Sức hấp dẫn từ ngành bán lẻ

Theo Nam Khang (Tổng hợp từ báo cáo của các Bộ, ngành và Quỹ Mekong Capital)

(Taichinh) - Với 90 triệu dân, trong đó dân số trẻ chiếm hơn 50% và thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng nhanh, thị trường bán lẻ Việt Nam đang được coi là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2014 ước tính đạt 2.945,2 nghìn tỷ đồng. Nguồn: internet
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2014 ước tính đạt 2.945,2 nghìn tỷ đồng. Nguồn: internet

Số liệu của Tổng cục thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2014 ước tính đạt 2.945,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2013. Xét theo ngành hàng, doanh thu bán lẻ hàng hóa cả năm đạt 2.216 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2013. Cùng với tốc độ tăng trưởng đều đặn trong những năm qua, đây là những con số hấp dẫn khiến nhiều nhà đầu tư muốn kiếm lợi trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam.

Chỉ trong gần 2 năm, các cuộc mua bán và sáp nhập (M&A) đã diễn ra mạnh mẽ chưa từng thấy trong lĩnh vực bán lẻ, từ các thương vụ lớn giữa các đại gia nước ngoài đến các vụ thỏa thuận hợp tác giữa các nhà bán lẻ nước ngoài và bán lẻ trong nước.

Aeon - thương hiệu bán lẻ hàng đầu Nhật Bản - cho biết, đã liên kết với 2 doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam là Fivi Mart và Citi Mart. “Liên kết” này, theo giải thích của Aeon việc hãng này cho biết sẽ góp 30% vốn vào Fivi Mart và 49% vốn vào Citimart.

Vingroup cũng không hề kém cạnh khi công bố mua lại OceanMart và đổi tên thành VinMart cùng với việc gia nhập ngành điện máy khi khai trương hệ thống Vinpro. Thương vụ “ồn ào” nhất trong ngành bán lẻ điện máy phải kể đến hợp đồng Central Group mua lại 49% cổ phần của Nguyễn Kim cùng với ẩn số Pico vẫn chưa chưa có hồi kết.

Theo ông Chris Freund, Tổng Giám đốc của Mekong Capital, “đầu tư vào ngành bán lẻ tại Việt Nam rất hấp dẫn vì hiện tại thị trường vẫn còn rời rạc với nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ. Ngoài ra, chất lượng quản lý của hầu hết các nhà bán lẻ Việt Nam hiện đang thấp hơn so với những tiêu chuẩn quốc tế, ngay cả khi so sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Philippin.

Điều này mang đến cơ hội lớn cho các nhà đầu tư như Mekong khi có thể gia tăng giá trị và giúp các doanh nghiệp phát triển đội ngũ quản lý. Hiện tại, Mekong Capital đã phát triển được chuyên môn vững mạnh trong ngành bán lẻ.”

Ông cũng chia sẻ hiện Mekong Capital cũng đã khai trương Quỹ Mekong Enterprise III với vốn huy động hiện tại được 87,4 triệu đô la Mỹ trên tổng vốn cam kết 150 triệu đô, và đang trong quá trình đánh giá để đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Bán lẻ là một trong những ngành trọng tâm mà Quỹ MEF III sẽ tập trung đầu tư.

Các doanh nghiệp ngoại khi tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam hầu hết đều là những doanh nghiệp lớn có lợi thế về vốn và kinh nghiệm. Họ đều có chiến lược làm việc âm thầm nhưng rất bài bản. Đây sẽ là những thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong nước trên con đường khẳng định vị thế trên sân nhà.

Những doanh nghiệp nội nếu không có đủ thực lực và tiềm năng tài chính sẽ khó lòng trụ nổi khi một số ông lớn một thời “làm mưa làm gió” trên thị trường bỗng nhiên “bốc hơi” hay ngưng hoạt động, đơn cử như WonderBuy, Best Caring, Home One hay Top Care.

Cạnh tranh ngày càng tăng cao, tuy nhiên cơ hội vẫn còn rất lớn khi phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại này lại chỉ tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành. Khu vực nông thôn, ngoại thành hầu như vắng bóng các hệ thống bán lẻ, chỉ chủ yếu phân phối hàng theo từng đợt. Chính vì thế, có thể nói thị phần bán lẻ hiện đại Việt Nam còn đang bị bỏ ngỏ khá nhiều, đặc biệt là trong ngành điện máy.

Trước tình hình thị trường bán lẻ điện máy “kẻ ở, người đi” thì Điện Máy Xanh của công ty Cổ phần Thế Giới Di Động với tiềm lực tài chính vững mạnh từ các quỹ ngoại, dường như đã nắm bắt được đúng phần tiềm năng của thị trường khi phát triển nhanh và rộng tại các tỉnh với mô hình phù hợp. “Chúng tôi chọn mô hình nhỏ vì tin rằng, chỉ có mô hình này mới có thể di xa khắp các tỉnh thành. Đặc biệt là ở những khu vực ngoại thành và các tỉnh, nơi có nhu cầu cao mà chưa có hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp phục vụ.”, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch của TGDĐ chia sẻ.

Ông Tài cho biết suất sinh lợi từ các sản phẩm điện máy bán lẻ của Điện Máy Xanh dao động khoảng 12-17%, cao hơn so với nhiều hãng trong cùng ngành. Ngoài ra, ông Tài còn tiết lộ hiện Thế giới Di động đang nghiên cứu thêm một chuỗi bán lẻ mới dựa trên nền tảng kinh nghiệm, nguồn lực và thành công của chuỗi TGDĐ. Điều này càng chứng tỏ tiềm năng và sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nội nào cũng dễ dàng nhận được đầu tư từ các quỹ ngoại để gia tăng năng lực tài chính và quản trị trong cạnh tranh. “Điều chúng tôi quan tâm nhất trước khi đầu tư chính là doanh nghiệp sẽ phát triển đội ngũ quản trị và áp dụng “những thông lệ tốt” như thế nào sau khi chúng tôi đầu tư. Vì các tiêu chuẩn về quản trị tại Việt Nam vẫn còn thấp, cho dù ở lĩnh vực nào đi chăng nữa thì việc tốt nhất để trở thành người chiến thắng chính là xây dựng được đội ngũ quản trị giỏi và áp dụng “những thông lệ tốt” trên thế giới.”, ông Chris chia sẻ thêm.

Kể từ tháng 1/2015, Việt Nam cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Bên cạnh đó, năm 2015 là năm khu vực kinh tế chung ASEAN (AEC) thành lập sẽ cho phép các dòng tài nguyên, hàng hóa, vốn nhân lực… di chuyển tự do và thuận lợi trong nội khối.

Chưa kể tới việc Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP với 12 nước tham gia sẽ có thể được ký kết trong năm nay. Việc này sẽ gây nhiều bất lợi cho hàng hóa trong nước nhưng cũng là động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất và phân phối, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Cơ hội và thử thách luôn đi chung, thành công chỉ đến với những người biết nắm bắt thời cơ, nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn luôn rộng cửa đón chào những người chơi mới.