Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Thực trạng và giải pháp hành động

PV.

(Tài chính) Vượt qua khó khăn, thách thức trong năm 2012, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục gặt hái được thành công, thực hiện vai trò là lực lượng quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn giá… Tuy nhiên, so với tiềm lực đang nắm giữ, thì những kết quả của khối doanh nghiệp này vẫn còn hạn chế, đặc biệt trước yêu cầu đặt ra của nền kinh tế, trong năm 2013 các doanh nghiệp nhà nước cần quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động…

Thực trạng và nguyên nhân

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, tính đến hết năm 2012, cả nước có 73 tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước, với tổng vốn sở hữu là 735.293 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2011. Tổng tài sản là 2.138.780 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2011, trong đó tài sản cố định chiếm tỷ trọng bình quân là 43,7%. Về công nợ, tổng nợ phải trả là 1.334.903 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,82 lần (năm 2011 là 1,77 lần). Tổng tài sản/tổng nợ phải trả là 1,6 lần. Số liệu trên cho thấy năm 2012, nhìn tổng thể, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các TĐ, TCT vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

Cũng trong năm 2012, tổng doanh thu của các TĐ, TCT nhà nước đạt trên 1.621.000 tỷ đồng, bằng 92% so với kế hoạch năm, tăng 2% so với thực hiện năm 2011. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 127.510 tỷ đồng, giảm 5% so với thực hiện năm 2011. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 17,4%. Tổng nộp ngân sách đạt 294.000 tỷ đồng, bằng 100% so với kế hoạch năm nhưng giảm 12% so với thực hiện năm 2011, trong đó thu từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh nội địa chiếm 71%. Các đơn vị đạt tổng doanh thu lớn là dầu khí, điện lực, xăng dầu, viễn thông quân đội, bưu chính - viễn thông, hàng không, than -khoáng sản. Để thu được lợi nhuận cao trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế hết sức khó khăn năm 2012, nhiều tập đoàn, tổng công ty đã có những bước điều chỉnh hợp lý như Viettel đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài và tập trung vào mảng sản xuất thiết bị đầu cuối; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chủ yếu tăng nguồn thu, lợi nhuận từ dịch vụ, đặc biệt là cơ khí chế tạo, tự chủ việc chế tạo giàn khoan, thiết bị khai thác dầu khí; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam giảm tối đa việc phải thuê nhân sự người nước ngoài đồng thời bám sát nhu cầu thị trường để bố trí lịch, khai thác phương tiện một cách hợp lý; Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam tiết kiệm tối đa chi phí gắn với đổi mới công nghệ nhằm nâng cao sản lượng, hạ giá thành sản phẩm; Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai huy động nguồn lực tối đa của công ty mẹ, hỗ trợ vốn cho công ty con gặp khó khăn, qua đó tiết kiệm tối đa chi phí vốn...

Trong năm 2012, đã sắp xếp được 21 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (có 3 tổng công ty), sáp nhập 5 doanh nghiệp và chuyển thành thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 3 doanh nghiệp. Nhiều TĐ, TCT đã tiến hành rà soát, xác định lại ngành nghề kinh doanh chính, ngành nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính và ngành, ngành kinh doanh khác; từ đó chấn chỉnh việc đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính. Biện pháp chủ yếu là thoái vốn đầu tư, chuyển nhượng vốn đầu tư.

Một điểm nhấn hết sức quan trọng là, trong năm 2012, từng TĐ, TCT đã xây dựng đề án tái cơ cấu toàn diện, từ xác định mô hình tổ chức, quản lý, tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, cơ cấu sản phẩm, nguồn nhân lực trên cơ sở xác định rõ nhiệm vụ, ngành nghề, chiến lược phát triển và đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn lực.

Bên cạnh những những kết quả về sản xuất kinh doanh trên, Báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận nhưng bất cập đang tồn tại ở các TĐ, TCT như lỗ phát sinh của các đơn vị khoảng 2.253 tỷ đồng, trong đó có một số TĐ, TCT lỗ trong năm 2011 thì năm 2012 tiếp tục lỗ. Có 10 đơn vị có lỗ lũy kế với tổng số khoảng 17.730 tỷ đồng. Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số TĐ, TCT giảm sút so với năm 2011 và không hoàn thành kế hoạch đề ra; vốn chủ sở hữu tăng thấp so với năm 2011; tình hình tài chính của không ít TĐ, TCT thiếu lành mạnh; quản trị doanh nghiệp chưa có nhiều đổi mới; tiến độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp chậm, đặc biệt là cổ phần hóa; cơ cấu tổ chức, quản lý của nhiều TĐ, TCT còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc…

Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu tăng rất thấp so với năm 2011 (chỉ tăng 1% trong khi năm 2011 tăng 9% so với năm 2010). Tình hình tài chính của không ít đơn vị thiếu lành mạnh. Có Tổng công ty không bảo toàn được vốn chủ sở hữu do kinh doanh thua lỗ, gặp nhiều rủi ro, không tự chủ được về tài chính; có Tổng công ty tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng nguồn vốn rất thấp. Một số đơn vị hoạt động phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay làm cho  chi phí tài chính lớn và khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp. Nợ phải thu khó đòi của một số TĐ, TCT khá cao, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng. Ngoài ra, ở một số TĐ, TCT vẫn để xảy ra tình trạng lãng phí và ý thức thực hành tiết kiệm kém. Nhiều dự án đầu tư không có hiệu quả, không tiếp tục triển khai được. Quản trị doanh nghiệp chưa có nhiều đổi mới, cơ cấu quản lý, điều hành tại một số đơn vị cồng kềnh, chi phí quản lý cao.

Nguyên nhân của những tồn tại trên, được các chuyên gia kinh tế phân tích, một phần là do tình hình kinh tế trong và ngoài nước khó khăn. Tuy nhiên, nguyên nhân căn bản vẫn là những yếu kém nội tại các TĐ, TCT nhà nước. Điển hình là ý thức chấp hành pháp luật, sự chỉ đạo, điều hành ở một số doanh nghiệp chưa nghiêm, kỷ cương, kỷ luật hành chính và kinh doanh có nơi buông lỏng. Ngoài ra, một số đơn vị chưa chủ động tìm kiếm giải pháp vượt khó khăn, còn tâm lý trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước. Năng lực quản trị doanh nghiệp trong nhiều đơn vị còn hạn chế…

Năm 2013, quyết liệt hành động

Một trong những nhiệm vụ quan trọng năm 2013 đã được xác định là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu DNNN, trong đó trọng tâm là các TĐ, TCT. Trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng và quyết tâm cao hơn của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

 Tái cơ cấu DNNN là một trong ba trụ cột trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đến năm 2015. Hơn 20 năm qua, quá trình cải cách DNNN đã được thực hiện với nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc sắp xếp, cổ phần hoá DNNN còn chậm, chưa chặt chẽ; chức năng quản lý nhà nước và sở hữu nhà nước chưa được phân định rõ. Năng lực quản trị DN của nhiều DNNN vẫn còn hạn chế, chậm đổi mới và chưa vận dụng đầy đủ những nguyên tắc quản trị DN theo thông lệ quốc tế. Một số DN vi phạm các quy định của Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí vốn và tài sản...

Trước tình hình đó, việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN là yêu cầu cấp bách. Để đạt yêu cầu này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn (TĐ) kinh tế, tổng công ty (TCT) nhà nước giai đoạn 2011 - 2015” tại Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012. Sau khi Đề án được phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương, các TĐ, TCT đã tích cực triển khai xây dựng cơ chế chính sách và Đề án tái cơ cấu cho từng DN.

 Đến cuối năm 2012, cả nước có 75 TĐ, TCT hoàn thành xây dựng Đề án tái cơ cấu, trong đó 45 TĐ, TCT đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tái cơ cấu. Cùng với đó, hệ thống cơ chế, chính sách đã và đang dần được hoàn chỉnh như: Nghị định 99/2012/NĐ-CP của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN; dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); dự thảo Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN có vốn nhà nước...

Năm 2013, giải pháp quan trọng là phải đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN với trọng tâm là tái cơ cấu các TĐ, TCT. Để triển khai phương án tái cơ cấu hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần đặc biệt tập trung vào các nội dung sau:

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý DNNN để DN kinh doanh hoạt động trong môi trường pháp lý chung và cạnh tranh bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Ưu tiên hoàn thiện quy định về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN; quy định về giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DN do Nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn nhà nước. Hoàn thiện mô hình quản lý vốn nhà nước tại các DN gắn với xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước; thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các định chế nhà nước có chức năng hỗ trợ cho quá trình sắp xếp, cổ phần hoá DNNN như: SCIC và Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC).

- Đẩy mạnh thực hiện tổ chức phân loại DNNN, tập trung đầu tư tăng cường năng lực vào một số lĩnh vực then chốt mà Nhà nước cần nắm giữ 100% cổ phần như: an ninh, quốc phòng; cung cấp những hàng hoá và dịch vụ công thiết yếu... Đối với các DN còn lại sẽ cổ phần hóa với lộ trình phù hợp. Tuy nhiên, cơ chế cổ phần hoá cần rà soát, sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi cho các DN trong quá trình cổ phần hoá, rút ngắn thời gian tổ chức triển khai, cũng như thu hút được nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản trị DN sau cổ phần hoá như: điều chỉnh quy định chỉ thực hiện áp dụng Kiểm toán Nhà nước đối với các DN cần thiết theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; quy định áp dụng cơ chế thuê đất đối với toàn bộ DN cổ phần hoá, ngoại trừ các DN kinh doanh hạ tầng, bất động sản mới thực hiện cơ chế giao đất; điều chỉnh quy định xử lý rõ trách nhiệm đối với các khoản công nợ phải thu, phải trả chưa đối chiếu kịp thời tại thời điểm định giá; hướng dẫn rõ việc cổ phần hoá các TĐ, TCT có đơn vị sự nghiệp có thu...

- Thực hiện tái cơ cấu DN theo ngành, lĩnh vực, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Tái cơ cấu các TĐ, TCT toàn diện từ mô hình tổ chức, nguồn nhân lực, chiến lược phát triển, đến thị trường, sản phẩm... Nêu cao vai trò và trách nhiệm của cơ quan được giao thực hiện quyền của chủ sở hữu. Gắn và làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng các bộ quản lý ngành trong việc tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế ngành đã được Chính phủ phê duyệt.

- Quan triệt  thực hiện thoái vốn nhà nước đã đầu tư vào ngành, lĩnh vực ngoài ngành kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan với ngành kinh doanh chính; vốn nhà nước ở công ty cổ phần mà nhà nước không cần chi phối theo nguyên tắc thị trường việc. Trường hợp các TĐ, TCT khó khăn trong thoái vốn, thì giao SCIC hỗ trợ, mua lại các khoản đầu tư này để các TĐ, TCT tập trung vào các giải pháp khác của quá trình tái cơ cấu theo Đề án được phê duyệt.

- Hình thành tổ chức để thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DNNN. Trước mắt, tập trung soát xét, điều chỉnh sự phân cấp, phân công giữa Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc thực hiện chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu DNNN. Đổi mới quy trình, xác định rõ quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xem xét, quyết định nhân sự lãnh đạo chủ chốt của DNNN. Tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý, giám sát tài chính DN nhằm hướng tới quản lý nhà nước chuyên sâu về tài chính DN. Cùng với đó, ban hành cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả trong hoạt động DNNN trên cơ sở yêu cầu DNNN công khai minh bạch thông tin như các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán.

- Tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch trong hoạt động của DNNN; kết quả sản xuất kinh doanh phải được công bố công khai, minh bạch, trung thực, kịp thời với báo chí, dư luận để xã hội hiểu đúng về DNNN. Chủ tịch hội đồng quản trị DNNN, bộ quản lý ngành phải chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này. Các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần hết sức quan tâm, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và thúc đẩy quá trình đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

- Tăng cường công tác kiểm soát nội bộ, nhất là kiểm soát rủi ro tài chính để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Những đơn vị đang có khó khăn về tài chính, cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý có liên quan, mặt khác cần cơ cấu lại vốn, tài sản theo hướng đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu vốn để có cơ chế xử lý bổ sung vốn tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư có hiệu quả, hạn chế thất thoát vốn do kéo dài thời gian dự án…