Sửa Luật để chống lãng phí đầu tư công

Theo Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn

Thời gian qua, thủ tục triển khai một dự án đầu tư công kéo dài, giải ngân vốn rất chậm, có những dự án dở dang 10 năm vẫn chưa được cấp vốn, liên tục phải điều chỉnh dự toán… gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước. Đây là những vấn đề mà Luật Đầu tư công (sửa đổi) phải giải quyết.

Luật Đầu tư công sửa đổi cần phải cắt giảm những công trình dàn trải. Nguồn: Internet
Luật Đầu tư công sửa đổi cần phải cắt giảm những công trình dàn trải. Nguồn: Internet

Theo tờ trình Luật Đầu tư công (sửa đổi), sau hơn 3 năm có hiệu lực, tuy đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc, một số quy định trong Luật quá cứng nhắc hoặc chưa đầy đủ, dẫn tới tình trạng các quy định không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Dự án dở dang 10 năm...

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đánh giá Luật Đầu tư công còn nhiều vướng mắc, trong đó nghiêm trọng nhất là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chậm ngay từ khâu xác định các dự án, phân bổ vốn đầu tư.

Tiếp đó, do lần đầu triển khai Luật này nên còn nhiều lúng túng với các quy định chặt chẽ, đồng thời còn sẵn tư tưởng lập các dự án để "xếp hàng, xếp chỗ" nên khi đưa vào phân bổ vốn đã không đủ điều kiện.

Đặc biệt, còn nhiều quy định chưa thực sự hợp lý, trong đó, quy trình thủ tục để phê duyệt các dự án còn phức tạp, cần rất nhiều cơ quan cùng tham gia để thẩm định. Quá nhiều nội dung chỉ mang tính thủ tục, quá phức tạp. Do đó, cần giảm bớt các quy trình quá phức tạp, đồng thời phân cấp cho các cấp quyết định đầu tư và đồng thời chịu trách nhiệm kết quả thẩm định.

Cũng như phê duyệt chủ trương đầu tư, phân bổ vốn đầu tư trung hạn có sự vướng mắc "đâu là con gà, đâu là quả trứng", theo ông Cường, vướng mắc này nếu không sửa thì sau này sẽ rất khó khăn.

Đặt vấn đề cắt giảm những công trình đầu tư công dàn trải được xử lý như thế nào trong Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn Hà Nam) cho biết đi tìm hiểu mới thấy ở các tỉnh, có những công trình đầu tư công dở dang, kéo dài 10 năm, thậm chí hơn 10 năm do nguồn vốn nhà nước đang chờ… xử lý.

"Công trình dở dang hàng chục năm là thực tế nhìn rất xót xa. Người dân có ý kiến về những công trình này là đúng", đại biểu này nói và nhìn nhận nguyên nhân là do thời gian giải ngân vốn kéo dài, chậm hàng chục năm cũng không sao vì không phải chịu trách nhiệm.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh), chống thất thu thuế mới có tiền đầu tư công. Tuy nhiên, đầu tư công mà hiệu quả, người nộp thuế mới ưng, còn đầu tư công lãng phí sẽ dẫn tới việc thu thuế rất khó khăn.

Thời gian qua, khâu giải ngân đầu tư công bị chậm so với vốn bố trí. Thủ tục triển khai một dự án đầu tư công quá kéo dài, phải điều chỉnh liên tục dự toán gây lãng phí lớn cho ngân sách.

Ông Ngân cho rằng: "Làm sao phải hướng tới giảm quy trình thủ tục trong xét duyệt dự án đầu tư, nhưng điều đó không có nghĩa là quá dễ dãi".

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội), quy định về chế độ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cần phải được thể hiện rõ trong Luật Đầu tư công (sửa đổi).

"Cần quy rõ trách nhiệm ngay từ khâu đầu tiên của dự án đến khâu thẩm định, triển khai thực hiện và đánh giá kết quả. Ở mỗi một khâu đều phải có trách nhiệm của người đứng đầu, có như vậy mới đảm bảo hiệu quả đầu tư", bà Mai khuyến nghị.

Phân cấp nhưng phải chặt chẽ

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng một trong những nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua chậm là do các bộ, ngành, địa phương chưa quen với các quy định mới, đặc biệt là sự chặt chẽ của các thủ tục nhằm ngăn chặn sự "vung tay quá trán". Sửa Luật lần này không phải là để quay lại sự dễ dãi như trước, mà cái nào không phù hợp thì sửa, nhưng phải chặt chẽ.

Một trong những vấn đề mới của dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) là bổ sung quy định liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp được phép thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của HĐND cùng cấp liên quan đến các hoạt động đầu tư công theo quy định của dự án Luật trong khoảng thời gian giữa các kỳ họp, báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh, tán thành quan điểm của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội. Bà cho rằng dự án Luật quy định Thường trực HĐND được phép thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cùng cấp liên quan tới hoạt động đầu tư công là sửa đổi căn bản về thẩm quyền, song Thường trực HĐND không phải là một cấp, không thể làm thay nhiệm vụ của HĐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng không quy định vấn đề này. Vì vậy, đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

"Tại sao Chính phủ lại đặt ra quy định giảm mức độ phức tạp cho đầu tư công trên cơ sở giao cho HĐND để Thường trực HĐND quyết định, mà không tính toán sửa đổi những nội dung khác để rút ngắn thủ tục đầu tư công?", bà Tâm nói.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình) cho rằng việc giao toàn bộ kế hoạch đầu tư công cho địa phương và địa phương tự quyết định dự án sẽ không cần phải có sự tham gia của Thường trực HĐND.

Cách thiết kế như vậy vẫn còn ràng buộc, không thoát được tinh thần giải quyết thông thoáng thủ tục hành chính, giải quyết triệt để xin – cho.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội, cho rằng Luật Đầu tư công chưa quy định thẩm quyền của Thường trực HĐND nhưng qua quá trình thực hiện đã có Nghị định hướng dẫn giao cho Thường trực HĐND quyết định chủ trương đầu tư giữa hai kỳ họp và báo cáo.

Vì vậy, bà Ngọc cho rằng cần đánh giá lại quá trình thực hiện vừa qua, đối với thẩm quyền của HĐND và Thường trực HĐND, được hay chưa được điểm nào.

Mặt khác, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm, nếu là ngân sách địa phương, hãy để HĐND quyết định, dù cho công trình đó có số vốn 30.000-40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu dự án có số vốn 1.000 – 2.000 tỷ đồng nhưng sử dụng ngân sách trung ương, Quốc hội phải xem xét vì đó là tiền thuế của người dân cả nước.

Bên cạnh đó, nói về cơ chế đầu tư, đại biểu Đinh Việt Dũng (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng những địa phương lớn, kinh tế xã hội phát triển nên được quyền phân cấp đầu tư mạnh hơn, như vậy, các địa phương sẽ tự chủ và phát triển hơn.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, đầu tư giống như "việc người ta muốn vắt sữa một con bò thì phải cho nó ăn nhiều". Nơi nào có tiềm năng, tạo hiệu quả cao phải được đầu tư thích đáng. Nếu làm tổn thương nguyên tắc này, nơi hiệu quả sẽ trở thành kém hiệu quả.

Dẫn ví dụ từ TP. Hồ Chí Minh, ông Nghĩa cho biết TP. Hồ Chí Minh đang không được quan tâm thỏa đáng trong đầu tư công. Minh chứng rõ nét nhất là người ta bảo cứ hễ nói đến đường xấu là nghĩ ngay tới TP. Hồ Chí Minh.