Tăng cường công tác quản lý giá, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Theo Cục Quản lý Giá

Những năm qua, công tác quản lý giá đã có sự phối hợp điều hành tốt hơn giữa các cơ quan quản lý vĩ mô trong quá trình tiếp tục điều hành giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện bình ổn giá sữa, nhìn chung, giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi đã được ổn định. Nguồn: vovgiaothong.vn
Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện bình ổn giá sữa, nhìn chung, giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi đã được ổn định. Nguồn: vovgiaothong.vn

Trong 5 năm 2011-2015, nền kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo, khủng hoảng nợ công diễn ra trầm trọng ở nhiều quốc gia; từ năm 2014, xung đột chính trị thế giới xảy ra ở nhiều nơi, căng thẳng trên biển Đông tác động mạnh tới nền kinh tế.

Đặc biệt, năm 2015 các căng thẳng chính trị tiếp tục leo thang, giá dầu xuống thấp kỷ lục, đồng Nhân dân tệ đột ngột giảm giá... đã gây ra những khó khăn trong điều hành ngân sách nhà nước nói chung và bình ổn giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong nước nói riêng.

Tuy nhiên, với sự điều hành đồng bộ chính sách tài khóa, tiền tệ... của Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành cùng những đóng góp quan trọng của công tác quản lý, điều hành giá đã góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường.

Đặc biệt, công tác quản lý giá đã có sự phối hợp điều hành tốt hơn giữa các cơ quan quản lý vĩ mô trong quá trình tiếp tục điều hành giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo quy định tại Luật Giá và các Luật liên quan...

Thực hiện có hiệu quả công tác điều hành, quản lý, bình ổn giá

Để triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cuối năm, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán hàng năm, Bộ Tài chính đều ban hành Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tài chính về công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng trước, trong và sau Tết; ban hành công văn chỉ đạo các Sở Tài chính, Cục Thuế, Hải Quan và các đơn vị thuộc Bộ tăng cường các mặt công tác, đồng thời tăng cường theo dõi, tổ chức các đoàn khảo sát nắm tình hình thị trường thực tế, đề xuất các giải pháp bình ổn giá.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường giá cả tại địa phương, tập trung cân đối hàng hóa vào những tháng Tết Âm lịch.

Nhờ vậy, chương trình bình ổn thị trường được mở rộng qua từng năm, phát huy tác dụng tốt trong việc cân đối cung cầu, liên kết sản xuất giữa các địa phương (năm 2011 có 36 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện; năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013: 45 tỉnh, thành phố; năm 2013 và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014: 44tỉnh, thành phố; năm 2014 và Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 là 38 tỉnh, thành phố).

Đặc biệt, tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận đã huy động hệ thống ngân hàng thương mại vào tham gia chương trình bình ổn giá, giảm dần tỷ trọng vốn ngân sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện tham gia không cần hỗ trợ vốn vay từ ngân sách Nhà nước.

Khi thị trường có những yếu tố biến động, hoặc thay đổi chính sách thuế, điều chỉnh giá mặt hàng điện, xăng dầu... Bộ Tài chính cũng đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo địa phương tăng cường quản lý giá, bình ổn giá; thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá; kiểm soát các yếu tố hình thành giá, kiên quyết dừng các trường hợp tăng giá bất hợp lý so với tác động của yếu tố đầu vào; đồng thời, thường xuyên kiểm soát chặt các kênh chi tiêu từ ngân sách nhà nước; thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá, thuế, phí…

Trên cơ sở đó, hầu hết các địa phương đã ban hành văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp nhằm bình ổn giá, kiềm chế lạm phát như: đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; cắt giảm kinh phí mua sắm tài sản công; giãn, giảm, hoãn các dự án đầu tư chưa cần thiết; tiết kiệm chi tiêu thường xuyên; bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật nhà nước về giá trên địa bàn.

Chính những giải pháp tổng thể trên là nguyên nhân quan trọng giúp tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân mỗi tháng của cả nước trong 5 năm tăng thấp (năm 2011: tăng 1,4%; năm 2012: tăng 0,55%; năm 2013: tăng 0,49%; năm 2014: tăng 0,15%; năm 2015: tăng 0,05%).

Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán, không còn tình trạng thiếu hàng, sốt giá và CPI cũng tăng thấp (so với tháng 12 năm trước, CPI tháng 2/2011 tăng 2,09%; tháng 2/2012 tăng 2,38%; tháng 1/2013 tăng 1,25%; tháng 1/2014 tăng 0,69%; tháng 2/2015 giảm 0,05%).

Quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu

Trong 5 năm qua, bám sát chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ như Nghị quyết số 10/2011/QH13 ngày 8/11/2011 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015, theo đó phải “thực hiện cơ chế giá thị trường đối với giá điện, than và dịch vụ công chậm nhất vào năm 2013”; các Nghị quyết của Chính phủ giai đoạn 2011-2013 cũng chỉ đạo: Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với những mặt hàng thuộc diện Nhà nước đang quản lý như điện, than, xăng dầu, dịch vụ công,... theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, tăng cường kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá và công tác quản lý thị trường...

Bộ Tài chính cũng đã đã chủ động phối hợp với Bộ Công thương ban hành hoặc trình Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội ban hành các cơ chế, chính sách quản lý, điều hành, kiểm soát giá chung, từng bước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu như: điện, than cho sản xuất điện, xăng dầu, dịch vụ công (dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục...) theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, cụ thể là:

Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, giá xăng dầu tiếp tục được điều hành theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Việc điều hành giá xăng dầu đã được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, giá xăng dầu trong nước được điều hành một cách linh hoạt theo biến động của giá xăng dầu thế giới và được nhà nước điều tiết gián tiếp thông qua các công cụ thuế, quỹ bình ổn giá. Các thông tin về giá xăng dầu đều được công khai minh bạch nên đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội, hạn chế những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng như cân đối nguồn thu ngân sách của Nhà nước.

Giai đoạn này, giá than cũng đã cơ bản được điều tiết theo cơ chế thị trường khi từng bước điều chỉnh giá than bán cho các hộ tiêu thụ lớn (điện, phân bón, xi măng) và từ ngày 01/8/2013, giá than đã được thực hiện theo cơ chế thị trường; đảm bảo sự công bằng giữa các hộ tiêu dùng, xỏa bỏ bao cấp về giá.

Cùng với đó, giá điện cũng được điều chỉnh nhất quán theo lộ trình thị trường, hướng tới tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất vào giá điện, xóa bỏ bao cấp, bù lỗ, thông qua đó thúc đẩy ngành điện lực phát triển.

Đồng thời thực hiện thị trường cạnh tranh trong khâu phát điện và đang tiến tới cạnh tranh trong khâu bán buôn điện. Giá lúa gạo được Nhà nước điều tiết thông qua công bố giá thành sản xuất lúa kế hoạch để các tổ chức, cá nhân mua lúa với giá định hướng đảm bảo mức lãi tối thiểu cho người sản xuất lúa.

Giá dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục đã thực hiện điều chỉnh theo lộ trình thị trường, hướng tới tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí vào giá nhằm góp phần đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công, tạo nguồn tài chính thúc đẩy sự phát triển cũng như cải thiện nâng cao chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn.

Về giá sữa, năm 2014, trước tình trạng giá sữa trên thị trường liên tục biến động theo xu hướng tăng, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và được Chính phủ chấp thuận cho áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với giá sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi bằng 2 hình thức giá tối đa và đăng ký giá.

Nhờ đó, giá bán các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi trên thị trường đã giảm từ 0,1 – 34% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp này. Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện bình ổn giá sữa, nhìn chung, giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi đã được ổn định.

Tính đến ngày 30/12/2015, cơ quan quản lý giá đã công bố giá tối đa và giá đăng ký, giá kê khai của 807 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi, tạo được sự đồng thuận của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Với việc xác định đúng mục tiêu trọng tâm, tổng quát phát triển kinh tế-xã hội hàng năm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo liên quan cũng như sự đóng góp quan trọng của công tác quản lý, điều hành giá, mục tiêu “Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh” được đề ra tại Nghị quyết số 10/2011/QH13 Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành xuất sắc.

Cung cầu thị trường được đảm bảo, chỉ số giá tiêu dùng đã giảm từ 18,58% năm 2011 xuống mức dưới 2 con số còn 9,21% năm 2012, năm 2013 là 6,6%; năm 2014: 4,09%, năm 2015: 0,63%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra đến năm 2015 chỉ số giá tiêu dùng khoảng 5%.

Đồng thời, trong 5 năm qua, chúng ta đã từng bước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu như: điện, than cho sản xuất điện, xăng dầu, dịch vụ công (dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục...) theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát./.