Tăng cường giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Trong kiến nghị cử tri gửi về Bộ Tài chính sau Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, có đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị Bộ Tài chính thắt chặt chi tiêu công theo hướng khoa học và kiểm tra xử lý nghiêm minh trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) ở các bộ, ngành Trung ương, làm gương cho địa phương và cơ sở.

THTK, CLP trong chi tiêu công được Chính phủ ưu tiên thực hiện. Nguồn: internet
THTK, CLP trong chi tiêu công được Chính phủ ưu tiên thực hiện. Nguồn: internet
Nghiêm túc thực hiện 

Theo Bộ Tài chính, việc THTK, CLP là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Trong những năm qua, thực hiện chức năng nhiệm vụ được Chính phủ phân công, hằng năm Bộ Tài chính đều có văn bản hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong cả nước triển khai thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về THTK, CLP. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra về THTK, CLP theo chức năng nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Công tác thanh tra, kiểm tra hằng năm của Bộ Tài chính đều có nội dung thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật THTK, CLP đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN).

Ngay từ đầu năm 2013, Bộ Tài chính đã hướng dẫn các cơ quan trung ương và địa phương triển khai, thực hiện nghiêm quy định của Luật THTK, CLP, triệt để tiết kiệm tiền, tài sản, tài nguyên thiên nhiên... Cơ quan tài chính các cấp, hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát chi chặt chẽ, đảm bảo đúng mục đích, đối tượng và hiệu quả.

Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 24/5/2013 về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2013, với nội dung trọng tâm là yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp để tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của 7 tháng cuối năm 2013, không bổ sung nguồn kinh phí ngoài dự toán để mua xe ô tô. Ngoài ra, cắt giảm dự toán chi, thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương (NSĐP) đối với số vốn đầu tư và kinh phí thường xuyên đến ngày 30/6/2013 chưa phân bổ hoặc phân bổ, sử dụng không đúng quy định.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương dành tối thiểu 50% nguồn dự phòng ngân sách các cấp để đảm bảo cân đối NSNN; các địa phương chủ động sắp xếp, điều chỉnh các nhiệm vụ chi phù hợp với khả năng thu NSNN, phấn đấu thu quyết liệt để đảm bảo cân đối NSĐP.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 6/11/2013 yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường tiết kiệm hơn nữa; tiết giảm tối đa kinh phí chi thường xuyên; không xử lý bổ sung ngoài dự toán và ứng vốn, trừ trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách; dự toán chi thường xuyên năm 2013 đã giao nhưng chưa thực hiện hết sẽ bị hủy bỏ, trừ những nhiệm vụ chi được chuyển nguồn theo chế độ quy định.

Cơ quan tài chính địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình thu, chi ngân sách tại địa phương, căn cứ khả năng thu và sử dụng các nguồn lực tài chính của địa phương để chủ động tổ chức điều hành chi NSĐP, trong đó ưu tiên dành nguồn để xử lý các nhu cầu cấp thiết về an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương.

Trên thực tế, trong năm 2013, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều Thông tư, văn bản hướng dẫn chính sách, chế độ để quản lý chặt chẽ, hiệu quả NSNN như Thông tư số 17/2013/TT-BTC về quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án của các dự án đầu tư sử dụng vốn NSNN; Thông tư số 20/2012/TT-BTC về quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia; Thông tư số 48/2013/TT-BTC về quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật; các văn bản hướng dẫn việc mua sắm tài sản từ nguồn NSNN...

Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tiền, tài sản nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương (như: Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các tỉnh Sóc Trăng, Điện Biên, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên,...), qua đó đã phát hiện, kiến nghị xử lý đối với các sai phạm gây lãng phí; các cơ quan, đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã và đang chấn chỉnh, khắc phục những kiến nghị, xử lý qua thanh tra của Bộ Tài chính.

Tiếp tục đẩy mạnh thanh tra

Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2014 và các năm tiếp theo, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về THTK, CLP và xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của Luật THTK, CLP  (sửa đổi)  đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2013) vừa qua.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, để việc THTK, CLP có hiệu quả cao cần có sự tham gia quyết liệt của các cấp, các ngành, toàn thể nhân dân trong cả nước. Bộ Tài chính cũng đề nghị các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát, phát hiện và phản ánh các vụ việc vi phạm pháp luật, gây lãng phí đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tổng kết 7 năm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2006- 2012, tổng số tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngoài lương và có tính chất lương của các cơ quan, đơn vị để thực hiện cải cách tiền lương là 11.543,7 tỷ đồng; trong đó khối cơ quan trung ương là 2.846 tỷ đồng, khối cơ quan địa phương là 8.697,7 tỷ đồng.

Trong điều hành thực hiện dự toán NSNN, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp THTK, CLP. Từ năm 2011, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc thực hiện việc tạm dừng mua sắm, trang bị mới xe ô tô, điều hoà nhiệt độ; tiết giảm chi phí xăng, dầu, điện, nước, văn phòng phẩm, chi tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước… Từ năm 2008 đến năm 2012, số tiền tiết kiệm được qua việc mua sắm tài sản tập trung là trên 467 tỷ đồng.

Từ 2006- 2010, các đơn vị ngành Tài chính thực hiện 32.933 cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào công tác điều hành, quản lý và sử dụng kinh phí NSNN tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 18.473 tỷ đồng, trong đó: thu hồi nộp NSNN 15.037 tỷ đồng; xử phạt hành chính 1.037 tỷ đồng; xử lý tài chính khác  2.398  tỷ  đồng.

Từ 2006 đến tháng 7/2012, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát và phát hiện trên 219.000 khoản chi của hơn 96.443 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và đã yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết, đã từ chối chưa thanh toán với số tiền khoảng 2.086 tỷ đồng.