Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản nội ngành Kho bạc Nhà nước địa phương

ThS. Nguyễn Văn Tuấn, ThS. Nguyễn Hữu Viên - Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa

Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong đầu tư xây dựng cơ bản nội ngành. Cơ sở vật chất của hệ thống Kho bạc ngày càng khang trang, có công năng phù hợp với hoạt động nghiệp vụ và đảm bảo tính uy nghiêm của một cơ quan công quyền. Tuy nhiên, vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản vốn là một lĩnh vực phức tạp, công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản nội ngành tại Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Phân tích thực trạng, bài viết đề xuất một số giải pháp góp phần tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản nội ngành Kho bạc Nhà nước trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản nội ngành tại Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố

Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) nội ngành tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh, thành phố thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Cơ sở vật chất của hệ thống Kho bạc ngày càng khang trang, đáp ứng được cơ bản điều kiện làm việc cho toàn hệ thống. Trụ sở KBNN tỉnh, thành phố và KBNN các huyện, quận, thị xã, thành phố đảm bảo tính uy nghiêm của một cơ quan công quyền, đồng thời thân thiện với môi trường phù hợp với không gian cảnh quan khu vực. Những kết quả nổi bật như:

Thứ nhất, hiện nay, các KBNN tỉnh, thành phố đã đầu tư xây dựng và cải tạo, mở rộng xong 508 trụ sở làm việc có đủ diện tích sử dụng theo định mức tiêu chuẩn. Các công trình trên đã được đưa vào sử dụng ổn định, phục vụ tốt nhu cầu làm việc cho cán bộ trong hệ thống. Phấn đấu đến năm 2020, KBNN tỉnh, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng và cải tạo, mở rộng các trụ sở làm việc các đơn vị KBNN còn lại, phù hợp với Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.

Thứ hai, các công trình xây dựng mới và cải tạo mở rộng trong hệ thống KBNN về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu phục vụ khách giao dịch, đảm bảo an toàn tiền và tài sản nhà nước, chứng từ, tài liệu của KBNN.

Thứ ba, chất lượng các công trình xây dựng và cải tạo đã được nâng lên một cách đáng kể, các công trình xây dựng mới, cải tạo mở rộng trong toàn hệ thống KBNN tỉnh, thành phố đã triển khai đúng tiến độ và tuân thủ các trình tự, thủ tục theo đúng các quy định của Nhà nước và của KBNN trong quản lý đầu tư và xây dựng, đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường.

Bảng 1: Số liệu đầu tư xây dựng cơ bản nội ngành tại KBNN tỉnh, thành phố
giai đoạn 2012 - 2016 (Đơn vị tính: 1.000 đồng)

STT

Nội dung

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

1

Dự án có tổng mức đầu tư =>5 tỷ

539.400.000

847.157.000

902.076.000

763.424.000

1.303.596.000

2

Dự án có tổng mức đầu tư  <5 tỷ

  38.650.000

  36.050.000

41.503.000

57.456.000

94.999.000

Tổng cộng

578.050.000

883.207.000

943.579.000

820.880.000

1.398.595.000

Nhìn chung, trên cơ sở Quy hoạch đầu tư XDCB hệ thống KBNN đến năm 2020 và Kế hoạch đầu tư XDCB hàng năm được Bộ Tài chính phê duyệt, KBNN các tỉnh, thành phố đã nghiêm túc chấp hành và triển khai công tác đầu tư XDCB nội ngành đảm bảo nguyên tắc đầu tư tập trung, dứt điểm, không dàn trải. Cụ thể:

- Về hiệu quả hoạt động đầu tư: Các công trình XDCB, cải tạo sửa chữa của KBNN tỉnh, thành phố đã thực hiện đầy đủ theo đúng quy trình từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư, nội dung đầu tư, lập dự án đầu tư, thẩm định dự án, phê duyệt thiết kế dự toán, giám sát thi công, kiểm tra chất lượng công trình, kiểm toán, quyết toán các công trình. Vì vậy, các công trình trong hệ thống đã đảm bảo được yêu cầu về chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả cao trong việc quản lý chi đầu tư xây dựng.

- Về tiến độ thi công: Các công trình trong hệ thống KBNN thực hiện từ năm 2013 đã đảm bảo thực hiện tiến độ thi công và quyết toán công trình, trách nhiệm giải quyết, nội dung, phạm vi, thời gian hoàn thành nhiệm vụ.

- Về tình hình giải ngân: Từ năm 2013 đến nay, các công trình do KBNN tỉnh, thành phố làm chủ đầu tư cơ bản đảm bảo tiến độ thi công, giải ngân vốn hàng năm trung bình đạt trên 95% kế hoạch.

- Về tình trạng nợ đọng vốn đầu tư XDCB: Từ năm 2013 đến nay, công tác đầu tư XDCB tại các KBNN tỉnh, thành phố được thực hiện đúng tiến độ, tuân thủ các quy định của Nhà nước, đảm bảo đúng tiến độ thi công, khối lượng, không dẫn tới tình trạng nợ đọng XDCB.

Việc thực hiện quy định về quản lý XDCB nội ngành như trên đã tương đối đáp ứng được yêu cầu thực tế, đảm bảo yêu cầu tuân thủ các quy định đầu tư của Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn tồn tại một số hạn chế như:

- Công tác quy hoạch đầu tư xây dựng của hệ thống KBNN giới hạn đến năm 2020 là chưa kịp thời, chưa đủ dài.

- Việc cải tạo sửa chữa nhỏ dưới 5 tỷ đồng gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn không đáp ứng được nhu cầu cải tạo sửa chữa cấp bách của KBNN tỉnh và KBNN các huyện, quận, thị xã, thành phố.

- Việc thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do kế hoạch vốn hàng năm giao chậm, các công trình KBNN tỉnh, thành phố làm chủ đầu tư phải trình Sở Xây dựng thẩm định, sau khi có kết quả thẩm định, KBNN các tỉnh, thành phố mới tập hợp trình cấp quyết định đầu tư (KBNN) phê duyệt, điều này khiến cho thời gian trình duyệt kéo dài, trong thực tế, công tác chuẩn bị đầu tư của một số công trình bị kéo dài tới 2 năm, trong khi thời gian xây dựng chỉ là 10 tháng.

- Bên cạnh các dự án tích cực thực hiện quyết toán thì vẫn còn một số dự án chủ đầu từ trình phê duyệt chưa đúng thời gian quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính.

- Công tác quản lý dự án đến ngày 31/12/2017 vẫn áp dụng hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án hoặc thuê tư vấn quản lý dự án, điều này là chưa phù hợp với Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Nghị định số 59/2015NĐ-CP, Thông tư số 16/2016/TT-BXD...

Giải pháp tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản nội ngành Kho bạc Nhà nước

Từ thực trạng công tác quản lý đầu tư XDCB nội ngành KBNN tại KBNN tỉnh, thành phố trong thời gian qua, bài viết đề xuất một số giải pháp tăng cường quản lý đầu tư XDCB nội ngành KBNN như sau:

Một là, KBNN cần hoàn chỉnh cơ chế quản lý dự án, để KBNN các tỉnh, thành phố sắp xếp bộ máy gọn nhẹ, đảm bảo đủ năng lực giải quyết công việc; đồng thời, bố trí cán bộ có chuyên môn trong quản lý đầu tư XDCB, am hiểu cả kỹ thuật và tài chính để có thể đảm đương nhiệm vụ chủ đầu tư, thực hiện quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Bảng 2: Số lượng công trình phân theo cấp (Đơn vị tính: công trình)

Cấp công trình

Số lượng
đơn vị KBNN

Số công trình đã đầu tư xây dựng xong

Số công trình đang đầu tư xây dựng

Số công trình Quy hoạch đầu tư đến 2020

Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

63

42

7

14

Quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh, thành phố

666

466

48

152

Tổng số

729

508

55

166

Hai là, cán bộ quản lý phải được tiêu chuẩn hoá cho phù hợp với từng loại quản lý. Cụ thể là tiêu chuẩn hoá và chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ, nhất là những người trực tiếp làm công tác XDCB. Những cán bộ được phân công làm công tác này phải là người có năng lực chuyên môn cao, được đào tạo và bồi dưỡng tốt, am hiểu và nắm vững tình hình kinh tế - xã hội cũng như các cơ chế chính sách của Nhà nước; đồng thời, họ cũng phải có tư cách, phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm và tâm huyết với Ngành.

Ba là, có cơ chế thưởng phạt nghiêm minh và hợp lý. Điều này, một mặt, tạo ra các điều kiện vật chất thuận lợi, giúp cán bộ yên tâm công tác. Mặt khác, phát huy hơn nữa vai trò và năng lực của từng cá nhân.

Bốn là, tăng cường trong phân cấp, ủy quyền và tổ chức thực hiện để tạo ra sự thông thoáng trong thẩm định, phê duyệt, giảm bớt thủ tục hành chính trong khâu chuẩn bị đầu tư, rút ngắn thời gian xây dựng công trình. Cụ thể như:

- Tổng Giám đốc KBNN quyết định đầu tư xây dựng và phê duyệt quyết toán dự án đầu tư hoàn thành đối với các dự án nhóm B, C có tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng trở lên ủy quyền cho Giám đốc KBNN tỉnh, thành phố quyết định đầu tư xây dựng và quyết toán dự án hoàn thành đối với dự án như sau: Cải tạo sửa chữa (không làm tăng quy mô) tại cơ quan KBNN tỉnh có tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng theo đúng kế hoạch đầu tư xây dựng hàng năm được KBNN phê duyệt; Xây dựng mới, cải tạo sửa chữa trụ sở làm việc KBNN cấp tỉnh, KBNN cấp huyện và các dự án khác thuộc KBNN cấp tỉnh quản lý có tổng mức đầu tư dưới 25 tỷ đồng theo đúng quy hoạch và kế hoạch đầu tư xây dựng hàng năm được phê duyệt; Giám đốc KBNN tỉnh được ủy quyền quyết định đầu tư.

Trước khi quyết định đầu tư xây dựng, KBNN địa phương phải có văn bản báo cáo và được Tổng Giám đốc KBNN chấp thuận bằng văn bản về nguồn vốn đầu tư và phương án quy hoạch kiến trúc đối với dự án đầu tư xây dựng, cải tạo mở rộng có tổng mức đầu tư từ 5 tỷ đồng trở lên (trong phạm vi ủy quyền).

- KBNN là chủ đầu tư các dự án đầu tư mới và dự án cải tạo sửa chữa tại cơ quan KBNN.

- Các dự án đầu tư mới và dự án cải tạo sửa chữa tại đơn vị sự nghiệp thuộc KBNN các dự án đầu tư xây dựng công trình có tính chất trọng điểm do Tổng Giám đốc quyết định đơn vị làm chủ đầu tư.

- KBNN các tỉnh, thành phố thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa và nâng cấp trụ sở làm việc tại KBNN tỉnh và KBNN các huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc.

Bảng 3: Danh mục xây dựng trụ sở KBNNtỉnh, thành phố giai đoạn 2016-2020

 

STT

Năm xây dựng

Dự án xây dựng mới

Cải tạo mở rộng

Tổng số dự án

1

Năm 2016

28

0

28

2

Năm 2017

29

4

33

3

năm 2018

70

16

86

4

Năm 2019

52

7

59

5

Năm 2020

44

10

54

Tổng cộng:

223

37

260

Năm là, hoàn thiện mô hình quản lý dự án đầu tư nội ngành KBNN phù hợp với Luật Xây dựng số 50/2014/QH13. Mô hình quản lý dự án của KBNN đề xuất cho giai đoạn hiện nay như sau:

- Thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực hệ thống KBNN để quản lý các dự án được Bộ phân cấp quyết định đầu tư.

- Chủ đầu tư là đơn vị trực tiếp giao quản lý, sử dụng công trình thực hiện ủy thác quản lý dự án cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực hệ thống KBNN đối với các dự án đầu tư xây dựng do Tổng Giám đốc KBNN quyết định đầu tư xây dựng, các dự án nhóm B, C có tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng trở lên. Giai đoạn 2016-2020, có 60 dự án có tổng mức đầu tư từ 25 tỷ đồng trở lên theo Quyết định số 1956/QĐ-BTC ngày 13/9/2016 đã được Bộ Tài chính phê duyệt.

- Đối với các dự án, Tổng Giám đốc ủy quyền cho Giám đốc KBNN tỉnh, thành phố quyết định đầu tư xây dựng. Các dự án nhóm C có tổng mức đầu tư dưới 25 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, có 200 dự án có tổng mức đầu tư dưới 25 tỷ đồng theo Quyết định số 1956/QĐ-BTC ngày 13/9/2016 đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Chủ đầu tư là KBNN tỉnh, thành phố chủ động việc ủy thác quản lý cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực hệ thống KBNN, hoặc ban Quản lý dự án chuyên ngành, khu vực tại nơi có dự án để quản lý thực hiện.

Một số đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, hoàn thiện về chính sách phân bổ dự phòng vào giá gói thầu đối với hình thức hợp đồng trọn gói: Theo Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/NĐ-CP, những gói thầu có quy mô nhỏ phải áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói và khi áp dụng hợp đồng trọn gói, dự toán gói thầu (lập theo Thông tư số 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016) để làm căn cứ xét duyệt trúng thầu, bao gồm cả chi phí cho các yếu tố rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện. Giá dự thầu phải bao gồm tất cả các chi phí cho các yếu tố rủi ro và chi phí trượt giá có thể xảy ra trong quá trình thực hiện.

Tuy nhiên, nội dung bổ sung chi phí dự phòng vào giá gói thầu và hướng dẫn thanh toán cho nhà thầu hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Với hạn mức quy định tại Điều 63 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, giá gói thầu có quy mô nhỏ là gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa có giá trị gói thầu không quá 10 tỷ đồng; gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá trị gói thầu không quá 20 tỷ đồng.

Trong khi, với cách tính chi phí dự phòng thông dụng hiện nay thì chi phí dự phòng khoảng 10% chi phí xây lắp sau thuế, tương ứng với giá trị khoảng 1 tỷ đồng với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa; khoảng 2 tỷ đồng với gói thầu xây lắp, hỗn hợp.

Như vậy, nếu đưa chi phí dự phòng trên vào giá gói thầu và hướng dẫn nhà thầu phân bổ vào đơn giá, thì trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu có rủi ro và trượt giá, nhà thầu sẽ sử dụng chi phí đó để bù đắp, tuy nhiên, nếu không có rủi ro và trượt giá thì nhà thầu sẽ được hưởng toàn bộ phần giá trị này.

Để giải quyết những bất cập trên, các bộ, ngành liên quan cần có sự phối hợp và hướng dẫn cụ thể từ quá trình lập, thẩm định phê duyệt dự toán đến quá trình đưa chi phí dự phòng vào giá gói thầu, tránh thiệt hại cho nhà thầu cũng như chủ đầu tư, trên cơ sở chia sẻ rủi ro giữa chủ đầu tư và nhà thầu, đảm bảo dự án hoàn thành mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế quản lý dự án đầu tư xây dựng: KBNN được bố trí theo hệ thống ngành dọc thành 3 cấp: Cấp trung ương, KBNN tỉnh, KBNN huyện, vì vậy, việc quản lý dự án đầu tư xây dựng theo Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng gặp rất nhiều khó khăn do các dự án đầu tư của hệ thống KBNN thực hiện rông khắp các quận, huyện, thị xã, thành phố của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Để giải quyết vấn đề này, các đơn vị liên quan cần hướng dẫn việc quản lý dự án của các hệ thống dọc như: Tổng cục Thuế, KBNN, Tổng cục Hải quan, Dự trữ Quốc gia phù hợp với Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP; hoặc kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội về việc điều chỉnh bổ sung Điều 62 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13. Theo đó, cho phép áp dụng hình thức Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án cho tất cả các dự án của hệ thống KBNN.

Thứ ba, hoàn thiện quy định về thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng có hiệu lực thi hành. Để có được dự án đầu tư trong năm chuẩn bị đầu tư KBNN tỉnh, thành phố phải thực hiện trình qua nhiều cơ quan sở ngành và trình nhiều lần và mất rất nhiều thời gian trong quá trình các sở ngành và KBNN phê duyệt.

Để giải quyết vấn đề này, cần điều chỉnh các quy định hiện hành theo hướng phân cấp cơ quan chuyên môn của Nhà nước chỉ cần thẩm định thiết kế cơ sở. Các nội dung khác có thể phân cấp cho cơ quan chuyên môn của người quyết định đầu tư thẩm định, nâng cao trách nhiệm của người quyết định đầu tư trong việc xem xét, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng…

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2015), Luật NSNN số 83/2015/QH13 ngày 25/6/2015;
  2. Quốc hội (2014), Luật Đầu tư công;
  3. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 05/2014/TT-BTC ngày 06/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ;
  4. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 108/2016-TT-BTC ngày 30/6/2016 về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;
  5. Chính phủ (2007), Quyết định số 138/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến 2020;
  6. KBNN (2016), Quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư trong nước qua hệ thống Kho bạc Nhà nước, ban hành kèm theo Quyết định số 5657/QĐ-KBNN ngày 28/12/2016 của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước;
  7. Kho bạc Nhà nước (2008), Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020.