Tận dụng thị trường gần ASEAN

Theo Thanh Trà/thoibaonganhang.vn

Hàng hóa Việt Nam vào thị trường ASEAN phải cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả và sự đa dạng chủng loại, mặc dù là thị trường gần, gu tiêu dùng tương đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường vẫn phải theo sát xu hướng tiêu dùng của người dân mỗi nước, liên kết với các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ nội địa uy tín, có năng lực… để duy trì sự tồn tại của hàng Việt một cách bền vững.

Hàng hóa Việt vào thị trường ASEAN phải cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả và sự đa dạng. Nguồn: internet
Hàng hóa Việt vào thị trường ASEAN phải cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả và sự đa dạng. Nguồn: internet

Bà Lê Thị Mai Anh, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) nhận định, khu vực các quốc gia ASEAN vốn đông dân, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, đời sống đang được nâng cao, nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng. Người dân ASEAN tương đồng về lối sống, văn hóa mua sắm cũng như nhu cầu về các nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.

Trong 5 năm trở lại đây, rất nhiều quốc gia trong khối có thế mạnh xuất khẩu như Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia… đều xem các thị trường nội khối chính là thị trường nội địa nối dài. Riêng Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường ASEAN rất nhiều chủng loại hàng nông sản (gạo, cà phê, hạt tiêu, rau quả, thủy sản…). Ngoài ra, ASEAN còn là thị trường tiềm năng để Việt Nam xuất khẩu các nhóm hàng như điện thoại các loại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, hàng dệt may, gỗ và các sản phẩm từ gỗ…

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ASEAN là thị trường tiêu thụ rau quả lớn thứ 2 của Việt Nam, trong đó, Thái Lan là nước trong khối nhập khẩu nhiều rau quả Việt Nam nhất. Trong 5 tháng 2020 kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Thái Lan đạt gần  60 triệu USD, tăng đến 144% so với cùng kỳ năm 2019.

ASEAN cũng đang là thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam, năm 2019 xuất khẩu gạo ASEAN đạt 1 tỷ USD, trong đó Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu gạo tại khu vực này dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nguồn cung từ các nước khác sụt giảm.

Hiện nay trong khối ASEAN có Indonesia, Thái Lan, Philippines là ba thị trường nhập khẩu hàng Việt Nam lớn nhất, với nhiều mặt hàng đa dạng, từ thực phẩm chế biến (trái cây sấy khô, cà phê hòa tan), hàng dệt may, các loại  máy phát điện, máy bơm nước, điện da dụng, thiết bị viễn thông... Một số thị trường khác là Singapore, Indonesia, Campuchia… cũng tiêu thụ mạnh sản phẩm cà phê, chè, rau quả và cá tra Việt.

Lợi thế của doanh nghiệp Việt khi đưa hàng vào nội khối ASEAN là sự thuận lợi về khoảng cách địa lý, không hạn chế phương tiện vận chuyển. Trong khối còn nhiều nước đang phát triển nên yêu cầu kỹ thuật không quá cao và đa dạng phân khúc giá cả (như Campuchia, Lào, Myanmar). Điều này thuận lợi đối với phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến và may mặc. Ở cấp cao hơn, với các thị trường Singapore, Thái Lan, Malaysia… hàng Việt cũng có nhiều đối thủ mạnh như Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản… tạo ra môi trường tốt để doanh nghiệp Việt thử thách.

Bài học kinh nghiệm từ các nước trong khối ASEAN là cần tiếp cận thị trường nội khối nhanh chóng, cụ thể và sâu sát. Như doanh nghiệp Thái Lan hơn 10 năm qua không chỉ đưa hàng vào tiêu thụ tại các đô thị lớn của Việt Nam, mà còn lan tỏa đến tận chợ truyền thống, thị trường nông thôn. Đến nay, doanh nghiệp Thái đã tận dụng rất tốt các cam kết giảm thuế nội khối, để đưa hàng nghìn mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vào Việt Nam tiêu thụ. Hay như Singapore cũng đã không ngừng đưa dịch vụ thương mại nổi trội của mình là y tế, du lịch, du học… phục vụ người Việt.

Bà Lê Thị Mai Anh cho rằng, hàng hóa Việt Nam vào thị trường ASEAN phải cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả và sự đa dạng chủng loại, mặc dù là thị trường gần, gu tiêu dùng tương đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường vẫn phải theo sát xu hướng tiêu dùng của người dân mỗi nước, liên kết với các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ nội địa uy tín, có năng lực… để duy trì sự tồn tại của hàng Việt một cách bền vững. Bài học gần nhất là thị trường Campuchia, khi có những doanh nghiệp Việt lớn như Tường An, Vissan, Co.op Mart đã từng tiến vào thị trường này, nhưng không duy trì được quá 6 tháng.