Tăng cường thu hút vốn FDI cho nông nghiệp

Theo daibieunhandan,vn

(Tài chính) Thực tế phát triển kinh tế - xã hội nước ta những năm qua đã tiếp tục khẳng định nông nghiệp đóng vai trò là trụ cột của nền kinh tế. Nông nghiệp là chỗ dựa tin cậy cho nền kinh tế đất nước, cho lực lượng lao động nông thôn và duy trì sự ổn định xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn FDI là công tác trọng tâm của ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hiện nay, nông nghiệp vẫn được đánh giá là lĩnh vực nhiều tiềm năng ở nước ta với 70% dân số ở khu vực nông thôn và 50% dân số sống bằng nghề nông. Trong vài năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu về các mặt hàng: gạo, cà phê cao su…

Các sản phẩm từ chế biến thủy, hải sản cũng được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới và đã khẳng định được vị thế. Nông nghiệp ngày càng đóng vai trò nền tảng cho phát triển kinh tế và ổn định xã hội với đóng góp 0,48% vào tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2013. Thế nhưng, trong khi tốc độ FDI của cả nước tiếp tục tăng thì FDI cho nông nghiệp lại rất thấp và có xu hướng giảm.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 390 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký khoảng 3,228 tỷ USD thì nguồn vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp và thủy hải sản chỉ có 3 dự án với số vốn đăng ký 5,18 triệu USD.

Nếu tính thêm 2 dự án FDI đang hoạt động tăng thêm vốn, thì tổng vốn FDI vào lĩnh vực này trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 11,88 triệu USD, đạt chưa đến 0,3% tổng vốn FDI, giảm mạnh so với tỷ lệ 1,5% từ trước đến nay. Các dự án nông nghiệp sử dụng vốn FDI không chỉ có tỷ lệ thấp về tổng số vốn đầu tư mà còn nhỏ về quy mô. Tổng giá trị mức đầu tư cho một dự án FDI nông nghiệp chưa đạt một nửa so với tổng mức đầu tư bình quân cho một dự án FDI thông thường. Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi.

Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, Bộ NN và PTNN Bùi Chí Bửu cho rằng, tỷ lệ thu hút FDI vào nông nghiệp ở nước ta còn thấp bởi đây là ngành chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh. Không những vậy, đầu tư FDI vào nông nghiệp lợi nhuận thu tương đối thấp, thời gian thu hồi vốn chậm và kéo dài; quy mô hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung, dàn trải... nhất là công tác xúc tiến FDI thiếu bài bản, chưa có định hướng và chiến lược rõ ràng, thiếu nguồn lực và kinh phí khi triển khai đầu tư, quảng bá sản phẩm.

Bên cạnh đó, giá cả biến động phức tạp, nhiều yếu tố bất lợi cho phía người nuôi trồng, sản xuất. Mặc dù, mới đây, Quốc hội đã quyết định nâng đầu tư xã hội cho nông nghiệp lên 10% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tuy nhiên đây vẫn là con số còn khá thấp khi nông nghiệp chiếm hơn 50% lực lượng lao động như hiện nay. Vì vậy, tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp cần được coi là công tác trọng tâm của ngành trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, trước hết cần kêu gọi thu hút FDI vào nông nghiệp theo hướng tập trung vào ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; tiếp tục thực hiện triệt để và có hiệu quả Nghị định số 210 của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ về mặt tín dụng, lãi suất đối với doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả của xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư; đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi và ưu đãi cao nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này…

Bên cạnh đó, theo giới phân tích cần đưa ra các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế thích hợp nhằm thu hút đầu tư công nghệ cao cho nông nghiệp, nhất là khu vực FDI, cần xây dựng một chiến lược thu hút đầu tư FDI một cách bài bản; đưa các dự án FDI trong nông nghiệp vào diện đặc biệt khuyến khích đầu tư; áp dụng biện pháp ưu đãi đầu tư qua các hình thức như: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất và các hình thức ưu đãi khác.

 Ngoài ra, để tăng hiệu quả thu hút FDI vào nông nghiệp, Nhà nước cần sớm sửa đổi Nghị định về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng cải thiện cơ chế về tín dụng, lãi suất, đất đai… cũng như mở rộng phạm vi chính sách bảo hiểm nông nghiệp theo hướng cho phép áp dụng hình thức nông dân góp vốn bằng đất hoặc cho doanh nghiệp FDI thuê đất để cùng sản xuất kinh doanh nông nghiệp.