Tận dụng lợi thế cửa khẩu với Trung Quốc

Theo Phương Lan/baocongthuong.com.vn

Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam- Trung Quốc được ký kết và có hiệu lực từ năm 2016 đã và đang mang lại cơ hội tăng trưởng thương mại 2 chiều Việt Nam- Trung Quốc. Các địa phương có chung biên giới với Trung Quốc đang tích cực thu hút đầu tư vào khu vực cửa khẩu; Đẩy mạnh cải cách hành chính, gỡ khó cho doanh nghiệp… để phát triển thương mại biên giới.

Các địa phương có chung biên giới với Trung Quốc đang tích cực thu hút đầu tư vào khu vực cửa khẩu. Nguồn: Internet
Các địa phương có chung biên giới với Trung Quốc đang tích cực thu hút đầu tư vào khu vực cửa khẩu. Nguồn: Internet

Theo Bộ Công Thương, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc trong giai đoạn 2011-2016 đạt trên 100 triệu USD, chiếm tỷ lệ trung bình khoảng 25% trong kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước Việt Nam – Trung Quốc.

Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc được ký kết từ năm 2016 sẽ đảm bảo tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung hàng năm ở mức ổn định, bền vững khoảng 30%.

Để tận dụng hiệp định này, đầu tư phát triển cho hệ thống thương mại khu vực cửa khẩu là hoạt động quan trọng mà các địa phương có chung đường biên giới với Trung Quốc tích cực triển khai. Đơn cử, UBND tỉnh  Lai Châu đã triển khai quy hoạch xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu và coi đây là khâu đột phá trong đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hiện Khu kinh tế Cửa khẩu Ma Lù Thàng đã được xây dựng khang trang gồm: Nhà liên hợp, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, bến bãi, nhà kho…

UBND tỉnh  Lai Châu cũng chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Ma Lù Thàng và UBND các huyện biên giới sửa chữa, cải tạo các tuyến đường từ quốc lộ, tỉnh lộ đến cửa khẩu, lối mở biên giới; Thu hút doanh nghiệp đầu tư các kho, bãi kiểm đếm hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu và tái xuất hàng hóa.

Đến nay, toàn tỉnh có 1 kho ngoại quan và 3 địa điểm kiểm tra, giám sát hải quan đã được Tổng cục Hải quan công nhận. Năm 2017, có 31 doanh nghiệp được UBND tỉnh Lai Châu công bố lựa chọn tạm nhập, tái xuất hàng hóa qua lối mở và cửa khẩu phụ. Hoạt động thương mại biên mậu cũng góp phần quan trọng giúp nâng cao giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu.

Tại Lào Cai, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn thường xuyên nắm bắt công tác quản lý biên giới, biên mậu phía Trung Quốc tại các khu vực đối diện cửa khẩu, lối mở ở Lào Cai để tham mưu, đề xuất các phương án điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu, địa điểm một cách linh hoạt, hiệu quả, không bị động.

Tổ chức các hội nghị giải đáp kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu, đồng thời, phổ biến các văn bản pháp luật, các quy định mới để doanh nghiệp hiểu rõ và thực hiện đúng khi làm thủ tục hải quan. Cải cách hành chính, đảm bảo tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp…

Nhờ đó, trong năm 2017, hoạt động thương mại nói chung trên địa bàn tỉnh Lào Cai diễn ra khá sôi động, hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp qua các cửa khẩu quốc tế tương đối ổn định, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh.

Tính đến hết tháng 11, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Lào Cai đã đạt khoảng 1.884 triệu USD, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu đạt 473,8 triệu USD, tăng mạnh tới 64,9% so với cùng kỳ năm 2016; Nhập khẩu đạt 437,4 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2016; Giá trị hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới ước đạt khoảng 0,2 triệu USD; Các loại hình khác đạt 972,4 triệu USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Chỉ riêng kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành ước tính đã đạt khoảng trên 1 tỷ USD, tăng trên 70% so với cùng kỳ năm 2016. Tại Cửa khẩu phụ Bản Vược (huyện Bát Xát), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước tính đạt 549,3 triệu USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2016. Thương mại cửa khẩu đã đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế địa phương.