Tăng giá điện ảnh hưởng thế nào đến sản xuất, CPI, hộ nghèo?

Theo Toàn Thắng/baochinhphu.vn

Liên quan đến việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2017, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi với các cơ quan báo chí để làm rõ hơn những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.

Ông Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Ông Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Phóng viên: Xin ông cho biết những căn cứ để thực hiện việc điều chỉnh giá điện, giá được điều chỉnh cụ thể như thế nào và trong lần điều chỉnh giá điện lần này, EVN đã tính toán điều chỉnh dựa trên các yếu tố nào?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Việc điều chỉnh giá điện đã được thực hiện theo các căn cứ theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu của biểu giá bán lẻ điện; Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016-2020; căn cứ vào giá thành SXKD điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ ngành, ước thực hiện năm 2017. Các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào cũng góp phần trong việc điều chỉnh giá điện, trong đó bao gồm cả việc thực hiện cơ chế giá điện hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối, điện gió và thủy điện nhỏ.

Trên cơ sở các quy định này và biến động của các thông số đầu vào, EVN đã trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phương án giá điện 2017 để xem xét.

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến giá bán lẻ điện bình quân, kết quả kiểm tra giá thành SXKD điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ ngành, ước thực hiện năm 2017, báo cáo về phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương đã kiểm tra, lấy ý kiến của các Bộ ngành có liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) về phương án giá điện 2017.

Ý kiến góp ý của các Bộ ngành đã được Bộ Công Thương tiếp thu, hiệu chỉnh và hoàn thiện kịch bản điều hành giá điện 2017 (có xem xét việc tác động giá điện đến GDP, CPI, sản xuất và đời sống nhân dân trong nước ở mức thấp nhất), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành giá bán lẻ điện năm 2017, ngày 30/11/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4495/QĐ-BTC quy định về giá bán điện. Trong đó quy định chi tiết về giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và các đơn vị bán lẻ điện.

Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân điều chỉnh với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh). Thời điểm điểu chỉnh giá điện được áp dụng từ ngày 1 tháng 12 năm 2017.

Về các yếu tố để điều chỉnh giá điện căn cứ Quyết định 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, EVN đã tính toán giá điện dựa trên các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí đầu vào sản xuất điện, cụ thể.

Các yếu tố làm giảm chi phí sản xuất điện: Do giá dầu trong nước và quốc tế bình quân trong thời gian qua giảm so với giá dầu trong phương án giá điện ngày 16/3/2015.

Các yếu tố làm tăng chi phí sản xuất điện: Giá than tăng từ ngày 24/12/2016 so với giá than trong phương án giá ngày 16/3/2015 với mức tăng bình quân khoảng 5,7%; giá khí Nam Côn Sơn trong bao tiêu, giá khí Đại Hùng tăng 2%/năm theo lộ trình quy định tại hợp đồng khí.

Cùng với đó, giá khí Nam Côn Sơn trên bao tiêu, Hải Thạch – Mộc Tinh theo cơ chế thị trường nhưng không thấp hơn giá khí miệng giếng kể từ tháng 01/2016 nên giá khí bình quân năm 2017 của các nhà máy điện sử dụng các nguồn khí trên tăng nhẹ so với giá khí trong phương án giá ngày 16/3/2015; tỷ giá bình quân trong thời gian qua tiếp tục tăng so với tỷ giá trong phương án giá điện ngày 16/3/2015.

Bổ sung tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với các đơn vị sản xuất thủy điện thực hiện theo Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017, có hiệu lực từ 1/9/2017 với giá 11,35 đồng/kWh (tính theo giá điện bình quân 1.622,01 đồng/kWh).

Phân bổ khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện năm 2016 của các nhà máy điện theo quy định tại Thông tư số 56/2014/TT-BCT. Ngoài ra, phân bổ một phần chênh lệch tỷ giá tính đến ngày 31/12/2016 của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia vào năm 2017.

Đối với các khoản chênh lệch tỷ giá các nhà máy điện theo hợp đồng mua bán điện từ năm 2015 trở về trước và chênh lệch tỷ giá còn lại của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia sẽ được xem xét trong giai đoạn 2018-2020, phù hợp với quy định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016-2020.

Trong phương án điều chỉnh giá điện lần này, cơ quan quản lý đã tính đến các hộ nghèo, hộ chính sách hay chưa?

Nguyên tắc điều chỉnh giá điện lần này có nội dung: Hộ nghèo không hoặc ít phải trả thêm tiền điện (đây cũng là nguyên tắc thị trường - doanh nghiệp kinh doanh nhưng có vai trò của Nhà nước thực hiện an sinh xã hội). Vì vậy, tỷ lệ phần trăm của mức giá bán điện cho nhóm khách hàng sinh hoạt theo các bậc được điều chỉnh giảm 2% so với quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg. Theo tính toán tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 3.250 đồng; tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 6.600 đồng.

Biểu giá điện lần này cũng đã tính đến ảnh hưởng đối với các hộ nghèo, hộ chính sách nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách. Thực hiện quy định tại khoản 6, 7 Điều 3 Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, theo đó, hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ hàng tháng số tiền là 51.000 đồng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh (theo mức giá bậc 1 hiện hành). Theo số liệu của Bộ Tài chính (Vụ Ngân sách nhà nước) thì năm 2015 kinh phí hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ CSXH là 2.230 tỷ đồng. Theo tính toán, kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội dự kiến sẽ tăng thêm khoảng là 100 tỷ đồng.

Tại sao lại chọn thời điểm cuối năm để tăng giá điện? Điều này có gây sức ép nhiều đến chỉ số lạm phát? Hay chỉ số CPI sẽ bị tác động thế nào?

Việc điều chỉnh giá điện lần này, được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Ngoài ra, giá điện năm 2017 đã cập nhật các số liệu liên quan, đặc biệt là sản lượng điện của các nhà máy điện (sản lượng điện từ nhà máy thủy điện được huy động cao) và cập nhật giá nhiên liệu, tỷ giá, các chi phí thực tế thực hiện trong các tháng đầu năm 2017.

Với phương án giá điện tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đánh giá tác động tỷ lệ tăng giá điện này đến chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá tiêu dùng và tổng sản phẩm trong nước khi thực hiện điều chỉnh đầu tháng 12/2017 là ít và không đáng kể, cụ thể: Giá điện trên sẽ ảnh hưởng đến việc tăng chỉ số giá sản xuất khoảng 0,07%, chỉ số giá tiêu dùng khoảng 0,08% và giảm tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước khoảng 0,014%.

Với việc điều chỉnh giá điện từ đầu tháng 12/2017, Bộ Công Thương sẽ tiến hành kiểm tra việc chốt chỉ số công tơ theo đúng quy định, tuyên truyền và hướng dẫn khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, phù hợp trên cơ sở sử dụng thiết bị tiết kiêm điện.

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các Bộ ngành tuyên truyền và có biện pháp chống tăng giá các mặt khác khác theo quy định.

Thưa ông, việc điều chỉnh giá điện lần này tác động cụ thể đối với từng nhóm khách hàng như thế nào?

Giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện được xây dựng theo cơ cấu biểu giá quy định tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg và được điều chỉnh trong phạm vi +/- 2% so với tỷ lệ được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, cụ thể:

Giá bán điện cho nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ: Thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08 tháng 12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển ngành du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, theo đó, tỷ lệ phần trăm của mức giá bán điện cho nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ được điều chỉnh giảm 2% so với quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg. Giá bán điện cho nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ sau khi được điều chỉnh tăng bình quân khoảng 5,7% thấp hơn so với mức tăng của giá bán điện bình quân. Sau khi điều chỉnh, tỷ lệ giá bán điện bình quân cho kinh doanh dịch vụ bằng 150,9% so với giá bán điện bình quân.

Giá bán điện cho nhóm khách hàng sản xuất: Tỷ lệ phần trăm của mức giá bán điện cho nhóm khách hàng sản xuất được điều chỉnh giảm 0,64% so với quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg. Sau khi điều chỉnh, tỷ lệ giá bán điện bình quân cho sản xuất tăng khoảng từ 1,4% đến 6,4% thấp hơn so với mức tăng của giá bán điện bình quân và có tỷ lệ bằng 91,3% so với giá bán điện bình quân.

Giá bán điện cho nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp: Tỷ lệ phần trăm của mức giá bán điện cho nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp được điều chỉnh giảm 1% so với quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg. Sau khi điều chỉnh, tỷ lệ giá bán điện bình quân cho nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp tăng 4,97% - thấp hơn so với mức tăng của giá bán điện bình quân; và có tỷ lệ bằng 99,1% so với giá bán điện bình quân.

Biểu giá điện lần này cũng đã tính đến ảnh hưởng đối với các hộ nghèo, hộ chính sách nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách. Thực hiện quy định tại khoản 6, 7 Điều 3 Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg. Theo tính toán, kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội dự kiến sẽ tăng thêm khoảng là 100 tỷ đồng.

Giá bán điện cho nhóm khách hàng sinh hoạt: Tỷ lệ phần trăm của mức giá bán điện cho nhóm khách hàng sinh hoạt theo các bậc được điều chỉnh giảm 2% so với quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg. Sau khi điều chỉnh, tỷ lệ giá bán điện bình quân cho sinh hoạt tăng từ 4 - 4,4% so với mức tăng của giá bán điện bình quân; và có tỷ lệ bằng 109,2% so với giá bán điện bình quân.

Theo tính toán thì tiền điện tăng thêm cho mỗi hộ sử dụng điện ở lần điều chỉnh này chỉ khoảng hơn 4%/tháng, cụ thể: Hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng (chiếm 17,1% số hộ) tiền điện tăng thêm một tháng là 3.250 đồng; Hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng (chiếm 22,7% số hộ) tiền điện tăng thêm một tháng là 6.600 đồng; Hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng (chiếm 36,4% số hộ) tiền điện tăng thêm một tháng là 13.800 đồng; Hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng (chiếm 12,9% số hộ) tiền điện tăng thêm một tháng là 23.600 đồng; Hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng (chiếm 5% số hộ) tiền điện tăng thêm một tháng là 34.800 đồng; Hộ tiêu thụ 500 kWh/tháng tiền điện tăng thêm một tháng là 46.200 đồng.

Nhiều chuyên gia lo ngại việc tăng giá điện sẽ tác động tới các doanh nghiệp sản xuất. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Nhằm phát triển năng lượng bền vững, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng của doanh nghiệp và người dân, đảm bảo tạo môi trường cạnh tranh, thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành điện thì giá bán điện cần phản ánh được các chi phí sản xuất, kinh doanh điện cũng như đảm bảo các đơn vị điện lực có lợi nhuận hợp lý, đảm bảo các chỉ tiêu tài chính đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính cho vay vốn, từ đó tái đầu tư phát triển và khuyến khích các thành phần kinh tế khác đầu tư vào ngành điện.

Lần điều chỉnh giá bán lẻ điện ngày 1/12/2017 vừa rồi là tiếp tục thực hiện mục tiêu trên theo định hướng giá bán lẻ điện theo cơ chế thị trường trong phạm vi khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ quy định (khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2016 - 2020 thực hiện theo quy định tại Quyết định số 34/QĐ-TTg ngày 25/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ và khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016 - 2020) và cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ và giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất thì biểu giá bán lẻ điện được áp dụng theo giá điện giờ bình thường, cao điểm và thấp điểm, trường hợp doanh nghiệp sử dụng nhiều điện vào giờ cao điểm thì mức tiền điện phải trả sẽ cao hơn so với doanh nghiệp sử dụng điện nhiều điện trong giờ bình thường và giờ thấp điểm với mục đích giảm nhu cầu phụ tải toàn hệ thống trong các giờ cao điểm, góp phần giảm áp lực vốn đầu tư xây dựng nguồn mới nói riêng cũng như giảm áp lực tăng giá điện nói chung.
Như vậy, tác động của việc điều chỉnh giá điện sẽ khác nhau đối với doanh nghiệp do hành vi sử dụng điện khác nhau của khách hàng, cụ thể: Trường hợp doanh nghiệp sản xuất tiết kiệm chi phí dùng điện trong sản xuất bằng cách dịch chuyển một phần những phụ tải không cần thiết từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm hay giờ bình thường thì sẽ có tác động thấp hơn so với doanh nghiệp sử dụng điện chủ yếu trong giờ cao điểm.
Cảm ơn ông!