Sức mua thị trường trong nước tăng, nhưng tốc độ tăng giảm hơn so với các năm trước...

Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương

(Tài chính) Nhận xét chung về tình hình năm 2013, Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Bảy là sản phẩm của tập thể Chính phủ đã phản ánh khá đầy đủ. Trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đã phân tích rất rõ, nhất là những lưu ý, nhận xét về những bất cập hay những kết quả chưa đạt được trong năm 2013.

Sức mua thị trường trong nước tăng, nhưng tốc độ tăng giảm hơn so với các năm trước...
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trước hết, năm 2013, sức mua thị trường trong nước tăng nhưng tốc độ tăng giảm hơn so với các năm trước. Đây là điều cần hết sức chú ý. Bởi vì sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp của cả hai khối: khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khối các doanh nghiệp trong nước tiếp tục trông vào thị trường trong nước, với sức mua của khoảng 90 triệu dân. Rất lớn.

Thị trường nước ta từng được một số tổ chức quốc tế đánh giá cao. Những năm 2010-2011, thị trường nước ta là thị trường có sức thu hút lớn, phát triển rất nhanh. Thế nhưng sang năm 2013 thì tốc độ tăng trưởng giảm sút hơn. Và thực ra đây là các mua sắm, chi tiêu chưa thực sự giảm so với năm 2012 cũng như các năm trước. Chúng ta phải tìm ra nguyên nhân, bởi vì nếu tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp thì khả năng tăng trưởng xuất khẩu năm 2014 và cả năm 2015 sẽ khó khăn, sẽ không được phấn khởi như 4 tháng đầu năm nay. Xuất khẩu khó khăn, thị trường trong nước tăng trưởng không nhiều, sức mua đang yếu và rõ ràng có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong năm 2013, chúng ta đã tìm rất nhiều biện pháp. Về giải pháp, Chính phủ có hai Nghị quyết: Nghị quyết 01 ban hành đầu năm 2013 về điều hành thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước; và sau đó là Nghị quyết 02, cũng trong thời gian đầu năm 2013, về tiếp tục thực hiện biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường... Có thể thấy là rất nhiều biện pháp được đưa ra và trên thực tế là những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, kể cả giảm thuế, hỗ trợ về lãi suất...

Và có nhiều trường hợp, chúng ta đang dùng những biện pháp hành chính yêu cầu ngân hàng thương mại phải điều chỉnh lãi suất. Thực ra các ngân hàng thương mại hoạt động theo cơ chế thị trường nhưng áp dụng trong một số trường hợp biện pháp hành chính, tính toán yêu cầu phải giảm lãi suất cho vay 1% hay 2%, đặc biệt là tập trung vào một số sản phẩm nông sản. Tôi cho rằng việc tập trung tìm giải pháp, tìm nơi tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân là chính sách đúng đắn, trong đó có những biện pháp về tài chính, ngân hàng.

Trong Báo cáo của Chính phủ có nêu con số doanh nghiệp và tình hình sản xuất kinh doanh. Thế nhưng rõ ràng khu vực doanh nghiệp chưa phải đã thực sự thoát khỏi khó khăn, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, kể cả một số doanh nghiệp lớn. Đại đa số doanh nghiệp của nước ta có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn, tiếp cận vốn vay ngân hàng, tiếp cận tài chính. Mặc dù lãi suất đã về mức bình thường như cách đây mấy năm nhưng còn rất nhiều hạn chế trong cách tiếp cận, điều kiện vay vốn... Cho nên, các doanh nghiệp cũng rất khó vay vốn để sản xuất kinh doanh. Đây là một trong những bất cập mà Chính phủ đã có hướng chỉ đạo hệ thống ngân hàng xem xét, có những cải tiến hơn, tạo thuận lợi doanh nghiệp và thực sự là một kênh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ hai là thách thức trong cạnh tranh để thu hút sản phẩm. Một số Đại biểu Quốc hội có nêu một số việc như: cạnh tranh trong xuất khẩu gạo, những vụ kiện về bán phá giá, vụ kiện về trợ cấp và phần lớn do Hoa Kỳ thực hiện, ngoài ra còn châu Âu và một vài nước khác... tập trung vào các mặt hàng nông sản của ta. Trong tình hình chúng ta đẩy mạnh hơn nữa hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập kinh tế quốc tế và khi Việt Nam trở thành một trong những nhà xuất khẩu lớn đối với một số mặt hàng thì đương nhiên các nước sẽ quan tâm đến việc phát triển, tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam và một số mặt hàng có khả năng cạnh tranh trực tiếp với nước đó. Ví dụ như gạo, chúng ta hiện đang tranh thứ hạng với Thái Lan, Ấn Độ và có lúc chúng ta đứng vị trí thứ nhất thế giới, hiện giờ đứng thứ hai; và trở thành một nhà xuất khẩu gạo lớn. Hay hiện nay chúng ta xuất khẩu cà phê nhất nhì thế giới, chỉ sau Brazil. Chúng ta cũng là nhà xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới; xuất khẩu cá tra cũng lớn nhất thế giới; hàng dệt may đứng thứ 5 thế giới...

Việc cạnh tranh là đương nhiên, không tránh được, chỉ có điều chúng ta phải làm như thế nào để có thể xử lý, ứng phó với những biện pháp gọi là rào cản trong thương mại. Chính phủ hết sức vất vả và các bộ, ngành, nhất là bộ, ngành liên quan đến những mặt hàng này như Bộ Công thương, Bộ NN và PTNT theo đuổi tất cả các vụ kiện, tranh thủ tất cả các diễn đàn, vận động cả giới chức, hiệp hội, doanh nghiệp và dư luận...

Một số công cụ hỗ trợ kinh tế thị trường vẫn đang trên đà hình thành, tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới. Chính vì thế còn gặp nhiều khó khăn khi giải thích, vận động các nước, các đối tác bỏ những rào cản thương mại, bỏ những thuế áp chống bán phá giá. Và đây là những cuộc đấu tranh căng thẳng. Đến nay, phần lớn các vụ kiện, vụ điều tra chống bán phá giá chúng ta thắng, nhưng tất nhiên mức độ cũng khác nhau. Chính vì thế, xuất khẩu của chúng ta liên tục tăng trưởng, trong đó tập trung vào mặt hàng dệt may, nông sản như xuất khẩu gạo... Và sắp tới đây chúng ta chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục phải đương đầu với những việc điều tra chống bán phá giá này. Và chúng ta phải có biện pháp để ứng phó, giải quyết kịp thời, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người sản xuất, của bà con nông dân.

Thứ ba, về xuất khẩu năm 2013, hay nói chung là về ngoại thương của nước ta. Dẫu muốn hay không, từ năm 2007, năm đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đến năm 2013 là 6 năm chúng ta chơi ở sân chơi lớn của WTO, thì bức tranh, tình hình thương mại, ngoại thương thay đổi rất lớn. Trước hết là về tốc độ tăng trưởng, nhất là xuất khẩu tăng trưởng ở mức 18-20%, quy mô không nhỏ. Năm 2007, chúng ta xuất khẩu khoảng 48 tỷ USD, 6 năm sau chúng ta xuất khẩu được khoảng 133 tỷ USD, tăng gấp 3 lần. Đây là tốc độ thuộc loại cao nhất trên thế giới và quy mô tăng từ mấy chục tỷ USD lên hơn 100 tỷ USD. Chúng ta từ chỗ nhập siêu rất lớn năm 2007, tương ứng với hơn 30% tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu, và con số tuyệt đối là khoảng 12 tỷ USD, nhưng đến 2011, nhập siêu bắt đầu giảm dần và đến năm 2012, bắt đầu có thặng dư thương mại. Năm 2013, tiếp tục thặng dư mặc dù chưa lớn nhưng đây là kết quả bước đầu đạt được trong xuất khẩu cũng như nhập khẩu. Phần lớn nhập khẩu của nước ta là máy móc, thiết bị, nguyên nhiên liệu cho sản xuất và cả nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, nhưng không lớn, khoảng 3,3% lượng nhập khẩu.

Một số ĐBQH cũng băn khoăn năm 2013 xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI chênh lệch nhiều. Cả nước xuất khẩu cả năm tăng khoảng 15-16%, các doanh nghiệp trong nước tăng khoảng 6%, còn các doanh nghiệp FDI tăng trên 8%. Nếu nhìn những con số này thì thấy doanh nghiệp trong nước tăng trưởng xuất khẩu không bằng các doanh nghiệp FDI. Nhưng nếu xem lại năm 2012 thì doanh nghiệp cả nước tăng trưởng xuất khẩu 8% nhưng doanh nghiệp trong nước cũng tăng trưởng thấp. Năm 2012 phần tăng trưởng này do doanh nghiệp FDI... Từ chỉ số âm năm 2012 sang chỉ số dương của năm 2013 - đây là kết quả đáng ghi nhận và nó phản ánh số doanh nghiệp trụ vững trong khó khăn và bắt đầu có sự mở rộng, tìm kiếm thị trường.

Nếu tình hình tiếp tục khả quan, thuận lợi như những tháng đầu năm 2014 thì chắc chắn cả năm 2014 chúng ta sẽ đạt được mục tiêu mà Quốc hội thông qua. Ví dụ tốc độ tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, chỉ tiêu về phát triển công nghiệp, xuất khẩu, kể cả các chỉ tiêu về an sinh xã hội..., nếu tiếp tục thuận lợi như 4 tháng đầu năm 2014 thì khả năng đạt được là rất cao. Tuy nhiên sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta vừa qua và dẫn tới tình hình phức tạp xảy ra trên một số địa bàn như Bình Dương, Đồng Nai... hậu quả thì chúng ta chưa đánh giá hết được nhưng tác động không phải là nhỏ...

Tình hình 6 tháng cuối năm 2014 có khả năng sẽ bị ảnh hưởng, không thuận lợi như 4 tháng đầu năm. QH cần có những biện pháp chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục càng sớm càng tốt, tìm cách giữ được hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
(*) Tít do FinancePlus.vn đặt lại.