Tăng lực cho chuỗi cửa hàng tiện lợi

Theo Tuyết Thanh/thoibaonganhang.vn

Thời gian gần đây, hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi phát triển rầm rộ bởi đây là mô hình linh hoạt về diện tích mặt bằng nên dễ dàng phát triển sâu vào các khu dân cư...

Nhiều thương hiệu ngoại đã góp mặt trong mảng kinh doanh chuỗi cửa hàng tiện ích như B'mart, Ministop, Circle K, Shop & Go và gần đây nhất là 7-Eleven...Nguồn: Internet
Nhiều thương hiệu ngoại đã góp mặt trong mảng kinh doanh chuỗi cửa hàng tiện ích như B'mart, Ministop, Circle K, Shop & Go và gần đây nhất là 7-Eleven...Nguồn: Internet

Mới đây, chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 của Hàn Quốc đã chính thức "đánh tiếng" tham gia thị trường bán lẻ đầy sôi động tại Việt Nam thông qua hợp tác liên doanh với Sơn Kim Grourp.

Rõ ràng, các nhà đầu tư, tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã nhìn thấy mảnh đất bán lẻ, nhất là mô hình kinh doanh kết hợp giữa chợ truyền thống và phong cách bán hàng hiện đại của chuỗi cửa hàng tiện ích đang được ưa chuộng và còn rất nhiều tiềm năng để khai thác.

Trước đó, nhiều thương hiệu ngoại đã góp mặt trong mảng kinh doanh chuỗi cửa hàng tiện ích như B'mart, Ministop, Circle K, Shop & Go và gần đây nhất là 7-Eleven...  Trước làn sóng đổ bộ của những tập đoàn nước ngoài, các thương hiệu trong nước không chịu ngồi im, nhanh chóng đưa ra chiến lược, khẳng định vị thế trong cuộc chạy đua mở rộng thị phần, gia tăng năng lực cạnh tranh.

Đại diện VinGrourp cho biết, năm nay tập đoàn sẽ mở rộng chuỗi hệ thống cửa hàng tiện ích VinMart+ đến con số 1.500 cửa hàng. Dự kiến, trong năm 2018, VinMart+ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển mạng lưới với mục tiêu 3.000 cửa hàng trên toàn quốc nhằm đáp ứng đầy đủ, tiện lợi và nhanh chóng các nhu cầu mua sắm và dịch vụ hàng ngày của khách hàng theo xu hướng tiêu dùng hiện đại đang ngày càng phát triển.

Việc chạy đua “phủ sóng” về điểm bán hàng không còn là lợi thế của riêng những ông lớn trong lĩnh vực bán lẻ. Để phát triển mạnh chuỗi cửa hàng tiện lợi, bắt buộc các doanh nghiệp tham gia phải có sự đầu tư bài bản và trọng tâm đối với mặt bằng, đưa sự hiện diện đến tận từng con phố. Chính vì vậy, vấn đề phát triển hệ thống luôn là câu chuyện đầu tiên được đặt ra khi muốn phát triển mô hình cửa hàng tiện lợi.

Một điểm chung của những điểm bán hàng tiện lợi là không cần quá lớn, trung bình chỉ khoảng 300 - 500m2/cửa hàng, song ngoài yếu tố tiên quyết là dễ dàng đi lại và có chỗ để xe thuận tiện, những cửa hàng này cần được đặt ở nơi dân cư tập trung đông đúc và không quá gần với chợ truyền thống hiện hữu.

Theo thông tin từ Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), doanh nghiệp này đã chính thức đưa mô hình kinh doanh mới Co.op Smile vào hoạt động cùng với hệ thống chuỗi cửa hàng tiện ích Co.op Food vốn đã có từ lâu và được nhiều người tiêu dùng biết đến. Điểm đặc biệt tại các Co.op Smile là có các dịch vụ tiện ích đi kèm như thu hộ cước điện thoại di động trả sau, cước điện thoại cố định, cước internet, cước truyền hình Viettel, truyền hình cáp.

Trong năm nay, Co.op Smile tiếp tục triển khai dịch vụ ATM, chuyển tiền, nhận hàng DHL, cung cấp các loại thẻ, quầy vé số… nhằm phục vụ khách hàng mọi lứa tuổi với phương châm gia tăng thêm nhiều tiện ích, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa chất lượng, giá cả phù hợp phục vụ đời sống thường nhật của người dân. 

Hiện tại đã có 170 cửa hàng Co.op Food, 60 Co.op Smile đang hoạt động, dự kiến trung bình mỗi năm Saigon Co.op sẽ phát triển mới ít nhất 12 - 20 Co.op Food và từ 20 - 30 Co.op Smile.

Cùng là doanh nghiệp nội và có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh ngành hàng bán lẻ, hiện Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đang phát triển nhanh và mạnh chuỗi cửa hàng tiện ích Satrafoods. Trong quý III/2017, Satra đã đưa thêm 17 cửa hàng Satrafoods được đưa vào hoạt động, nâng tổng số cửa hàng trong cả chuỗi Satrafoods lên con số 143.

Ngoài việc mở rộng mạng lưới, Satra đặc biệt quan tâm đến việc đa dạng hoá mặt hàng nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu mua sắm cho bữa ăn gia đình của người nội trợ. Thời gian gần đây, những mặt hàng đã qua sơ chế, tẩm ướp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là sự lựa chọn hợp lý cho những người nội trợ bận rộn đã được các điểm kinh doanh Satrfoods chú trọng cả về số lượng và chất lượng.

“Phát triển mạng lưới được xem như một chiến lược dài hạn. Để tạo lợi thế cạnh tranh, Satra xác định tạo sự khác biệt trong mô hình và sản phẩm cho người mua sắm. Chú trọng đến các yếu tố dịch vụ khách hàng, đa dạng hàng hóa, thanh toán nhanh là những đảm bảo đưa đến sự thành công cho chuỗi Satrafoods” – Giám đốc Ban quản lý hệ thống bán lẻ Satra cho biết.

Chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ nhận định, xu thế phát triển của tiêu dùng hiện đại là tạo ra dịch vụ chất lượng và điều kiện thuận lợi nhất cho người tiêu dùng, rút ngắn thời gian mua sắm, đáp ứng nhu cầu hàng hóa thiết yếu hàng ngày, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh. Những yếu tố này thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng loại hình kinh doanh cửa hàng thực phẩm tiện lợi nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân thành thị.

Thời gian gần đây, hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi phát triển rầm rộ bởi đây là mô hình linh hoạt về diện tích mặt bằng nên dễ dàng phát triển sâu vào các khu dân cư. Hiện những thương hiệu bán lẻ lớn trong và ngoài nước đã và đang tiếp tục đẩy mạnh thị trường tại Việt Nam. Với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng, các doanh nghiệp trong nước phải thay đổi mô hình quản lý và kinh doanh theo hướng bài bản nhằm nâng cao năng lực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.