Tăng cường ổn định vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế

PV.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp nhằm triển khai thực hiện thành công kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2018 mà Chính phủ đề ra là tăng cường ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.

Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DNNVV. Nguồn: internet
Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DNNVV. Nguồn: internet

Trình bày Kế hoạch phát triển KT-XH 2018 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV sáng 23/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2018, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng 6,5 - 6,7%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

Để hoàn thành được những mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ đề ra nhằm thực hiện thành công Kế hoạch phát triển KT-XH 2018 mà Chính phủ đề ra đó là tăng cường ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.

Bảo đảm ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế

Theo đó, điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa; Nâng cao hiệu quả phân tích, dự báo và ứng phó kịp thời với những biến động trong nước và quốc tế để bảo đảm ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là về lao động, việc làm, NSNN, vốn đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán...

Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất; Bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên gắn với kiểm soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống; Quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, vàng; tăng dự trữ ngoại hối.

Siết chặt kỷ luật tài chính - NSNN, tăng cường triệt để tiết kiệm chi
Thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, siết chặt kỷ luật tài chính - NSNN ở tất cả các ngành, các cấp. Tạo chuyển biến rõ nét trong chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá. Triệt để tiết kiệm chi, gắn việc bố trí các dự án, nhiệm vụ chi với khả năng cân đối nguồn lực; Khoán chi hành chính, sử dụng xe công; đẩy mạnh đấu thầu, đặt hàng trong cung cấp dịch vụ công.

Cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng chi đầu tư và giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, bảo đảm chi trả nợ; phấn đấu giảm bội chi NSNN; Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công.

Chú trọng kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay về cho vay lại, khắc phục tình trạng các khoản vay bị tăng chi phí do chậm tiến độ và hạn chế tối đa cấp bảo lãnh mới theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị. Tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực NSNN gắn với huy động tối đa các nguồn lực ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...

Tập trung chấn chỉnh bất cập, sai phạm trong các dự án PPP

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA; có chính sách phù hợp để huy động nguồn lực ngoại tệ trong xã hội. Quản lý, giám sát chặt chẽ đầu tư công; Tăng cường thực hiện đấu thầu qua mạng; Kiên quyết phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí...

Tập trung chấn chỉnh những bất cập, sai phạm trong các dự án đối tác công tư, nhất là các dự án BOT, BT. Tiếp tục khuyến khích mạnh mẽ đầu tư ngoài nhà nước phát triển hạ tầng, bảo đảm tuân thủ pháp luật, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn đầu tư. Phát triển ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản.

Tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Rà soát, đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu, nhất là kiểm tra chuyên ngành, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia; Hỗ trợ DN chủ động hội nhập hiệu quả, nâng cao chất lượng thông tin, dự báo thị trường... Phát triển mạnh hệ thống bán lẻ; Thúc đẩy tiêu thụ hàng nội địa, có giải pháp phù hợp bảo vệ sản xuất trong nước. Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý giá cả, thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại...

Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DNNVV, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường. Rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện theo tinh thần các Nghị quyết 19, 35, 36a của Chính phủ. Phát triển mạnh DN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao và các tập đoàn đa quốc gia gắn với phát triển DN trong nước và công nghiệp hỗ trợ...