Tài sản, thu nhập không giải trình hợp lý nguồn gốc: Còn nhiều lo lắng

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Ngày 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Dự Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Trong đó, vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm và phát biểu là xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Về cơ bản, các Đại biểu Quốc hội tán thành với việc cần thiết phải có các quy định để xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những ý kiến khác nhau.

Cần phù hợp với Hiến pháp

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là thu thuế thu nhập cá nhân, đồng thời, sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung loại thu nhập này là thu nhập chịu thuế.

Phương án 2 là xử phạt hành chính đối với hành vi kê khai không trung thực, không minh bạch trong giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập.

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa) nhất trí với các nội dung sửa đổi bổ sung của Luật Phòng, chống tham nhũng và cần thiết trong việc phòng chống tham nhũng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo đại biểu Thân, Phương án 1 có nghĩa khi ra tòa, tòa án phán như thế nào thì đương sự cũng phải chấp nhận là không hợp lý, có nhiều vấn đề đặt ra.

“Thứ nhất là tòa căn cứ vào cái gì để cho rằng là hợp lý hay không hợp lý. Thứ hai là quy trình, thủ tục thuộc về tố tụng hành chính, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự cũng không được quy định rõ. Việc giao trách nhiệm này cho Tòa án là rất nặng nề”, đại biểu Thân cho hay.

Theo đại biểu Lê Xuân Thân, trong hướng xử lý tài sản không rõ nguồn gốc cần phải thận trọng vì liên quan đến tài sản công dân.

Đại biểu phân tích, Điều 32, Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế của công dân được pháp luật bảo hộ. Tài sản của công dân chỉ có thể bị tịch thu nếu có hành vi vi phạm pháp luật hoặc thực hiện tội phạm, do phạm tội mà có. Còn nếu không, Nhà nước có thể trưng thu, trưng mua theo quy định”.

Ngoài ra, pháp luật cũng quy định, trách nhiệm chứng minh tài sản do vi phạm pháp luật hoặc phạm tội mà có thuộc về các cơ quan nhà nước.

Vì vậy, vị đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng nên xử lý kỷ luật những cán bộ công chức, đối tượng bắt buộc phải kê khai không trung thực bằng những biện pháp mạnh hơn. Có thể là cách chức, buộc thôi việc. Còn đặt vấn đề tịch thu tài sản thì không phù hợp với Hiến pháp và Luật.

Từ những phân tích trên, đại biểu Lê Xuân Thân kiến nghị nên bỏ hẳn Phương án 1 ra khỏi Dự thảo. Trong trường hợp Ban soạn thảo và Ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng cần phải để 2 phương án, đại biểu Thân đề nghị chuyển Phương án 2 thành Phương án 1 thì thuận tiện hơn cho việc phòng chống tham nhũng có hiệu quả, nhưng phải tuân thủ các quy định của Hiến pháp và Pháp luật của Nhà nước.

Lo thuế chồng thuế

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) lại lo lắng nếu áp dụng Phương án 2 sẽ khiến thuế chồng thuế. “Một tài sản hình thành ở các nghĩa vụ khác nhưng giờ không giải trình được người nắm rõ cuối cùng thì khả năng bị thuế chồng thuế”.

Đồng quan điểm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng Luật Phòng, chống tham nhũng chủ yếu là phòng chứ không phải đi xử lý về nghiệp vụ. Vì vậy, nên giữ phương án thu giữ tài sản tham nhũng theo phương pháp hiện hành: Xác minh chặt chẽ, kiểm soát chặt chẽ.

“Hiện nay, chúng ta đã có đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ như hành chính, tổ chức cán bộ, hình sự… bảo đảm tính nghiêm khắc của pháp luật hơn là chúng ta xử dụng một trong hai biện pháp này”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Theo phân tích của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, trong trường hợp tài sản có nghi vấn thì phải điều tra, nếu chứng minh được là tài sản tham nhũng thì phải tịch thu ngay chứ không phải áp dụng 2 biện pháp như dự thảo luật.

“Dự thảo Luật quy định, tạm coi là khoản thu nhập, nếu chúng ta sử dụng biện pháp giả định để thu thuế thì điều đó không thể giải thích được với cử tri và nhân dân, nên tôi không đồng tình với hai phương án này”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Tiếp thu ý kiến giải trình của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng xử lý tài sản kê khai không trung thực nhằm đáp ứng công tác phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

Đây cũng là yêu cầu thực tế, phù hợp với quốc tế. Vì vậy Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.

“Ủy ban Tư pháp sẽ gửi phiếu xin ý kiến tới các đại biểu Quốc hội trước khi thông qua”, bà Nga khẳng định.