Tăng trưởng chậm lại do năng suất lao động giảm đi

Theo L.Chi/thoibaonganhang.vn

Việt Nam là sắp hết giai đoạn dân số vàng nhưng công nghiệp hóa Việt Nam còn ở vị trí thấp trong nền kinh tế và ở giai đoạn thấp trong chuỗi giá trị sản phẩm. Công nghiệp hóa không tiến triển, lao động sẽ chuyển sang các ngành dịch vụ giá trị thấp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018 do Ban Kinh tế tổ chức đã khai mạc sáng nay, 11/1/2018 với 2 phiên thảo luận chuyên đề song song: “Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa” và “Năng lượng xanh cho phát triển kinh tế bền vững”.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó trưởng ban Ban Kinh tế trung ương Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, tăng năng suất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và quyết định đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững. Nhưng nâng cao năng suất đang là một thách thức lớn với Việt Nam.

Trên thực tế Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa, cơ hội để gia tăng năng suất, trước hết là phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất của từng DN, từng nội ngành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và đào tạo nguồn nhân lực.

Nhìn tổng thể cải thiện năng suất không chỉ có việc nâng cao năng suất của người lao động mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, năng suất vốn. Quan trọng nhất là phải nâng cao được năng suất các yếu tố tổng hợp TFP và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

"Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cải thiện năng suất chính là nền tảng của nâng cao năng lực cạnh tranh của mọi quốc gia, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững", ông Tuấn nhấn mạnh. 

Tại Hội thảo, GS.Kenichi Ohno (Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản) có nhận xét rằng, tình trạng nâng cao năng suất của Việt Nam rất ảm đạm, năng suất thể hiện rõ sự thâm hụt vốn. Sự tăng trưởng của Việt Nam trong quá khứ là do số lượng (nguồn vốn và lao động) chứ không phải là chất lượng (năng suất). Tăng trưởng chậm lại do năng suất lao động giảm đi... Không chỉ vậy, chất lượng chính sách của Việt Nam vẫn thấp so với các nền kinh tế có năng suất cao ở Đông Á. "Chất lượng chính sách cần phải được cải thiện cả về tư duy và khả năng nhằm vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Chính phủ Việt Nam cần thực hiện nhiều dự án nâng cao năng suất hơn nữa", ông gợi ý.

"Công nghiệp hóa - mũi đột phá năng suất. Với một nước còn ở mức trung bình thấp như Việt Nam, công nghiệp là khu vực năng động nhất, năng suất cao nhất, dư địa cách tân công nghiệp lớn nhất", GS.Trần Văn Thọ - Đại học Waseda - Nhật Bản, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cũng khuyến nghị.

Theo ông, nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều đặc trưng đáng lo ngại. Lao động dư thừa trong nông nghiệp và khu vực kinh tế cá thể còn rất lớn trong khi lao động trong nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ rất lớn 49,5% năm 2010 và 41,6% năm 2016.

“Công nghiệp hóa không tiến triển, lao động sẽ chuyển sang các ngành dịch vụ giá trị thấp. Nếu lao động chỉ dịch chuyển từ khu vực năng suất thấp sang khu vực năng suất cũng thấp thì sự dịch chuyển này không mang lại thay đổi gì”, GS.Thọ cho biết thêm.

Ở Việt Nam đã có sự dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ nhưng dịch chuyển sang dịch vụ nhiều hơn, trong khi khu vực dịch vụ năng suất vẫn thấp.

“Vấn đề của Việt Nam là sắp hết giai đoạn dân số vàng nhưng công nghiệp hóa Việt Nam còn ở vị trí thấp trong nền kinh tế và ở giai đoạn thấp trong chuỗi giá trị sản phẩm", GS.Thọ cảnh báo.

Với lực lượng lao động của một quốc gia sắp đạt 100 triệu dân, Việt Nam cần đẩy mạnh công nghiệp hóa trong một diện vừa rộng vừa sâu mới tránh hiện tượng giải (hậu) công nghiệp quá sớm.

Hai lĩnh vực có thị trường lớn, Việt Nam có lợi thế và thu hút nhiều lao động là máy móc cơ khí và công nghiệp thực phẩm. Bên cạnh đó, quá trình công nghiệp  hóa, xuất phát từ lắp ráp, chế biến cần tiến sâu vào sản phẩm trung gian để tăng giá trị tính thêm.

Vì vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại sẽ thu hút lao động dư thừa trong nông nghiệp, sẽ “phá hoại một cách sáng tạo” khu vực kinh tế cá thể làm cho năng suất lao động tăng nhanh. Việt Nam có thể phát triển tốc độ cao, vượt qua bẫy thu nhập trung bình dễ dàng nếu có chíến lược tận dụng tiềm năng đang có và lợi thế nước đi sau.

“Dư địa để tăng năng suất là chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, từ khu vực cá thể sang hình thức tổ chức DN hiện đại, từ tăng quy mô DN đang quá nhỏ hiện nay”, GS.Thọ nhấn mạnh.

Đặc biệt là cần khuyến khích du nhập công nghệ, kết hợp với phát triển thị trường vốn sẽ thúc đẩy đầu tư theo hướng cách tân công nghệ, tăng năng suất. Cần tiến hành công nghiệp hóa theo chiều sâu và theo diện rộng để tránh hiện tượng giải công nghiệp hóa quá sớm, để tạo việc làm năng suất cao cho lao động chuyển từ nông nghiệp và khu vực cá thể. Ngoài ra, cần thay đổi chiến lược thu hút FDI, DN trong nước sẽ tham gia vào mạng lưới cung ứng toàn cầu và tăng năng suất qua chuyển giao công nghệ.