Tác động của Dự án FSMIMS đối với hiện đại hóa ngân hàng

Theo Minh Phương/dangcongsan.vn

Ngày 20/12/2017 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo “Tác động của Dự án đầu tư hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa ngân hàng (FSMIMS) đối với hiện đại hóa ngân hàng”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tham dự và chủ trì hội thảo có Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) – ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, Lãnh đạo Ban Quản lý dự án FSMIMS, các Vụ, cục, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh tại 63 tỉnh thành phố, Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, đại diện lãnh đạo các  tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh các TCTD trên toàn quốc, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài ngành Ngân hàng.

Dự án FSMIMS sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới và là một trong số các dự án, đề án chủ yếu nhằm thực hiện chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 112/2006/QĐ-TTg ngày 24/5/2006. Theo đó, ngành Ngân hàng Việt Nam phát triển hạ tầng công nghệ ngân hàng hiện đại ngang tầm với các nước trong khu vực dựa trên cơ sở ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) và các chuẩn mực, thông lệ quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Dự án FSMIMS đã được triển khai trong 9 năm và chia thành 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: từ đầu năm 2011 đến tháng 8/2013 là giai đoạn tư vấn nghiên cứu, cải tiến quy trình nghiệp vụ theo thông lệ quốc tế, tiến đến mô hình của NHTW hiện đại và tăng cường năng lực; Giai đoạn 2:  từ cuối năm 2013 đến tháng 9/2017 là giai đoạn Xây dựng và phát triển các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT).

Theo NHNN, toàn bộ các hệ thống CNTT của Dự án được thiết kế và phát triển phù hợp với Kiến trúc hệ thống CNTT tổng thể đã được Thống đốc NHNN phê duyệt tại Quyết định số 2049/QĐ-NHNN ngày 9/12/2012 và triển khai thông qua 05 gói thầu CNTT lớn là: SG1.1 “Máy chủ, lớp giữa và cơ sở dữ liệu cho NHNN”, SG1.2 “Trung tâm dữ liệu mới của NHNN” , SG3.1 “Ngân hàng lõi, kế toán, lập ngân sách và tích hợp hệ thống”, SG3.2 “Quản lý văn bản và nguồn nhân lực” và SG4 “Quản trị dữ liệu, kho dữ liệu và các ứng dụng liên quan của NHNN”.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết: Dự án được sử dụng công nghệ của các hãng CNTT tiên tiến, hàng đầu trên thế giới. Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ các hệ thống CNTT của Dự án đã đưa vào hoạt động, góp phần tích cực vào việc đổi mới phương thức quản trị, điều hành của NHNN trên nền tảng công nghệ hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực, ứng dụng có hiệu quả CNTT và áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế là cơ sở quan trọng để đưa NHNN Việt Nam vững bước khẳng định vị thế là một NHTW hiện đại trong khu vực.

Hội thảo “Tác động của Dự án FSMIMS đối với hiện đại hóa ngân hàng” tập trung vào một số nội dung như: Giới thiệu chung về Dự án FSMIMS và những tác động của Dự án FSMIMS đối với NHNN (Tổng quan về Dự án; Thách thức từ môi trường quốc tế; Những lợi ích và sự đóng góp của Dự án đối với hoạt động của ngành Ngân hàng…). Bên cạnh đó, một số đơn vị ngành Ngân hàng cũng đã trình bày tại Hội thảo các tham luận như: “Ứng dụng CNTT trong quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành tại NHNN”; “Những thay đổi trong công tác kế toán, tài chính của NHNN khi ứng dụng hệ thống ngân hàng lõi”; “Dự án FSMIMS – bản lề thay đổi công nghệ NHNN”; “Chia sẻ các kết quả đầu ra và kinh nghiệm triển khai của dự án FSMIMS- Hợp phần Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam”.

Ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự Hội thảo đều nhất trí khẳng định ý nghĩa quan trọng của Dự án FSMIMS đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, giúp NHNN có được một nền tảng CNTT hiện đại, hỗ trợ tích cực công tác hoạch định, điều hành chính sách tiền tệ cũng như công tác thanh tra, giám sát an toàn hệ thống ngân hàng; hỗ trợ Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam tăng cường năng lực quản trị nội bộ và làm tốt chức năng của mình, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, tiệm cận dần với thông lệ quốc tế./.