tế động lực Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, có cửa khẩu quốc tế với Trung Quốc, địa bàn tỉnh Lào Cai là điểm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt trụ sở hoặc chi nhánh hoạt động. Tuy nhiên, cùng với quá trình mở rộng phát triển quan hệ kinh tế quốc tế, các cơ quan quản lý ở Lào Cai cũng phải đối mặt với không ít hiện tượng tiêu cực phát sinh, trong đó nổi cộm là các hình thức gian lận thông qua hoạt động chuyển giá. Do vậy, một số ý kiến cho rằng, tới đây, cần bổ sung một số điều về chống chuyển giá khi sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế, bao gồm cả quy định về cơ chế thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA).

Sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế - Nhìn từ thực tiễn tỉnh Lào Cai

Đến nay, Lào Cai đã thu hút được trên 30 dự án FDI hoạt động hợp lệ, với tổng vốn đăng ký trên 334 triệu USD và vốn thực hiện đạt gần 114 triệu USD. Đến đầu tư tại Lào Cai chủ yếu là các DN Trung Quốc  và tập trung vào thành phố Lào Cai, huyện Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Thắng và Bắc Hà. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh mới có 3 đơn vị lớn, kinh doanh có hiệu quả đó là: Công ty TNHH khoáng sản luyện kim Việt Trung; Công ty liên doanh khách sạn Quốc tế Lào Cai và Công ty khách sạn Victoria Sa Pa. Còn đa phần các DN FDI khác có quy mô nhỏ, làm ăn kém hiệu quả.

Ngoài khối DN ngoại, Lào Cai cũng là nơi thu hút các tập đoàn, các tổng công ty lớn trong nước đến đầu tư, chủ yếu trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản. Trong đó, lớn nhất là Tổng công ty hoá chất Việt Nam đầu tư khai thác sản xuất chế biến quặng Apatít; Tổng công ty khoáng sản Việt Nam đầu tư dự án khai thác và chế biến tinh quặng đồng; Tổng công ty thép Việt Nam đầu tư vào dự án khai thác và chế biến tinh quặng sắt. Tất cả các DN này đều đặt nhà máy khai thác và chế biến tại Lào Cai, nhưng sản phẩm lại không tiêu thụ tại đây mà bán về cho tổng công ty theo giá nội bộ (giá giao khoán), được quy định bằng hoặc thấp hơn chi phí sản xuất của các nhà máy - công ty con. 

Ngay từ khi các công ty con thuộc các tổng công ty khai thác khoáng sản trên địa bàn đi vào SXKD, phát sinh doanh thu tiêu thụ sản phẩm, Cục Thuế tỉnh Lào Cai đã nhận thấy có hiện tượng chuyển giá trong nội bộ DN. Theo quy định, giá tính thuế tài nguyên là giá bán tài nguyên tại nơi khai thác. Tuy nhiên, các tổng công ty này lại quyết định giao khoán, định giá bán sản phẩm cho các đơn vị trực thuộc theo giá nội bộ. Dựa vào quyết định đó, các đơn vị phụ thuộc đã kê khai thuế tài nguyên theo giá bán sản phẩm cho tổng công ty, sau đó tổng công ty làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai. Trên sổ sách là vậy, nhưng thực chất, hàng hoá không được chuyển về tổng công ty để chế biến, mà vẫn do các đơn vị trực thuộc vận chuyển sang cửa khẩu Trung Quốc. Khảo sát thực tế tại Công ty mỏ tuyển đồng Sinh Quyền, Cục Thuế Lào Cai nhận thấy giá xuất khẩu của tổng công ty chênh so với giá bán nội bộ là 7.018.276 đồng/tấn. Khảo sát tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai cũng thấy có hiện tuợng giá xuất khẩu quặng sắt qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai của Tổng công ty thép Việt Nam chênh so với giá bán của Công ty khoáng sản luyện kim Việt Trung bán cho Tổng công ty thép là 290.000 đồng/tấn.

Trước thực tế đó, Cục Thuế đã phối hợp với Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh Lào Cai ra quyết định điều chỉnh lại giá tính thuế tài nguyên và mức thu thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ năm 2006 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 8 quyết định điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên. Đến năm 2010, khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 66/2010/TT-BTC hướng dẫn việc xác định giá trị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết, Cục Thuế Lào Cai có thêm công cụ để kiểm soát các hành vi gian lận thông qua chuyển giá. Tuy nhiên phải thừa nhận một thực tế là, cơ chế hiện hành không thể bao quát hết các diễn biến phức tạp phát sinh do độc chiêu chuyển giá gây ra, càng trở nên yếu thế khi thực tế công tác quản lý chống chuyển giá ở Lào Cai đang cho thấy nhiều khó khăn cả về chính sách và tổ chức thực hiện.
 
 Về chính sách, hiện chưa có quy định về cơ chế thoả thuận trước về phương pháp giá tính thuế (hay còn gọi là APA), nên việc quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá chưa được áp dụng linh hoạt đối với một số trường hợp có tính phức tạp, do đó chưa khắc phục được việc tranh chấp giữa cơ quan thuế và người nộp thuế; các văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này cũng chưa có chế tài xử lý đủ mạnh, đảm bảo tính răn đe đối với những DN có hành vi chuyển giá; chưa có quy định về ngưỡng kê khai thông tin giao dịch liên kết phù hợp với điều kiện Việt Nam để đơn giản hoá trong việc kê khai giao dịch liên kết. 
 
Về nguồn nhân lực, trong hệ thống bộ máy ngành thuế hiện chưa có bộ phận chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá, nên việc quản lý thuế trong lĩnh vực này được thực hiện lồng ghép với các chức năng quản lý thuế khác. Mức độ hiểu biết của công chức thuế về chuyển giá và kinh nghiệm thực tiễn về quản lý giá chuyển nhượng cũng còn hạn chế, nên công tác quản lý các hoạt động giao dịch liên kết chưa thực sự đạt kết quả.
 
Về hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành thuế hiện nay chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý giá chuyển nhượng, chưa đáp ứng được yêu cầu khai thác, phân tích rủi ro làm căn cứ để xác định giá thị trường đối với giao dịch liên kết. Rõ ràng, tác hại do hành vi chuyển giá gây ra là rất lớn khi nó không chỉ làm thất thoát nguồn thu cho NSNN, mà còn làm mất cân đối thương mại, méo mó thị trường, gây nhiều nguy hại cho nền kinh tế, do đó với các vi phạm này phải có chế tài xử lý chặt chẽ và đủ mạnh. Trước mắt, cần bổ sung một số điều về chống chuyển giá khi sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế, bao gồm cả quy định về cơ chế thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA), vì đây là cơ sở để chống chuyển giá không chỉ đối với thuế TNDN, thuế GTGT mà còn liên quan đến các sắc thuế khác như thuế tài nguyên, thuế TTĐB. 
 
Tiếp đó, cơ quan thuế cần tăng cường thanh tra chống chuyển giá theo các chuyên đề cụ thể để nâng cao chất lượng quản lý thuế trên từng lĩnh vực, bên cạnh nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tranh thủ sự đồng thuận của các cấp chính quyền, xã hội và cộng đồng các DN. Đặc biệt, cần nghiên cứu thành lập bộ phận quản lý thuế hoạt động chuyển giá từ Tổng cục Thuế đến các Cục Thuế để có sự chỉ đạo, điều hành thống nhất và triển khai hiệu quả. Đồng thời, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý cho công chức trên cơ sở đánh giá năng lực, xác định nhu cầu và kế hoạch đào tạo, đảm bảo lực lượng này sẽ làm nòng cốt cho việc quản lý thuế chống chuyển giá tại các địa phương.