Tăng sức lan tỏa từ các "ốc đảo" FDI

Theo Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn

Việt Nam đã và đang là một "công xưởng lớn" của thế giới, với sự hiện diện của nhiều tập đoàn hàng đầu như Samsung, Intel, Canon, Fujitsu, Toyota, Honda, Nike. Tuy nhiên, một trong những vấn đề lớn nhất khi thu hút FDI đến nay chưa giải quyết được là bài toán chuyển giao công nghệ, nói cách khác là để các doanh nghiệp nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

Foxconn được cho là đang thảo luận việc di dời nhà máy sản xuất iPhone từ Trung Quốc về Việt Nam
Foxconn được cho là đang thảo luận việc di dời nhà máy sản xuất iPhone từ Trung Quốc về Việt Nam

Thông tin Tập đoàn Foxconn có ý định di dời nhà máy sản xuất iPhone từ Trung Quốc về Việt Nam chưa được phía tập đoàn này khẳng định, nhưng nếu điều này xảy ra sẽ là tin vui không chỉ với ngành công nghiệp điện tử, mà cho toàn ngành công nghiệp Việt Nam.

Song nhìn vào thực tiễn, phải thẳng thắn mà nói, hiệu quả chỉ được phát huy khi doanh nghiệp (DN) trong nước tham gia được vào chuỗi sản xuất của Foxconn, qua đó tạo ra nhiều giá trị cho Việt Nam.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Nhắc lại nhiều thành quả về thu hút FDI của Việt Nam, ông Kyle F.Kelhofer, Giám đốc Quốc gia cấp cao khu vực Việt Nam, Campuchia và Lào của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), cho biết năm 2016, FDI vào Việt Nam cao hơn dòng FDI vào tất cả các nước ASEAN, trừ Singapore. Tính theo tỷ lệ phần trăm GDP, dòng FDI vào Việt Nam đã vượt cả dòng FDI vào Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như vào tất cả các nước ASEAN lớn, trừ Malaysia.

Năm 2017, Việt Nam đã có mức giải ngân FDI kỷ lục, đạt 17,5 tỷ USD, trong bối cảnh dòng FDI trên phạm vi toàn cầu sụt giảm 23%. Mối tương quan giữa đầu tư nước ngoài và thương mại càng thể hiện rõ khi có tới 71% tổng kim ngạch xuất khẩu (80,86 tỷ USD) có nguồn gốc từ DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Trong tổng kim ngạch nhập khẩu 111,22 tỷ USD, nhà đầu tư nước ngoài chiếm tới 58,6% (65,21 tỷ USD).

Giá trị nhập khẩu ở mức cao như vậy cho thấy tính chất hai mặt của nền kinh tế Việt Nam, đó là mức độ hạn chế của giá trị gia tăng trong hàng hóa xuất khẩu và khả năng khai thác nguồn cung trong nước.

"Các chỉ số về đầu tư FDI tuy rất ấn tượng trên mọi chỉ tiêu nhưng đầu tư FDI vẫn chưa đủ sức tăng cường sự liên kết giữa DN FDI và DN trong nước, tăng chuyển giao công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và nâng cao đáng kể tỷ trọng giá trị gia tăng nội địa trong hàng xuất khẩu", ông Kyle F. Kelhofer đánh giá.

Vấn đề lớn nhất đối với FDI nhìn từ góc độ của Việt Nam là hầu hết DN hay ngành sản xuất đều như các "ốc đảo", chứ FDI chưa "bám rễ" hay tạo ra sự lan tỏa và hình thành các cụm ngành có khả năng cạnh tranh cao.

Phân tích cụ thể vào từng ngành, TS. Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng trong ngành may mặc và da giày không có sự gắn kết chặt chẽ của DN FDI với nền kinh tế trong nước, mà hoạt động chủ yếu là may gia công.

Hoạt động lắp ráp các thiết bị điện tử hay hàng công nghệ cao dường như chỉ là "sân chơi" của các DN FDI – những DN hay thương hiệu hàng đầu thế giới như Canon, Intel, Samsung…

Một số ngành sản xuất và chế tạo trong một thời gian dài đã nhận được các chính sách ưu đãi như mía đường và lắp ráp, sản xuất ô tô, nhưng kết quả mà các DN FDI tạo ra là không tương xứng với kỳ vọng.

Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), một số chỉ tiêu về lan tỏa và chuyển giao công nghệ từ FDI của Việt Nam có cải thiện trong giai đoạn 2014- 2017. Tuy nhiên, thực tiễn thứ hạng của Việt Nam còn thấp so với các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc và Thái Lan. Đáng lo ngại là Việt Nam ở vị trí khá tụt hậu đối với các chỉ số về chất lượng nhà cung cấp tại địa phương, tính sẵn có của công nghệ mới nhất và năng lực hấp thụ công nghệ của DN trong nước.

Cần giá trị cao hơn

Một nghiên cứu của Bộ KH&ĐT và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện năm 2018 cũng cho thấy, ngay cả trong trường hợp có sự kết nối giữa DN FDI và DN trong nước, đa phần các liên kết cũng mới chỉ liên quan đến nguồn cung đầu vào không có nhiều giá trị thương mại như vật tư, bao bì.

TS. Huỳnh Thế Du cho rằng nguyên nhân nằm ở chỗ khả năng nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo hạn chế nên DN trong nước đã không thể kết nối hay trở thành các nhà cung cấp các sản phẩm và dịch vụ phụ trợ cho các DN FDI, nhất là các linh kiện hay công đoạn có hàm lượng chất xám cao. Việc Intel xuất khẩu 5 tỷ USD nhưng phần giá trị gia tăng để lại ở Việt Nam chỉ khoảng 2% là một ví dụ.

Cùng với đó, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không tốt làm cho các DN FDI không muốn chia sẻ và thiết lập mối quan hệ hay đối tác dài hạn với các DN trong nước.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đánh giá một số mô hình liên kết DN ở những ngành có sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia lớn đã khá thành công, nhưng chủ yếu cung cấp nguyên vật liệu đầu vào và gia công (như Unilever Việt Nam và Samsung Việt Nam là những trường hợp điển hình) và tương đối hiếm. Nguyên nhân chủ yếu là do nội lực của DN trong nước vẫn chưa đủ tầm để thực hiện các chương trình liên kết.

Ngoài nguyên nhân trình độ không tương xứng của DN Việt Nam về công nghệ, mức độ liên kết và tác động lan tỏa còn phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh, chiến lược kinh doanh của công ty FDI tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các chương trình liên kết đào tạo, nghiên cứu giữa DN FDI với các trung tâm đào tạo, nghiên cứu, các trường đại học trong nước còn rất yếu và hiện rất thiếu các cơ chế hỗ trợ thực sự từ Chính phủ.

Bà Tuệ Anh cho rằng cần điều chỉnh chính sách phát triển khu công nghiệp theo hướng ưu tiên hình thành các cụm ngành, tạo điều kiện cho liên kết sản xuất giữa các DN FDI và DN trong nước, qua đó thiết lập mối quan hệ cung ứng sản xuất giữa các khu công nghiệp và tăng hiệu quả của FDI. Theo đó, bổ sung mục tiêu phát triển các khu này thành các cụm ngành và điều chỉnh mục tiêu xúc tiến đầu tư, ưu tiên các nhà đầu tư lớn, có năng lực, có khả năng hợp tác với DN trong nước, sử dụng đầu vào từ các DN trong nước và ngược lại. Đồng thời, tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm hình thành và phát triển các DN khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp.

Trong bối cảnh các DN Việt Nam vẫn nhỏ, mối liên kết giữa FDI – trong nước còn yếu, ông Dominic Mellor, chuyên viên đầu tư cao cấp, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng việc cung cấp thông tin về các nhà cung cấp cho khối FDI lại càng quan trọng. Việt Nam cần phải phát triển cơ sở dữ liệu nhà cung cấp quốc gia chất lượng cao và chia sẻ thông tin này cho khối DN FDI biết, lựa chọn và hỗ trợ những DN nội địa đủ khả năng tham gia vào mạng sản xuất của họ.