Sức hấp dẫn Việt Nam qua góc nhìn của Ngân hàng Thế giới

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Theo ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), "khu vực FDI đang là nguồn lực chính thúc đẩy sự đi lên của nền kinh tế Việt Nam".

Sức hấp dẫn Việt Nam qua góc nhìn của Ngân hàng Thế giới
Lạm phát từ 2 con số đã được duy trì ổn định ở mức 1 con số, tỷ giá hối đoái nhìn chung ổn định và mức dự trữ quốc tế tăng. Nguồn: internet

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài cũng đang rất quan tâm đến cơ hội đầu tư và sức hút của thị trường Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô ổn định

Trong 9 tháng đầu năm 2014, mặc dù còn nhiều khó khăn trong khu vực doanh nghiệp và ngân hàng do suy thoái kinh tế thế giới và khâu quản lý nói chung, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Lạm phát từ 2 con số đã được duy trì ổn định ở mức 1 con số, tỷ giá hối đoái nhìn chung ổn định và mức dự trữ quốc tế tăng. Báo cáo Moody's ngày 9/10/2014 nhấn mạnh thêm, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã phục hồi đôi chút so với mức đáy trong năm 2012 và lạm phát ở mức thấp nhất trong lịch sử. Việc điều hành hiệu quả các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) góp phần vào kết quả này.

Đặc biệt, lạm phát thấp đã cho phép NHNN giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: từ mức trên 25% năm, sau hơn 2 năm, hiện đã giảm được 50%, ngang bằng với 10 năm trước. Lãi suất cho vay ra phổ biến ở mức 9-10%/năm, và có xu hướng tiếp tục giảm.

Bên cạnh đó, thị trường vàng và ngoại tệ đã được thiết lập theo hướng ổn định, lành mạnh hơn. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh lên mức kỷ lục trên 35 tỷ USD vào thời điểm đầu tháng 10/2014 từ 7 tỷ USD năm 2011 và vẫn tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới. Thanh khoản trên thị trường tốt, khối lượng giao dịch trung bình từ 900 triệu USD đến 1 tỷ USD mỗi ngày.

Thêm vào đó, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế dao động hàng ngày, nhưng mức chênh lệch giá trung bình mỗi ngày giảm từ 11,25% năm 2013 xuống còn 8,75%  trong 7 tháng đầu năm (số liệu IMF). Rủi ro vàng về cơ bản được loại bỏ nhờ việc đóng trạng thái vàng. Những điều này sẽ tạo điều kiện vững chắc để Việt Nam ổn định thị trường vàng, ngoại hối và chống đỡ tốt hơn những cú sốc bên ngoài.

Chính vì vậy, đến cuối tháng 7 vừa qua, tổ chức xếp hạng Moody's đã nâng mức tín nhiệm đối với trái phiếu của chính phủ Việt Nam lên 1 bậc, từ mức B2 lên mức B1 và mức triển vọng được đánh giá là ổn định. HSBC kỳ vọng kinh tế Việt nam sẽ tăng trưởng 5,7% trong năm nay và triển vọng tăng 5,8% trong năm 2015.

Đưa VAMC vào hoạt động là bước đi đúng hướng

Ông Philip McNicholas, kinh tế trưởng tại BNP Paribas, Hồng Kông cho biết: “Hiện nay, Việt Nam cũng đã tăng cường nỗ lực nhằm giải quyết nợ xấu ngân hàng...”.

Các biện pháp xử lý nợ xấu được NHNN triển khai bao gồm: cơ cấu lại nợ, thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ, sự dụng dự phòng rủi ro, tiết giảm chi phí, hạn chế tăng lương, thưởng, chia lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC).

Khác với kinh nghiệm quốc tế, việc xử lý nợ xấu của NHNN Việt Nam dựa trên nguyên tắc không sử dụng ngân sách nên tiến độ vẫn còn chậm. Mô hình hoạt động của VAMC chưa có tiền lệ, chỉ trong vòng 1 năm hoạt động đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc xử lý nợ xấu của các TCTD và hỗ trợ khó khăn cho các khách hàng, khẳng định tính đúng đắn của việc lựa chọn công ty này trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD.

Ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhận định, việc đưa VAMC vào hoạt động thực sự là một bước đi đúng hướng. Kể từ khi thành lập (tháng 7/2013) đến 26/9/2014, VAMC đã duyệt mua 5.811 khoản nợ của 37 TCTD, với tổng dư nợ gốc là 89.097 tỷ đồng.

Vẫn còn khá nhiều NĐT đang băn khoăn với định hướng của VAMC sau khi đã thu mua nợ. Giải đáp thắc mắc này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC đã khẳng định: “Chúng tôi mua nợ xấu không phải để xếp vào kho mà để tiếp tục phân loại, đánh giá, phân tích thực trạng từng doanh nghiệp, từng khoản nợ để xem doanh nghiệp có khả năng phục hồi đến đâu và phối hợp với các TCTD tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các giải pháp: miễn giảm lãi, điều chỉnh kỳ hạn nợ, điều chỉnh lãi suất".

Bên cạnh đó, thị trường mua lại nợ ở Việt Nam hiện đang mở ra nhiều cơ hội cho các NĐT nước ngoài. 

Tái cấu trúc được hỗ trợ bởi ổn định kinh tế vĩ mô

Công cuộc cơ cấu lại hệ thống các TCTD được hỗ trợ bởi nhiều điều kiện thuận lợi: môi trường kinh tế vĩ mô ổn định như đã nêu trên, sự điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và tăng cường biện pháp điều tiết thị trường đi đôi với nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát, ngân hàng.

Đến thời điểm này, tỷ lệ an toàn vốn của nhiều TCTD luôn cao hơn mức quy định của pháp luật, tỷ lệ tín dụng/huy động vốn giảm, tỷ lệ khả năng chi trả của hệ thống được cải thiện (theo đánh giá của NHNN). An toàn của hệ thống TCTD được đảm bảo hơn, nguy cơ đổ vỡ, mất an toàn của hệ thống đã giảm dần.

Tuy nhiên, ông Sandeep Mahajan đánh giá, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng diễn ra còn chậm, cần đẩy nhanh tiến độ. Ông góp ý thêm, các thông tin về “sức khoẻ” tài chính của doanh nghiệp cần được minh bạch và rõ ràng mới tạo được đà thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. 

Tác động tích cực từ phục hồi kinh tế thế giới

Nghiên cứu của WB cho thấy, Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đang có những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Theo đánh giá của WB,  bốn nước thuộc khu vực Đông Á - Thái Bình Dương bao gồm: Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam và Campuchia sẽ được hưởng lợi rất nhiều, đặc biệt là Việt Nam.

Sự phục hồi của nền kinh tế thế giới sẽ giúp gia tăng nhu cầu về hàng hoá, trong khi Việt Nam là một nước có nền kinh tế mở, đang ngày càng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, với nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh trên thị trường thế giới.

Nhìn chung, nhấn mạnh về vai trò nguồn vốn FDI hiện nay với nền kinh tế Việt Nam, ông Sandeep Mahajan nhận định: "Nền kinh tế Việt Nam có 2 hướng phát triển, hướng thứ nhất mạnh mẽ và quan trọng hơn đến từ vốn đầu tư nước ngoài và hướng thứ hai yếu hơn đến từ các doanh nghiệp trong nước". Ông bổ sung thêm, "khu vực FDI đang là nguồn lực chính thúc đẩy sự đi lên của nền kinh tế Việt Nam. Hiện tại, FDI có vai trò rất lớn với nền kinh tế Việt Nam, đóng góp trên 20% GDP”.

Với các lợi thế về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp, thị trường vàng, ngoại hối ổn định, quá trình tái cấu trúc và xử lý nợ xấu đạt được kết quả ban đầu, Việt Nam đang ngày càng thể hiện là một môi trường hấp dẫn và hứa hẹn thu hút nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.