Tăng trưởng GDP quý III cao nhất từ đầu năm

Thu Hà

TCTC Online – Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, GDP chín tháng năm 2012 ước tính tăng 4,73% so với cùng kỳ năm trước, trong đó GDP quý III tăng 5,35%, cao hơn rõ rệt so với tốc độ tăng quý I (4%) và quý II (4,66%).

Trong chín tháng đầu năm 2012, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Để ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, Chính phủ kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, trọng tâm là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 và Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2012. Các ngành, địa phương, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế và cơ sở sản xuất kinh doanh đã và đang nỗ lực phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu vượt qua những cam go mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Trước những nỗ lực của Chính phủ, kinh tế đã có những dấu hiệu tích cực, cụ thể:

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) chín tháng năm 2012 ước tính tăng 4,73% so với cùng kỳ năm trước. Tuy mức tăng này còn thấp hơn tương đối so với mức tăng 5,77% của chín tháng năm 2011, nhưng tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước (tốc độ tăng GDP quý I năm nay là 4,00%; quý II tăng 4,66%; quý III tăng 5,35%) cũng cho thấy nền kinh tế đang có những chuyển biến tích cực.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế chín tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,48%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,36%, đóng góp 1,82 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,97%, đóng góp 2,51 điểm phần trăm. Nếu so với mức tăng của cùng kỳ năm 2011 thì mức tăng trưởng cả ba khu vực chín tháng năm nay đều thấp hơn. Tuy nhiên,  trong điều kiện cả nước tập trung thực hiện mục tiêu của năm 2012 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì mức tăng trưởng kinh tế chín tháng năm nay được đánh giá là hợp lý.

 Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước chín tháng năm 2011 và năm 2012 (%)

 

Tốc độ tăng so với

9 tháng năm trước

Đóng góp của các khu vực vào tăng trưởng 9 tháng 
năm 2012

 

9 tháng 
năm 2011

9 tháng năm 2012

Tổng số

5,77

4,73

4,73

Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

3,75

2,48

0,40

Công nghiệp và xây dựng

5,85

4,36

1,82

Dịch vụ

6,50

5,97

2,51

 

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chín tháng năm 2012 theo giá so sánh 1994 ước tính đạt 173,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Nông nghiệp đạt 120,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9%; lâm nghiệp đạt 5,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2%; thuỷ sản đạt 47,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Chín tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng khá cao kể từ đầu năm đến nay. Tính chung chín tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành công nghiệp có mức sản xuất chín tháng tăng cao so với cùng kỳ năm 2011 là: Đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 148,4%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 57,3%; sản xuất phụ tùng xe có động cơ tăng 44,5%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 22,3%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 15,4%; chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 15,4%; sản xuất đường tăng 14,6%; khai thác dầu thô tăng 13,4%; sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng 11,3%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 11,1%.

Chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến tám tháng năm nay tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là: Sản xuất mô tô, xe máy tăng 58,5%; sản xuất đường tăng 42,8%; chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản tăng 34,5%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 15%; may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) tăng 14,5%; sản xuất mỹ phẩm, xà phòng và chất tẩy rửa tăng 11,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 9,2%; sản xuất bê tông và các sản phẩm khác từ xi măng, thạch cao tăng 8,6%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 7,8%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 6,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 5,9%; sản xuất thiết bị dẫn điện tăng 5,9%; sản xuất thuốc lá tăng 4,7%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 3,1%; sản xuất pin và ắc qui tăng 2,5%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 1,6%; sản xuất sợi giảm 4%; sản xuất giày, dép giảm 5,2%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) giảm 6,1%; chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa giảm 6,2%; sản xuất các cấu kiện kim loại giảm 13,5%; sản xuất xi măng giảm 19,3%; sản xuất dây, cáp điện giảm 57,2%.

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/9/2012 của ngành công nghiệp chế biến tăng 20,4% so với cùng thời điểm năm trước. Mặc dù mức tồn kho còn cao nhưng đã có xu hướng giảm dần trong mấy tháng gần đây. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là: Sản xuất sản phẩm từ plastic tăng 50,6%; sản xuất xi măng tăng 50,2%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 40,6%; sản xuất thuốc lá tăng 40,3%; may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) tăng 39,4%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 37,8%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 34,7%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 30,9%; sản xuất pin và ắc qui tăng 27,5%; sản xuất xe có động cơ tăng 26,6%; chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản tăng 25,7%; sản xuất bia tăng 15,3%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất các cấu kiện kim loại tăng 14,3%; sản xuất giày, dép tăng 13,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 10,7%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 10,4%; chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 5,8%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng giảm 4,5%; sản xuất vải dệt thoi giảm 7,6%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng giảm 13,1%; sản xuất đường giảm 42,8%.

Nhìn chung, sản xuất công nghiệp chín tháng năm nay của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Chỉ số tiêu thụ sản phẩm công nghiệp tám tháng vẫn thấp, chỉ tăng 0,2 điểm phần trăm so với chỉ số tiêu thụ bảy tháng năm 2012. Chỉ số tồn kho sản phẩm công nghiệp chế biến tuy đã có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện chín tháng năm 2012 theo giá hiện hành ước tính đạt 708,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước và bằng 35,8% GDP,bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước 263,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,2% tổng vốn và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước 275 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,8% và tăng 11,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 170 nghìn tỷ đồng, chiếm 24% và tăng 1,6%.

 

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành 9 tháng năm 2012

 

 

Nghìn       tỷ đồng

Cơ cấu    (%)

So với cùng kỳ

năm trước (%)

TỔNG SỐ

708,6

100,0

108,6

Khu vực Nhà nước

263,6

37,2

110,4

Khu vực ngoài Nhà nước

275,0

38,8

111,8

Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

170,0

24,0

101,6

 

Trong vốn đầu tư thực hiện khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước chín tháng ước tính đạt 142,2 nghìn tỷ đồng, bằng 68,5% kế hoạch năm và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2011.

Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/9/2012 đạt 9526,4 triệu USD, bằng 72,1% cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn đăng ký của 775 dự án được cấp phép mới đạt 6108,4 triệu USD, bằng 82,6% số dự án và bằng 61% số vốn cùng kỳ năm 2011; vốn đăng ký bổ sung của 314 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước là 3418 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện chín tháng năm 2012 ước tính đạt 8,1 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2011.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chín tháng năm nay tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 6243,9 triệu USD, chiếm 65,5% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản đạt 1806 triệu USD, chiếm 19%; các ngành còn lại đạt 1476,5 triệu USD, chiếm 15,5%.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Chín ước tính đạt 9,7 tỷ USD, giảm 5,9% so với tháng trước và tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung chín tháng năm 2012, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 83,8 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu chín tháng tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng chủ yếu như: Điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may...

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Chín ước tính đạt 9,8 tỷ USD, giảm 4,5% so với tháng trước và tăng 0,2 % so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 83,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2011.

Nhập siêu tháng Chín ước tính đạt 100 triệu USD, bằng 1% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Chín tháng năm 2012, xuất siêu ước tính 34 triệu USD. Trong chín tháng năm nay, xuất siêu hàng hóa chủ yếu tập trung ở khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nhập siêu với kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy khu vực kinh tế trong nước vẫn còn gặp khó khăn trong sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.