Tăng trưởng GDP quý III đạt cao nhờ sản xuất, dịch vụ

PV.

Tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra ngày 3/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tăng trưởng GDP quý I tăng 5,15%; quý II tăng 6,17%; quý III có sự đột phá và tăng 7,46%, 9 tháng ước tăng 6,41%. Mức tăng trưởng này là nhờ tăng trưởng từ sản xuất dịch vụ chứ không phải từ tăng tín dụng hoặc khai khoáng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cụ thể, trong mức tăng 6,41% của toàn nền kinh tế 9 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng cao so với cùng kỳ, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Ngành Thủy sản tăng trưởng tốt, sản lượng thủy sản 9 tháng tăng 4,5% so với cùng kỳ.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%. Khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng tốt nhất từ đầu năm, tính chung 9 tháng khu vực này tăng 7,25% - Mức tăng  cao nhất so với cùng kỳ các năm từ năm 2013 trở lại đây.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8%, cao hơn nhiều mục tiêu tăng 7% và cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2016 (6,7%). Nhập siêu ở mức thấp, chiếm 0,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) 9 tháng đầu năm 2017 được kiểm soát trong phạm vi mục tiêu đề ra, tăng 3,79% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, thấp hơn so với bình quân 8 tháng (3,84%). Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng tăng 1,45% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Các cân đối lớn được bảo đảm. Dự trữ ngoại hối đạt 44 tỷ USD.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp thành lập mới đã đạt mức tăng cao nhất từ năm 2013 tới nay. Trong 9 tháng, cả nước có thêm 93.967 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 902,68 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Tính chung trong 9 tháng năm 2017, vốn FDI đăng ký khoảng 21,32 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước; vốn góp, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước; giải ngân vốn FDI 9 tháng đạt khoảng 12,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả trên có được là nhờ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, các Bộ ngành, địa phương rất tích cực triển khai cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, như Bộ Công Thương vừa qua đã tuyên bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh. Nhờ nỗ lực chung này, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đều có bước cải thiện vượt bậc. 

Mới đây nhất, theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam được xếp hạng thứ 55/137 (tăng 5 bậc, cao nhất từ trước tới nay) và tính chung trong 5 năm qua đã tăng tới 20 bậc. Trước đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2017, Việt Nam tăng 9 bậc, từ vị trí thứ 91 lên vị trí thứ 82/190 nền kinh tế; duy trì vị trí thứ 5 trong khu vực ASEAN.

“Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2017, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tập trung vào khâu thực thi, nhất là người đứng đầu phải luôn chỉ đạo sâu sát và chịu trách nhiệm; tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.