Tận dụng cơ hội thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Trước những yếu tố khó khăn cho hoạt động xuất khẩu cuối năm, đặc biệt là thị trường Trung Quốc vốn nhập khẩu nhiều nông sản thì chúng ta cần có những biện pháp bám sát thị trường, linh hoạt kịp thời, tận dụng cơ hội thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu.

Tận dụng cơ hội thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu
Linh hoạt kịp thời, tận dụng cơ hội thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu. Nguồn: internet

Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 7%

Mới đây, Bộ Công Thương đã công bố “Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2014”. Đây là lần đầu tiên, Bộ này công bố rõ sự kiện căng thẳng ở biển Đông đã tác động đến xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc.

Bộ Công Thương khẳng định, 6 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giảm nhẹ. Cụ thể, những mặt hàng nông sản, như: rau quả, gạo, cao su... của Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm nhẹ trong tháng 5 và 6/2014, khoảng 2%-7%.

Nhưng xuất khẩu chung vẫn tăng trên hầu hết các thị trường, trong đó thị trường châu Đại Dương tăng cao nhất, ước tăng 30,8%.

Tiếp đó là thị trường châu Mỹ ước tăng 23,6%, thị trường châu Á ước tăng 11,7%, thị trường châu Âu ước tăng 10,8% và thị trường châu Phi tăng 10,4%.

Điều đáng suy ngẫm là dù xuất khẩu sang Trung Quốc giảm nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn lên tới 20,43 tỷ USD trong 6 tháng, khiến nhập khẩu hàng Trung Quốc vẫn chiếm tới gần 29,4% tổng nhập khẩu của Việt Nam, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập siêu từ Trung Quốc ước 6 tháng qua đã đạt 13,057 tỷ USD. Nguyên nhân nhập siêu từ Trung Quốc, Bộ Công Thương cho rằng, do tăng nhập máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ xây dựng các cơ sở hạ tầng… Những hàng hóa này sản xuất trong nước chưa đáp ứng được đầy đủ nên vẫn phải nhập khẩu.

Kích tăng trưởng xuất khẩu cuối năm

Theo Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2014, nhìn chung, xuất khẩu tăng trên hầu hết các thị trường, trong đó thị trường châu Đại dương tăng cao nhất, ước đạt 30,8%; thị trường châu Mỹ tăng 23,6%, các thị trường châu Á, châu Âu và châu Phi có mức tăng tương ứng là 11,7%, 10,8% và 10,4%.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 10,78 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sự sụt giảm về giá đã khiến cho kim ngạch xuất khẩu nhóm này giảm 219,3 triệu USD.

Trả lời báo giới mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, nguyên nhân của sự sụt giảm về giá của mặt hàng này là do khó khăn chung của nền kinh tế thế giới khiến nhu cầu về mặt hàng này tại hầu hết những thị trường xuất khẩu chủ lực của ta chưa ổn định và tăng cao trở lại.

Dự báo, 6 tháng cuối năm, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện vì diễn biến của thị trường còn phức tạp, mức độ cạnh tranh tăng cao. Nhu cầu của các thị trường nhập khẩu chưa thực sự phục hồi. Xu thế bảo hộ của những nước nhập khẩu chính các nhóm hàng kể trên cũng được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng thông qua các hàng rào kỹ thuật.

Tại cuộc giao ban trực tuyến sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2014 của ngành Công Thương mới đây, theo bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất - nhập khẩu (Bộ Công Thương), với kim ngạch xuất khẩu đạt 70,88 tỷ USD, tăng khoảng 14,9% và bằng 48,7% kế hoạch năm, trong bối cảnh xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản bị giảm mạnh về lượng và giá, thì đây là kết quả khá tích cực.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu 6 tháng cuối năm sẽ gặp những nhân tố bất lợi về thị trường. Cũng theo bà Hà, một số nước nhập khẩu hàng nông sản lại đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, hạn chế nhập khẩu nên sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu nông sản thời gian tới.

Mặc dù gặp nhiều bất lợi và khó khăn như trên, song, bà Phan Thị Diệu Hà đánh giá, theo chu kỳ, hoạt động xuất khẩu 6 tháng cuối năm luôn cao hơn 6 tháng đầu năm, vì thế Cục Xuất nhập khẩu vẫn lạc quan dự báo kim ngạch xuất khẩu của năm nay sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng hơn 10%, ước đạt 146 tỷ USD.

Để gỡ khó cho xuất khẩu nông sản

Để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai mạnh nhiều nhóm giải pháp.

Cụ thể là: Cơ cấu lại sản xuất để mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực, tiếp cận những nguồn vốn vay lãi suất thấp; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng đa dạng hóa hình thức, nâng cao chất lượng, khuyến khích sự chủ động của các doanh nghiệp. Các cơ quan đại diện tại nước ngoài phải tăng cường cập nhật, phổ biến cho doanh nghiệp những thông tin về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các tranh chấp về thương mại.

Bộ Công Thương cũng chủ động phối hợp với những cơ quan chức năng khác để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Đơn cử, đầu tháng 6 vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký Chương trình phối hợp hành động tìm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Hơn nữa, nguyên nhân sâu xa của việc sản lượng, chất lượng, giá cả nông sản bấp bênh là do vấn đề quy hoạch chưa ổn định đã gây khó khăn cho cả người sản xuất lẫn nhà quản lý.

Vì vậy, trước hết, muốn có quy hoạch đúng, cơ quan quản lý cần xác định lại những sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu; nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường tiêu thụ cụ thể như sản lượng bao nhiêu là đủ, chất lượng như thế nào, thậm chí giá cả ra sao theo từng giai đoạn. Với diện tích còn lại, phải định hướng cho người dân trồng cây gì cho phù hợp. Đặc biệt, cần thiết lập chuỗi liên kết, cung ứng từ sản xuất - chế biến - thị trường.