Sức hấp dẫn của hình thức hợp tác công - tư

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) 7 nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư quốc tế đã nộp hồ sơ dự sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thứ hai cho dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết theo hình thức đầu tư hợp tác công – tư (PPP). Sự kiện này mở ra hy vọng có thể nhân rộng hình thức hợp tác công – tư ra nhiều công trình khác.

Sức hấp dẫn của hình thức hợp tác công - tư
Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết mở ra hy vọng có thể nhân rộng hình thức hợp tác công – tư ra nhiều công trình khác. Nguồn: internet
Mới đây, lễ mở hồ sơ dự sơ tuyển, lựa chọn nhà đầu tư thứ hai cho dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết theo hình thức PPP chính thức bắt đầu dưới sự chứng kiến của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải. Vào thời điểm đóng thầu, đã có 7 nhà đầu tư và liên danh nhà đầu tư quốc tế nộp hồ sơ, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng từ các nước như Pháp, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hong Kong và Philippines.

Sau khi việc đánh giá hoàn thành, danh sách các nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển sẽ được công bố. Tiếp đó, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ phát hành hồ sơ mời thầu 1 cho những nhà đầu tư này. Các nhà đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển sẽ có cơ hội tham gia đóng góp ý kiến vào hồ sơ mời thầu 1, sau đó Bộ Giao thông - Vận tải sẽ phát hành hồ sơ mời thầu 2. Các nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển sẽ nộp hồ sơ dự thầu theo mẫu và nếu thắng thầu sẽ được công bố vào cuối năm 2014.

Trên cơ sở đó, dự kiến việc xây dựng đường cao tốc mới sẽ được khởi công vào quý III/2015. Có thể nói, trong bối cảnh đầu tư cho hạ tầng giao thông được coi là chiến lược bền vững phát triển kinh tế - xã hội, thì rõ ràng việc đẩy mạnh các hình thức hợp tác công tư, thu hút nguồn vốn từ xã hội cần được mở rộng hơn nữa.

Hợp tác công - tư được đánh giá sẽ trở thành hình thức đầu tư phổ biến trong tương lai. Bởi theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Trần Văn, quá trình tái cơ cấu đầu tư sẽ dành điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội. Hình thức hợp tác công tư được kỳ vọng là do tính chất đặc biệt trong đối tác công tư, với các hợp đồng dài hạn, có sự tham gia của nhiều bên.

Hình thức đầu tư này đã được sử dụng rộng rãi và Chính phủ có một số văn bản hướng dẫn thực hiện. Vì vậy, cần bổ sung các quy định cụ thể về hình thức hợp tác PPP vào dự thảo Luật Đầu tư công, để tạo cơ sở pháp lý cho nhà đầu tư triển khai hình thức hợp tác này.

Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết bao gồm việc xây dựng và vận hành 98km đường cao tốc, điểm đầu tại lý trình Km 43 thuộc đường cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành – Dầu Giây thuộc tỉnh Đồng Nai và điểm cuối tại lý trình Km 1717 trên Quốc lộ 1A thuộc tỉnh Bình Thuận. Khi đi vào hoạt động, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết sẽ cải thiện dòng giao thông phía bắc TP. Hồ Chí Minh, giải quyết ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1A, và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kinh tế - xã hội trong khu vực.

Đây là dự án đường cao tốc đầu tiên tại nước ta được thực hiện theo hình thức hợp tác PPP. Các doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án này đã thành lập Công ty dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết để triển khai xây dựng. Tổng chi phí xây dựng dự kiến là 757 triệu USD, nguồn vốn cho dự án nhận được từ vốn chủ sở hữu của các Nhà đầu tư và từ Chính phủ của Việt Nam.

Nhà đầu tư thứ nhất đã được lựa chọn là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco với 60% vốn chủ sở hữu trong công ty thực hiện dự án. Nhà đầu tư thứ 2 chiếm 40% vốn chủ sở hữu và sẽ được lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế. Cùng với sự vào cuộc đồng bộ và sự chủ động của các nhà đầu tư, dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết kỳ vọng sẽ mang lại sức mạnh và hiệu ứng lan tỏa trong tiến trình phát triển của đất nước.