Tác động của chính sách tài khóa đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam

Nguyễn Đình Long - Nguyễn Hoài Nam, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn - Đại học Vinh (Theo Tạp chí Cộng sản)

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua cho thấy, đó không đơn thuần là sản phẩm của một vài sai lầm chính sách nhất thời nào đó, không thể phủ nhận vai trò của nhà nước trong việc ổn định kinh tế vĩ mô thông qua chính sách tài chính và tiền tệ; vấn đề an sinh xã hội; an ninh quốc phòng; chất lượng cuộc sống… Những diễn biến vừa qua cho thấy sự cần thiết phải có sự can thiệp của nhà nước và cơ cấu quản trị phát triển trong nền kinh tế thị trường hiện đại, điều này không có nghĩa là thiếu tôn trọng thị trường.

1 - Tác động của chính sách tài khóa ở một số nước trên thế giới

Mỹ: Trong những năm 70 của thế kỷ trước, vấn đề thâm hụt ngân sách đã từng nổi lên thành một mối quan tâm của nền kinh tế Mỹ. Sau đó, vào thập niên 80, thâm hụt ngân sách lại tiếp tục gia tăng khi Tổng thống R.Ri-gân (1981 - 1989) theo đuổi một chương trình cắt giảm thuế và tăng chi tiêu quân sự. Năm 1986, thâm hụt ngân sách vọt lên đến 221 tỉ USD, chiếm hơn 22% tổng chi tiêu của liên bang. Vào cuối những năm 90, các nhà hoạch định chính sách ít có khả năng hơn trong việc sử dụng chính sách tài khóa để đạt được những mục tiêu kinh tế rộng lớn. Vì vậy, họ tập trung vào những thay đổi chính sách hẹp hơn với mục đích tăng cường nền kinh tế tới cận biên. Tổng thống R.Ri-gân và người kế nhiệm ông, G.Bu-sơ (cha) (1989 - 1993) tìm cách giảm thuế lợi nhuận - tức là những khoản tài sản gia tăng từ kết quả đánh giá giá trị tài sản như bất động sản hoặc cổ phiếu, cho rằng sự thay đổi như vậy sẽ khuyến khích tiết kiệm và đầu tư nhiều hơn. Những người phái Dân chủ phản đối và cho rằng sự thay đổi như vậy sẽ làm lợi quá mức cho người giàu. Nhưng khi thâm hụt ngân sách thu hẹp thì Tổng thống B.Clin-tơn (1993 - 2001) đã chấp thuận, và mức thuế lợi nhuận cao nhất đã giảm từ 28% xuống còn 20% vào năm 1996. Trong khi đó, B.Clin-tơn cũng tìm cách tác động vào nền kinh tế bằng việc xúc tiến các chương trình giáo dục và đào tạo nghề khác nhau nhằm phát triển lực lượng lao động có trình độ tay nghề cao hơn, và do đó cũng nâng cao hơn năng suất và tính cạnh tranh.

Nhật Bản: Vào những thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, Nhật Bản tập trung phát triển công nghiệp nhằm tăng trưởng kinh tế, song hiện nay đã và đang gặp phải những thách thức về môi trường và khoảng cách thu nhập giữa đô thị và nông thôn. Về hoạt động cơ cấu kinh tế, Nhật Bản cũng đang gặp phải gánh nặng nợ nước ngoài, ngân sách nhà nước luôn ở mức thâm hụt so với mức tăng GDP. Kinh tế Nhật Bản cũng đã có dấu hiệu phục hồi từ giữa năm 2009, tuy nhiên, đó mới chỉ là dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn. Về dài hạn Chính phủ cũng có những chính sách tài khóa hiệu quả hơn, tiếp tục áp dụng các gói kích cầu cho vay với lãi suất thấp, nhằm kích thích hoạt động kinh tế phục hồi. Bên cạnh những nỗ lực trong hoạt động kinh tế, Chính phủ Nhật Bản cũng rất coi trọng lĩnh vực an sinh xã hội, coi đó là động lực giúp kinh tế sớm phục hồi. Năm 2004, Nhật Bản đã nâng phí đóng góp của một số quỹ bảo hiểm, giúp cho tổng thu và tổng chi tăng lên ở mức tốt, tạo điều kiện cải thiện mặt bằng an sinh xã hội.

Đức: Trong lúc nhiều quốc gia đang phải vật lộn với những khó khăn của sự suy thoái kinh tế thì Đức lại đang tận hưởng một nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ với tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh, còn nền sản xuất đã trở lại gần như mức tiền khủng hoảng. Theo bản báo cáo công bố ngày 4-7-2010, trong năm tới Đức sẽ tiết kiệm được 11,2 tỉ ơ-rô, hơn một nửa trong số này là nhờ cắt giảm chi tiêu. Con số tương tự cũng sẽ đạt được trong năm 2012. Kế hoạch tiết kiệm của Đức hoàn toàn khác so với trước đây và nó cũng tránh cho nước này phải tăng thuế. Trong số các cơ quan bị cắt giảm ngân sách thì Bộ Lao động và các vấn đề xã hội sẽ bị cắt giảm nặng nề nhất, giảm 8%. Tiếp đến là lĩnh vực giao thông vận tải, giảm 5%. Tuy nhiên, ngân sách cho giáo dục, đào tạo và nghiên cứu sẽ tăng trên 7%. Đức đang trở thành một tấm gương cho các nước trong khu vực trong việc thực hiện chính sách khôi phục kinh tế bằng việc giảm chi ngân sách. Tổng chi tiêu của toàn bộ chính phủ trong năm tới sẽ giảm 3,8% và sẽ tiếp tục giảm nhưng với mức thấp hơn vào những năm tiếp theo.

2 - Chính sách tài khóa và kinh tế Việt Nam

Giai đoạn 1991 - 2007

Từ năm 1991 - 2007, kinh tế Việt Nam tăng trưởng bình quân 7,5%, cao nhất là 10% (năm 1995) và thấp nhất 5% (năm 1999). Có thể chia tăng trưởng kinh tế Việt Nam thành 3 giai đoạn: tăng trưởng cao (1991 - 1996), suy thoái (1997 - 2001), phục hồi (2002 - 2007). Như vậy, từ năm 1991 đến năm 2007, nền kinh tế đã trải qua giai đoạn suy thoái và Chính phủ đã sử dụng biện pháp kích thích bằng chính sách tài khóa.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách năng động khác nhau để kích thích kinh tế, như cải cách thể chế kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường; mở cửa thu hút vốn đầu tư và thúc đẩy thương mại quốc tế; đẩy mạnh tự do hóa hệ thống tài chính và phát triển thị trường tài chính năng động... Như vậy, vấn đề tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ năm 1997 đến nay không thể chỉ giải thích ở biến số chính sách tài khóa duy nhất. Có điều cần lưu ý, sự thay đổi tỷ lệ tăng trưởng từ năm “đáy” của suy thoái đến năm sau đó là lớn hơn khi có những thay đổi cơ bản của chính sách tài khóa như: giảm mức huy động nguồn thu thuế thông qua chương trình cải cách thuế bước 2 và 3; đặc biệt gia tăng chi đầu tư công (sơ đồ 2) thông qua các chương trình kích cầu từ nguồn vốn ngân sách và phát hành trái phiếu chính phủ... Tuy vậy, điều này cũng chưa đủ cơ sở khoa học để khẳng định, chính sách tài khóa có hiệu ứng tốt đến ổn định chu kỳ và khắc phục suy thoái kinh tế, mà cần có sự đo lường bằng phương pháp định lượng.

Giai đoạn 2007 - 2008

Đây là giai đoạn mà kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng có nhiều biến đổi đáng kể. Trong giai đoạn này, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện quyết liệt 8 nhóm giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng bền vững và thực thi chính sách an sinh xã hội mà Nghị quyết số 10/2008/NĐ-CP ngày 17- 4-2008 đã đề ra: Trong tháng 8-2008 đã có hai lần điều chỉnh giảm giá bán xăng và dầu hỏa, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng; tăng cường công tác thu ngân sách để bảo đảm nhiệm vụ được giao, kết hợp với việc rà soát nợ đọng thuế, chống thất thu; tiếp tục rà soát lại chi ngân sách, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm, đình hoãn các dự án đầu tư chưa thực sự cấp bách và dự án đầu tư không có hiệu quả; không tăng chi ngoài dự toán, dành nguồn kinh phí cho bảo đảm an sinh xã hội; xem xét điều chỉnh giảm mức thuế xuất khẩu, nhập khẩu nhằm bình ổn thị trường, hạn chế nhập siêu...

Nhờ những chính sách tài khóa quyết liệt trên của Chính phủ mà kinh tế Việt Nam đã có kết quả tích cực. Những biện pháp điều hành của Chính phủ đã phát huy hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, nền kinh tế còn đối mặt với nhiều thách thức đòi hỏi Chính phủ phải có những điều hành quyết liệt hơn nữa bảo đảm ngăn chặn đà suy giảm, ổn định kinh tế vĩ mô, hướng tới mức tăng trưởng cao hơn.

Giai đoạn từ năm 2009 đến nay

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, kinh tế trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi thị trường Việt Nam có độ mở cao (xuất, nhập khẩu trên 150% GDP); khu vực FDI tuy chỉ chiếm trên 27% tổng đầu tư xã hội, nhưng luôn đạt từ 55% đến 70% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu, nên sau khi khủng hoảng nổ ra, thị trường xuất khẩu và đầu tư thế giới giảm sút đột ngột, nền kinh tế Việt Nam đã lập tức rơi vào suy giảm, từ mức tăng trưởng trên 7% (năm 2008) xuống còn 3,1% vào quý I-2009. Giá một số mặt hàng xuất khẩu chính giảm mạnh, như giá gạo trong tháng 10-2009 giảm tới 20%; cà phê giảm tới 34,5%; cao su giảm gần 50%... Một vấn đề nữa là, với quy mô nền kinh tế còn nhỏ, xuất phát điểm thấp nhưng đã hội nhập sâu, rộng vào khu vực và thế giới trên tất cả các cấp độ, kèm theo đó, trong năm 2008 và 2009, thiên tai, dịch bệnh lại liên tiếp xảy ra với cường độ và mức độ lớn. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng, thất nghiệp cao... Nền kinh tế yếu đi, các doanh nghiệp rơi vào tình trạng suy kiệt. Một số doanh nghiệp bị phá sản, số còn lại liên tục gặp khó khăn.

Cùng với xu hướng chung của thế giới, Chính phủ đã thực hiện các biện pháp điều hành quyết liệt nhằm chặn đà suy giảm kinh tế, ổn định vĩ mô và hướng tới tăng trưởng bền vững. Một trong những giải pháp chủ yếu là Chính sách tài khóa mở rộng, gồm các gói kích cầu. Gói kích cầu thứ nhất đã được triển khai nhằm hỗ trợ lãi suất khoảng 17.000 tỉ đồng, gói kích cầu thứ hai, với tổng nguồn vốn khoảng 8 tỉ USD, hỗ trợ lãi suất trong trung và dài hạn nhằm kích cầu đầu tư, phát triển sản xuất. Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và tạo việc làm, đây là hai điều quan trọng nhất thể hiện khá rõ vai trò của Nhà nước thông qua các gói kích cầu. Việc thực hiện một cách linh hoạt và đồng bộ các chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác đã giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua khủng hoảng và tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 đạt 5,3%, tỷ lệ lạm phát đã giảm còn 6,88% (từ 23% năm 2008), thị trường chứng khoán và các hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng được phục hồi từng bước.

Năm 2010, kinh tế nước ta đã khắc phục được đà suy thoái nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bất ổn vĩ mô. Yếu tố bất ổn dễ nhận thấy nhất là nguy cơ lạm phát cao quay trở lại do độ trễ của lượng cung tiền khá lớn được Nhà nước bơm vào thị trường trong các năm 2008 - 2009 để thực hiện các giải pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tiếp đến là nguy cơ thâm hụt cán cân thanh toán, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng nhập siêu. Trong năm 2008, quy mô nhập siêu của nước ta lên tới 17,5 tỉ USD, và năm 2009 nhập siêu khoảng 12 tỉ USD. Cùng với nguy cơ tái lạm phát cao, nếu tỷ lệ nhập siêu tiếp tục tăng cao trong năm nay sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát kép, tức là vừa lạm phát trong nước, vừa nhập khẩu lạm phát. Một rủi ro tiềm ẩn khác trong chính sách tiền tệ là tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại tại thời điểm này đang được cho là có vấn đề, do các ngân hàng thương mại có thể chạy đua nâng cao lãi suất để huy động vốn.

Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ thực hiện 6 nhóm giải pháp đồng bộ cùng với gói kích cầu thứ hai để nâng cao hiệu quả đầu tư, trong đó, tập trung vốn đầu tư cho phát triển các dự án, công trình có hiệu quả, có khả năng hoàn thành đưa vào sử dụng sớm trong năm 2010 - 2011, thay vì mở rộng đầu tư trong bối cảnh khan hiếm vốn, tỷ lệ vốn đầu tư trên GDP cao và hệ số ICOR cao. Để thực hiện tốt các mục tiêu này, cần chọn lọc hơn khi triển khai gói kích thích kinh tế bổ sung, chỉ ưu tiên hỗ trợ những ngành, lĩnh vực trực tiếp sản xuất tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài ra, gói kích thích kinh tế bổ sung đặt trọng tâm vào chính sách tài khóa (chính sách thuế, tài chính, ngân sách...) và cải cách hành chính nhằm làm cho chính sách dễ đi vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

3 - Đánh giá tác động của chính sách tài khóa đối với nền kinh tế nước ta

Một trong các phương pháp để đánh giá trạng thái tài khóa hiện được nhiều nhà kinh tế và Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) sử dụng là đo lường xung lực tài khóa đối với sản lượng/GDP trong một khoảng thời gian nhất định. Một sự đo lường dương (hay âm) của xung lực tài khóa sẽ hàm ý trạng thái tài khóa mở rộng (thu hẹp) hơn so với năm trước.

Kết quả đo lường cho thấy, từ năm 1994 đến nay, trạng thái tài khóa Việt Nam liên tục được mở rộng, đặc biệt kể từ sau năm 2000. Nếu như giai đoạn 1994 - 2000, xung lực tài khóa ở mức bình quân 3%, thì từ năm 2001 đến nay xung lực tài khóa bình quân là 5%.

Tuy nhiên, tình trạng tài khóa phản ứng không phù hợp với trạng thái chu kỳ kinh tế. Nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái vào cuối năm 1997, nhưng tài khóa lại thắt chặt. Cụ thể, năm 1999 tăng trưởng ở mức dưới tiềm năng, thì trạng thái tài khóa chỉ thay đổi ở mức 1% GDP. Đến những năm 2000 - 2002, nền kinh tế chỉ mới đang trên đà phục hồi (vẫn còn ở mức thấp hơn tiềm năng), thì trạng thái tài khóa liên tục kiềm chế ở mức 3% GDP. Bắt đầu từ năm 2005, nền kinh tế tăng trưởng nhanh (trên mức tiềm năng), thì trạng thái tài khóa lại liên tục mở rộng ở mức rất cao từ 4% đến 6% GDP. Kết quả, trong 3 năm từ năm 2005 đến năm 2007, lượng tiền trong lưu thông tăng tới 135%, trong khi tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ ở mức 27%. Điều này có nghĩa, Nhà nước đã phát hành thêm một lượng tiền lớn hơn gấp nhiều lần trị giá của cải mà xã hội làm ra được trong 3 năm trên.

Giai đoạn 2005 - 2007, hệ số ICOR của Việt Nam tăng rất cao (>5), cho thấy khả năng hấp thụ vốn đầu tư cho tăng trưởng rất thấp. Nghĩa là, tổng cầu đầu tư càng cao do kích thích tài khóa, cuối cùng chỉ cho thấy giá cả càng cao chứ không làm gia tăng sản lượng. Tình trạng điều hành chính sách tài khóa Việt Nam đúng như nhận định của IMF: “... trong các nền kinh tế đang phát triển, chính sách tài khóa có đặc thù là thuận chu kỳ - đó là, tăng thêm kích thích trong thời gian kinh tế tăng trưởng và tháo dỡ trong thời kỳ suy thoái”. Điều này gợi lên vấn đề, chính sách tài khóa đó có khuynh hướng gây bất ổn định hơn là góp phần giảm biến động chu kỳ kinh tế.

4 - Khuyến nghị

Trong 2 năm 2008 - 2009, kinh tế Việt Nam không những phải gánh chịu tác động của cơn bão lạm phát cao trong nước mà còn đối mặt với những ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong bối cảnh đó, hàng loạt chính sách tài chính được bổ sung, sửa đổi kịp thời đã góp phần tích cực đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Trong những năm tiếp theo, cần phải xây dựng chính sách như thế nào để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội vững chắc, đồng thời chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và có hiệu quả, chúng tôi xin kiến nghị một số giải pháp sau:

Chính phủ bảo đảm cải thiện tình hình tài khóa. Trong thời gian tới của chu kỳ kinh tế Chính phủ cần bảo đảm sẽ cải thiện tình hình tài khóa và cam kết một sự tin tưởng rằng kích thích tài khóa chỉ là chính sách tạm thời. Do có độ trễ, trong thời gian tới cần phải có gói kích cầu lớn hơn, tuy nhiên cần điều hành linh hoạt kết hợp với chính sách tiền tệ để tránh lạm phát cao có thể tiếp diễn.

Chính phủ thiết kế và sử dụng tốt hơn công cụ “ổn định tự động”. ổn định tự động tiêu biểu là sản phẩm của mục tiêu dài hạn và nên được thiết lập một cách có cân nhắc để đối phó với chu kỳ kinh tế. Thiết kế ổn định tự động cần chú trọng gia tăng phản ứng của nó. Cơ chế như thế sẽ vận hành một cách tự động và không nhất thiết gia tăng quy mô chính phủ. Gia tăng khả năng phản ứng của công cụ ổn định tự động có thể thực hiện bằng việc gia tăng tính lũy tiến của hệ thống thuế và cải cách các chương trình an sinh xã hội.

Thuế thu nhập là công cụ có tính tự ổn định cao. Cải cách thuế cần tập trung mở rộng cơ sở thuế và hạ thấp thuế suất để kích thích kinh tế. Các chương trình an sinh xã hội, ổn định thu nhập cho người nghèo, cho người lao động chủ yếu dựa vào tiền công, tiền lương cần được cải cách một cách triệt để trên cơ sở phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong mối tương quan với sự vận hành thuế thu nhập cá nhân.

Thay đổi chuyển giao hoặc chương trình chi tiêu để gắn kết trạng thái kinh tế với những quy tắc đơn giản, minh bạch. Để kiểm soát hiệu quả chi tiêu công, cần tiến tới áp dụng khuôn khổ quản lý chi tiêu trung hạn. Việc thiết lập khuôn khổ chi tiêu trung hạn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chi tiêu công: Tăng cường năng lực của Chính phủ trong lập ngân sách, đặc biệt là khả năng dự báo khi phân bổ ngân sách; tăng cường kỷ luật ngân sách và tính minh bạch cũng như trách nhiệm giải trình trong sử dụng nguồn lực công; tăng cường chất lượng những thông tin ngân sách, tính rõ ràng của các mục tiêu chính sách; Chính phủ tập trung nhiều hơn vào những ưu tiên mang tính chiến lược mà vẫn làm cho quy trình ngân sách toàn diện hơn; tập trung nguồn lực phân bổ theo chiến lược phát triển ngành thống nhất, khắc phục tình trạng phân khúc giữa trung ương và địa phương.

Thay đổi quản trị chính sách tài khóa. Cải cách rộng lớn hơn có thể ủng hộ sự tín nhiệm của hành động chính sách tùy ý, cụ thể là giảm rủi ro nợ công. Điều này có thể liên quan đến việc thiết lập một cơ quan độc lập để giám sát tài khóa - chịu trách nhiệm xác định những thay đổi trạng thái chu kỳ của nền kinh tế, đánh giá mức độ chính sách tài khóa phù hợp khuôn khổ tài chính trung hạn và cung cấp thiết bị đo lường chính sách khác nhau. Tránh tình trạng chỉ dựa vào những đo lường có tính thống kê, thiếu tính chính xác. Thêm vào đó, sự sắp xếp này có thể gia tăng tính đúng lúc, kịp thời của xung lực tài khóa. Cần thiết phải xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá (Monitoring & Evaluation) nhằm tạo ra các công cụ kiểm soát từ phía xã hội và công chúng đối với các hoạt động đầu tư và cung cấp dịch vụ công của Chính phủ.