Hiệp định thương mại tự do:

Tác động mạnh đến nền kinh tế

Hạnh Phạm

(Taichinh) - Trong những năm qua, chính sách mở cửa hội nhập, tham gia vào các FTA đã đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển, cải cách kinh tế của Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Mở ra nhiều không gian phát triển mới

Tham gia hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các FTA nói riêng, cơ hội và thách thức sẽ chia đều cho tất cả các bên, sẽ có những tác động hai chiều đối với mỗi quốc gia. Nhờ đó, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra nhiều không gian phát triển mới đối với Việt Nam. Cụ thể là, hội nhập đã góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo thuận lợi cho phát triển đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Do đó, những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, GDP của Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, thời kỳ 1992-1997 bình quân là 8,75%/năm, thời kỳ 2002-2007 bình quân là 7,55%/ năm, thời kỳ 2008-2013 đạt 5,85%/ năm; riêng năm 2014 GDP đạt 5,98%.

Việc mở rộng FTA với nhiều đối tác không những giúp Việt Nam tránh phụ thuộc vào các thị trường truyền thống mà còn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là lợi thế thương mại từ các thị trường mới. Nếu như năm 2011, Việt Nam xuất khẩu nông sản sang gần 160 nước trên thế giới và khu vực thì đến nay con số đó đã tăng lên khoảng 240 quốc gia, vùng lãnh thổ. Cán cân thương mại tăng nhanh, đặc biệt là năm 2014, cán cân thương mại đã có dịch chuyển đáng ghi nhận từ nhập siêu sang xuất siêu. Theo đó, năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước đạt hơn 298,24 tỷ USD, tăng 12,9%, tương ứng tăng 34,17 tỷ USD so với năm 2013; trong đó xuất khẩu đạt kim ngạch 150,19 tỷ USD, tăng 13,7%, tương ứng tăng hơn 18,15 tỷ USD; nhập khẩu đạt hơn 148,05 tỷ USD, tăng 12,1%, tương ứng tăng hơn 16,02 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2014 đạt mức thặng dư 2,14 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, với việc thực hiện các Hiệp định, Việt Nam đã tạo ra cơ hội to lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển dịch luồng vốn đầu tư vào Việt Nam, trong đó nhiều doanh nghiệp tiếp cận được với các khoản vốn ưu đãi đầu tư. Việc thực hiện các cam kết trong FTA tạo động lực để doanh nghiệp đẩy nhanh cải cách, tự sắp xếp lại, chủ động chuyển hướng đầu tư, chuyển giao công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh, từ đó tạo ra tư duy làm ăn mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Việc tham gia các FTA sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam thay đổi cơ cấu ngành hàng. Đặc biệt đối với ngành nông nghiệp mà Việt Nam có lợi thế về nguồn nguyên liệu làm đầu vào cho sản xuất và giảm chi phí đối với hàng hóa xuất khẩu. Còn đối với ngành chăn nuôi bò, lợn, gà được đánh giá sẽ bị tác động trực tiếp do giảm thuế từ các Hiệp định ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN - Australia - New Zealand… với mức thuế suất thấp hơn nhiều so với mức thuế ưu đãi chung theo cam kết.

Cơ hội từ Hiệp định thương mại Việt Nam – Hàn Quốc

VKFTA là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên trong số các Hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức ký kết vào ngày 5/5 2015.

Việc ký kết Hiệp định VKFTA là một bước đi cụ thể thực hiện chiến lược chủ động hội nhập, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hỗ trợ quá trình chuyển dịch cơ cấu, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Các nội dung chính của Hiệp định gồm: Thương mại hàng hoá, Thương mại Dịch vụ (bao gồm các Phụ lục về dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, di chuyển thể nhân), Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Quy tắc xuất xứ, Thuận lợi hóa hải quan, Phòng vệ thương mại, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Thương mại điện tử, Cạnh tranh, Hợp tác kinh tế, Thể chế và Pháp lý.

Với nội dung đã được thỏa thuận, dự kiến Hiệp định VKFTA sẽ mang lại những tác động tích cực về nhiều mặt đối với Việt Nam. Về kinh tế, thương mại, đầu tư, việc ký kết Hiệp định VKFTA sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội một cách hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Theo nội dung VKFTA, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội thị trường mới nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc.

Môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng sẽ góp phần khuyến khích đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, kèm theo công nghệ cao, trình độ quản lý tiên tiến và cơ hội tiếp cận các thị trường thứ ba.

Trong quá trình đàm phán, hai bên cũng đã thống nhất nội dung Thỏa thuận thực thi các cam kết hợp tác kinh tế. Theo đó, phía Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực xây dựng, thực thi chính sách, nâng cao sức cạnh tranh trong những lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu hợp tác như: Nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, công nghiệp điện tử, lọc hóa dầu, công nghiệp hỗ trợ...

Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ quan trọng đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng nông sản.

Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, xăng dầu, sắt thép, chất dẻo, hóa chất, phương tiện vận tải...Một trong những đặc điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung rõ nét, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp.

Đồng thời, góp phần tích cực phát triển quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc, theo hướng ổn định, lâu dài, góp phần duy trì và củng cố môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.