Tài chính toàn diện là chủ đề được các nền kinh tế APEC quan tâm

PV.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên báo chí bên lề Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC (FCBDM) ngày 20/10/2017, tại TP. Hội An.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Nguồn: internet
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Nguồn: internet

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tài chính phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn là 1 chủ đề được Việt Nam lựa chọn và đề xuất cho hợp tác về tài chính toàn diện của APEC 2017.

"Chủ đề này rất có ý nghĩa đối với các nền kinh tế ở giai đoạn đầu tiếp cận tài chính toàn diện và đặc biệt với Việt Nam bởi vì phát triển nông nghiệp nông thôn đã và đang là lĩnh vực mà Đảng và Chính phủ Việt Nam quan tâm." - Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định.

Phó Thống đốc cho biết thêm, trong gần 1 năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phối hợp chặt chẽ với Bộ, ban, ngành và các nền kinh tế thành viên của APEC và các tổ chức quốc tế tổ chức một số diễn đàn, hội nghị về các khía cạnh khác nhau của tài chính toàn diện.

Qua đó, nhiều kinh nghiệm thúc đẩy tài chính toàn diện của các nền kinh tế thành viên APEC đã được chia sẻ và trao đổi. Đặc biệt là vấn đề tiếp cận, sử dụng, chất lượng dịch vụ tài chính. Để triển khai tài chính toàn diện hiệu quả, các nền kinh tế APEC cho rằng, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan không chỉ khu vực Chính phủ mà còn các khu vực tư nhân cũng như các khu vực chính thức và khu vực phi chính thức.

Đồng thời, cần chú trọng xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng về tài chính, kể cả hạ tầng công nghệ cũng như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; tài chính vi mô, bảo hiểm vi mô; nhận diện số... để giảm chi phí về sử dụng dịch vụ tài chính cũng như phòng chống rửa tiền.
Đối với Việt Nam, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện cần nhấn mạnh vai trò trung tâm của khách hàng, từ đó có những khách hàng mục tiêu là những đối tượng yếu thế như người nghèo, người ở vùng sâu vùng xa, phụ nữ hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, ứng dụng công nghệ tài chính như Fintech để thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang bùng nổ.

Phó Thống đốc cho biết, hiện nay, NHNN được Chính phủ giao làm cơ quan đầu mối xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Theo đó, NHNN phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành dự thảo Chiến lược để trình Chính phủ để thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện. Khi thành lập Ban chỉ đạo này sẽ giúp cho việc tham vấn của nhiều bên, nhiều Bộ, ngành cũng như sau này triển khai chiến lược hiệu quả.

Ngoài ra, Phó Thống đốc cũng cho biết, thông tin tín dụng xuyên biên giới cũng là một chủ đề được các nước thành viên APEC quan tâm. Các nền kinh tế APEC cho rằng, việc xây dựng mô hình “Trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới” thành công sẽ góp phần đảm bảo công bằng, minh bạch trong hợp tác đầu tư, giảm thiểu tối đa những rủi ro do thông tin bất cân xứng mang lại.