Tăng trưởng 6 tháng cuối năm: Có thể bứt phá?

Theo daibieunhandan.vn

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP đang có dấu hiệu chững lại. Mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay đang trở nên khó khăn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khó khăn bộc lộ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nửa đầu năm nay, sản xuất công nghiệp tăng trưởng 6,82%, thấp hơn nhiều mức 9,66% cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng công nghiệp giảm sâu chủ yếu là do sự suy giảm của ngành công nghiệp khai khoáng. Tính chung nửa đầu năm, công nghiệp khai khoáng có tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với các năm trước, với mức giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, riêng khai thác dầu thô giảm 6,1% (trong khi tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước là 8,2%). Nếu như năm 2015, ngành dầu khí đứng vị trí thứ tư trong tăng trưởng công nghiệp và đóng góp không nhỏ trong phát triển chung của toàn nền kinh tế thì hiện nay đã tăng trưởng “âm”.

Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê Phạm Đình Thúy cho rằng, sự sụt giảm của ngành khai khoáng do hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, nguồn tài nguyên ngày càng giảm, điều kiện khai thác ngày càng khó khăn hơn. Ví dụ, theo dự báo của các chuyên gia, khai thác dầu thô của Việt Nam đến năm 2035 sẽ hết. Thứ hai, giá dầu thô trên thế giới vẫn giảm sâu. Hiện nay giá dầu ngọt Brent chỉ 48 USD/thùng, trong khi đỉnh điểm năm 2013 đã lên mức 115 USD/thùng.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh của cả Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí trong 6 tháng cuối năm cho thấy những khó khăn chưa dừng lại. Khả năng trong năm nay, tốc độ tăng trưởng của các ngành này chỉ đạt 90% kế hoạch.

Đà suy giảm của công nghiệp khai khoáng trong những năm tiếp theo đã được dự báo trước và đòi hỏi Chính phủ, các ngành phải có giải pháp bù đắp. Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho rằng, để ngành khai khoáng có thể tăng trưởng gần bằng với mức của năm 2015, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016, trong 6 tháng cuối năm phải tăng khai thác dầu thô thêm khoảng hơn 2 triệu tấn so với kế hoạch 14,02 triệu tấn trước đó.

Tăng khai thác chỉ là phương án dự liệu

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, tăng khai thác sản lượng dầu thô chỉ là một trong nhiều phương án đã được dự liệu và tính toán nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm nay ước tính tăng 5,52% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12%, đóng góp 2,41 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,35%, đóng góp 2,38 điểm phần trăm. Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18%, làm giảm 0,03 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung.

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP đang có dấu hiệu chững lại. Trong đó, biểu hiện rõ nhất là thông qua khoảng cách tốc độ tăng trưởng giữa quý I và quý II.2016. Cụ thể, GDP quý I tăng 5,48% và quý II tăng 5,55%, tức là quý II chỉ tăng hơn quý I 0,07 điểm phần trăm, trong khi thông thường các năm trước GDP quý II thường tăng mạnh hơn nhiều so với quý I.

Nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%, (tức là 6 tháng cuối năm, GDP phải đạt mức tăng trưởng 7,6%), Tổng cục Thống kê cho rằng từ nay đến cuối năm, Chính phủ, Bộ NN - PTNT, các địa phương khẩn trương đề ra các giải pháp và triển khai thực hiện để ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản khắc phục khó khăn, có mức tăng trưởng khá. Các cấp, ngành tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc những giải pháp, chính sách hỗ trợ các vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường biển đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đối với sản xuất công nghiệp, cần phân tích, đánh giá, làm rõ nguyên nhân tốc độ tăng trưởng thấp đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất. Đặc biệt, những tháng cuối năm, các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, tác động của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đối với Việt Nam không nhiều. Lượng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu khoảng 25 - 30%, trong đó xuất khẩu sang Anh chỉ 2 - 3% và lượng nhập khẩu còn thấp hơn (nhập khẩu từ châu Âu khoảng 7 - 8%, trong đó nhập khẩu từ Anh chỉ dưới 0,5%). Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh báo, cần thận trọng với những tác động gián tiếp - như việc ảnh hưởng của châu Âu đến các nước khác mà Việt Nam có quan hệ thương mại.