Sức mua thấp, doanh nghiệp đua nhau khuyến mãi, giảm giá

Theo hanoimoi.com.vn

(Tài chính) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của TP. Hồ Chí Minh thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây vừa là niềm vui khi giá cả hàng hóa ổn định, nhưng cũng là nỗi lo khi nhu cầu giảm, sức mua quá thấp. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn thành phố đang tích cực tìm kiếm các phương án bán hàng.

Sức mua thấp, doanh nghiệp đua nhau khuyến mãi, giảm giá
Tăng cường khuyến mãi để kéo khách hàng. Nguồn: internet
Tiết kiệm tối đa

CPI tháng 2 của TP. Hồ Chí Minh chỉ tăng 0,24% so với tháng trước dù đây là tháng Tết. Nếu cộng cả tháng 1 và tháng 2 thì CPI của thành phố cũng chỉ tăng 0,64%, mà theo các chuyên gia kinh tế thì con số này lo nhiều hơn mừng!

Nhiều người tiêu dùng vẫn tiếp tục giảm chi tiêu, kể cả với hàng thiết yếu. Chị Hằng, tiểu thương bán thịt bò ở chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3) cho biết, chưa năm nào ế hàng như năm nay. Có lẽ thịt bò khá đắt nên người mua chuyển sang những món khác rẻ hơn. Chị Liễu, nhà ở quận 12 thì cho biết, dù cả hai vợ chồng đều có công việc ổn định nhưng ngoài cắt giảm các khoản "xa xỉ" như đi du lịch, mua sắm quần áo… thì cả những khoản chi thiết yếu cũng được sắp xếp lại.

Chẳng hạn, thay vì mua rất nhiều thức ăn để hàng tuần trong tủ lạnh như trước kia thì nay chị chỉ mua hằng ngày, hoặc mua cho hai ngày để cân đối. Chị cũng tìm những món rẻ hơn nhưng đầy đủ dưỡng chất thay cho những món đắt tiền như tôm, thịt bò. Với gia đình gồm hai vợ chồng và hai con nhỏ, cách đi chợ như vậy giúp chị tiết kiệm được một khoản tiền nho nhỏ mỗi tháng.

Người dân TP. Hồ Chí Minh có thói quen mua sắm ở siêu thị nhiều hơn các chợ, nhưng dịp Tết vừa qua, sức mua ở các siêu thị cũng chỉ tăng trung bình khoảng 15%, là mức tăng thấp so với các năm trước. Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc BigC Việt Nam cho biết, sức mua ở hệ thống siêu thị chỉ tăng nhẹ.

Sự tiết kiệm cũng thay đổi thói quen uống cà phê của nhiều người dân thành phố. Tại quán Cà phê Sỏi Đá (quận 3), nếu trước đây luôn luôn đông khách, thậm chí phải đặt bàn trước thì giờ cũng vắng vẻ. "Giá một món thức uống ở quán này vào ban ngày trung bình khoảng 50.000 đồng còn ban đêm có phụ thu phí ca nhạc là trên 100.000 đồng. Vậy nên trước đây tôi hay hẹn bạn bè đối tác ở đây, giờ phải chuyển sang quán khác rẻ hơn", anh Tuấn, một khách hàng cho biết.

Tăng cường khuyến mãi để kéo khách hàng

Trước kia, nếu trong tình trạng dịch cúm gia cầm như hiện tại thì các mặt hàng khác như thịt lợn, thịt bò, tôm, cá ở các chợ lẻ sẽ tăng giá do người tiêu dùng "né" thịt gia cầm. Tuy nhiên hiện nay, tiểu thương không dám tăng giá vô tội vạ mà phải tìm mọi cách để giữ chân người mua. Các con đường, dãy phố… đều giăng giăng quảng cáo khuyến mãi, giảm giá để thu hút người mua.

Hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra đang giảm giá đến 50% cho 830 mặt hàng, dành tặng hơn 1 tỷ đồng bằng thiệp chúc mừng và quà tặng trị giá từ 30.000 đồng đến 1 triệu đồng. Hệ thống siêu thị BigC cũng tung ra chương trình "Tôn vinh vẻ đẹp Việt" khuyến mãi hơn 2.000 mặt hàng của hơn 200 nhà cung cấp với mức giảm giá từ 5% đến 49%. Bên cạnh khuyến mãi giảm giá, siêu thị này còn triển khai hàng loạt các chương trình dành cho các bạn trẻ yêu thích ca hát; các hoạt động chăm sóc sắc đẹp, giao lưu với chuyên gia và người nổi tiếng… để thu hút khách hàng.

Với chương trình khuyến mãi của mình, BigC đặt mục tiêu tăng trưởng 15% so với chương trình trong cùng kỳ năm trước. Còn hệ thống Co.opmart kỳ vọng với chương trình khuyến mãi dịp 8-3 doanh số sẽ tăng 20-30% so với ngày thường.

Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan thì cái khó nhất trong năm 2014 của doanh nghiệp là sức mua, bởi không thể "ép" người tiêu dùng. Các doanh nghiệp chỉ còn cách giữ giá, khuyến mãi và tìm mọi cách để kéo người mua đến cửa hàng.