Tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước

LH

(Tài chính) Ngày 02 tháng 10 năm 2012, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 161/2012/TT-BTC quy định về chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua Kho bạc Nhà nước (KBNN) thay thế Thông tư số 79/2003/TT-BTC ngày 13/08/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN.

Điều hành chi NSNN đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy sự phát triển KTXH
Điều hành chi NSNN đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy sự phát triển KTXH
Điều quan trọng, Thông tư đã nêu rõ vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong điều hành, quản lý chi NSNN và quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan sử dụng vốn ngân sách. Đồng thời, quy định cụ thể, chặt chẽ mối quan hệ giữa các cơ quan đơn vị trong quá trình quản lý nguồn chi và thực hiện chi, tạm ứng vốn NSNN.

Đối với KBNN
:
Theo nội dung Thông tư 161/2012/TT-BTC, KBNN có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, thanh toán tất cả các khoản chi trả NSNN (trừ các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản và chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; chi đặc biệt về an ninh, quốc phòng; chi cho hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam; chi của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; các khoản chi ngân sách có tính đặc thù khác có cơ chế hướng dẫn riêng).
KBNN kiểm tra, kiểm soát chi NSNN theo nguyên tắc: Mọi khoản chi phải có trong dự toán NSNN được giao đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cấp có thẩm quyền quy định và đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách hoặc người được ủy quyền quyết định chi; Việc thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN phải được thực hiện trực tiếp từ KBNN cho người hưởng lương, trợ cấp xã hội và người cung cấp hàng hóa dịch vụ (trường hợp chưa thực hiện được việc thanh toán trực tiếp, KBNN thực hiện thanh toán qua đơn vị sử dụng NSNN); Trong quá trình kiểm soát, thanh toán, quyết toán chi các khoản chi sai phải thu hồi giảm chi hoặc nộp ngân sách.
KBNN chỉ thực hiện chi khi có đầy đủ điều kiện: Các khoản chi đã có trong dự toán chi NSNN được giao; Đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền qui định; Đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách hoặc người được ủy quyền quyết định chi; Có đầy đủ hồ sơ, chứng từ thanh toán theo quy định.
Thông tư còn quy định rõ, khi tồn quỹ NSNN xuống thấp hơn mức tối thiểu, cơ quan kho bạc có trách nhiệm thông báo cho cơ quan tài chính cùng cấp để có biện pháp đôn đốc thu nộp kịp thời các khoản thu của NSNN bảo đảm tập trung các khoản thu theo kế hoạch; tạm vay quỹ dự trữ tài chính hoặc vay các nguồn khác theo quy định để đáp ứng các khoản chi theo dự toán được duyệt. Sau khi tập trung được nguồn thu, cơ quan tài chính phải hoàn trả theo chế độ quy định…
KBNN phải kiểm soát các hồ sơ, chứng từ chi và thực hiện thanh toán kịp thời các khoản chi ngân sách đủ điều kiện thanh toán; Tham gia với cơ quan tài chính, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra tình hình sử dụng ngân sách (xác nhận số thực chi, số tạm ứng, số dư kinh phí cuối năm ngân sách của các đơn vị sử dụng ngân sách tại KBNN); KBNN có quyền tạm đình chỉ, từ chối thanh toán và thông báo bằng văn bản cho đơn vị sử dụng ngân sách biết, đồng thời, chịu trách nhiệm về quyết định của mình; KBNN có trách nhiệm  tạm dừng thanh toán theo yêu cầu của cơ quan tài chính (bằng văn bản) đối với các trường hợp trái quy định tại Thông tư này; Cán bộ công chức KBNN có sai phạm trong thực hiện chi tiêu sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Đối với cơ quan tài chính các cấp:
Có trách nhiệm thẩm tra việc phân bổ dự toán NSNN cho các đơn vị sử dụng.
Đảm bảo tồn quỹ ngân sách nhà nước các cấp để đáp ứng các nhu cầu chi của NSNN theo quy định của Luật NSNN, Nghị định số 60/2003/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn Luật. Trường hợp tồn quỹ ngân sách các cấp không đáp ứng đủ nhu cầu chi, cơ quan tài chính được quyền yêu cầu (bằng văn bản) KBNN tạm dừng thanh toán một số khoản chi về mua sắm, sửa chữa theo từng nhiệm vụ cụ thể để đảm bảo cân đối quỹ NSNN, nhưng không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính được giao của đơn vị.
Các cơ quan tài chính phải có trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi tiêu và sử dụng ngân sách ở các đơn vị sử dụng NSNN. Khi phát hiện các khoản chi vượt nguồn cho phép, không đúng chế độ quy định hoặc đơn vị không chấp hành chế độ báo cáo, thì có quyền yêu cầu KBNN tạm dừng thanh toán.
Đối với những khoản chi do cơ quan tài chính quyết định chi bằng hình thức “lệnh chi tiền”: Cơ quan tài chính chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát nội dung, tính chất của từng khoản chi, bảo đảm khoản chi đủ các điều kiện, đúng đối tượng theo quy định tại Điều 3 và khoản 2 Điều 5 của Thông tư này.
Cơ quan tài chính quản lý đơn vị chi tiêu NSNN chịu trách nhiệm nhập dự toán chi ngân sách vào hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (gọi tắt là TABMIS).

Đối với các cơ quan Nhà nước ở TW và địa phương, đơn vị dự toán cấp I
: có trách nhiệm giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc đảm bảo đúng đối tượng, đúng nội dung thẩm tra của cơ quan Tài chính và đúng thời gian quy định. Chịu trách nhiệm nhập dự toán chi ngân sách vào TABMIS theo quy định về hướng dẫn quản lý điều hành NSNN trong điều kiện áp dụng hệ thống TABMIS.

Đối với đơn vị sử dụng ngân sách: Phải mở tài khoản tại KBNN; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan tài chính, KBNN trong quá trình thực hiện dự toán ngân sách được giao và quyết toán ngân sách theo đúng chế độ quy định. Lập chứng từ thanh toán theo đúng mẫu do Bộ Tài chính quy định; chịu trách nhiệm về tính chính xác của các nội dung chi đã kê trên bằng kê chứng từ thanh toán gửi KBNN; Trường hợp đơn vị sử dụng NSNN để mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc và các công việc khác thuộc phạm vi phải đấu thầu, phải có đầy đủ quyết định trúng thầu hoặc quyết định chỉ định đơn vị cung cấp hàng hóa của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Thủ trưởng đơn vị sử dụng NSNN phải quyết định chi theo chế độ, tiêu chuẩn và mức chi trong phạm vi dự toán chi ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, chịu trách nhiệm về quyết định chi và tính chính xác của các nội dung chi trên bảng kê chứng từ gửi KBNN. Thủ trưởng đơn vị sử dụng NSNN phải quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách; Thực hiện mua sắm đúng định mức, trang bị tài sản; mua sắm đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả. Trường hợp vi phạm, tùy theo tính chất và mức độ, sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định rõ ràng các hình thức chi trả các khoản chi từ NSNN cho các đối tượng theo các quy trình và các trường hợp cụ thể khác nhau; Quy định rõ việc thu hồi các khoản chi sai nhằm giảm chi NSNN.

So sánh với Thông tư số 79/2003/TT-BTC, các điều khoản quy định trong Thông tư 161/201/TT-BTC đã thể hiện quyết tâm siết chặt quản lý chi, tạm ứng vốn NSNN qua KBNN, nhằm hạn chế tối đa tình trạng thất thoát tài sản quốc gia. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15-11-2012.

TCTC giới thiệu tóm tắt, phân tích và nêu bật các nội dung chủ yếu của Thông tư này, nhằm cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn tổng thể về việc điều hành ngân sách của Nhà nước, của ngành Tài chính trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong thời gian cuối năm, là giai đoạn nước rút trong công tác giải ngân giúp các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ đã được giao trong dự toán.