“Tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,2% trong năm 2013”

Minh Hà (Theo ADB)

(Tài chính) Đó là dự báo của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tại buổi họp báo công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2013 (ADO) sáng 9/4 tại Hà Nội.

ADB: Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,2% trong năm 2013. Nguồn: Internet
ADB: Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,2% trong năm 2013. Nguồn: Internet

Theo đó, ADB dự báo GDP Việt Nam 2013 tăng trưởng 5,2% và 5,6% trong năm 2014 nếu đạt được tiến bộ trong việc củng cố lĩnh vực ngân hàng và sự phục hồi của các nền kinh tế công nghiệp lớn tạo động lực trong năm 2014. Lạm phát trung bình dự kiến sẽ khoảng 7,5% tại thời điểm năm 2013. Mức dự báo này được đưa ra với giả định rằng các điều kiện thời tiết thuận lợi cho sản xuất lương thực, tỷ giá tiền đồng tương đối ổn định và các kích thích chính sách được kiểm soát.

ADB cũng dự báo, thặng dư thương mại của Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 12,5 tỷ USD trong năm 2013 và thặng dư cán cân tài khoản vãng lai tiếp tục tăng trong năm nay trước khi giảm nhẹ trong năm 2014 do nhập khẩu tăng tốc song song với tăng trưởng GDP. Rủi ro của các triển vọng nói trên xoay quanh sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng và quy mô nợ xấu.

Theo ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam: Trong bối cảnh hội nhập ASEAN vào năm 2015 đang đến gần, Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh về FDI ngày càng tăng ở khu vực Đông Nam Á.

Việc duy trì nguồn vốn FDI và đảm bảo năng lực cạnh tranh sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện thành công các cải cách cơ cấu và cải thiện môi trường kinh doanh một cách toàn diện hơn. “Chính phủ Việt Nam cần có một cách tiếp cận có tính chiến lược và có lựa chọn đối với việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước vì không thể thực hiện tất cả cùng một lúc. Một số thành công và tiến bộ bước đầu có thể tạo động lực cho việc cải cách hơn nữa”, ông Kimura nói.

Tuy có những quan ngại như vậy, nhưng ông Tomoyuki Kimura lạc quan cho rằng, Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài nhờ có quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào đang trên đà gia tăng và chi phí lao động thấp. Điều này được minh chứng bởi xu thế tăng lên của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 10 năm qua.

Cũng trong ngày 9/4, tại Hồng Kông (Trung Quốc), ADB công bố báo cáo ADO 2013 và đưa ra dự báo mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Châu Á sẽ đạt 6,6% trong năm 2013 và 6,7% trong năm 2014, so với mức tăng trưởng 6,1% trong năm 2012.

Báo cáo ADO cảnh báo rằng, các rủi ro chính trị đi liền với tranh cãi xung quanh vấn đề trần nợ công của Hoa Kỳ, những biện pháp thắt lưng buộc bụng của khu vực đồng tiền chung châu Âu… đang là những mối đe dọa chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng của khu vực châu Á trong ngắn hạn.

Đáng chú ý, báo cáo cũng cảnh báo tỷ lệ lạm phát tại khu vực châu Á sẽ tăng từ 3,7% năm 2012, lên 4% trong năm 2013 và 4,2% trong năm 2014.

Nhận định về tốc độ tăng trưởng của các khu vực, báo cáo ADO 2013 cho rằng, trong các tiểu vùng, Đông Á có tốc độ tăng trưởng được dự báo cao nhất: 7,1% trong năm 2013 và năm 2014. Trong đó, Trung Quốc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được dự đoán sẽ tăng trưởng 8,2% trong năm 2013 và 8% trong năm 2014, do nhu cầu nội địa tăng và xuất khẩu được cải thiện.

Đối với khu vực Nam Á sẽ có sự đảo chiều sau hai năm tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm nhẹ, với tăng trưởng được dự báo ở mức 5,7% trong năm 2013 và 6,2% trong năm 2014. Ấn Độ sẽ dẫn đầu xu hướng này, với mức tăng trưởng được dự báo là 6,0% và 6,5% nhưng nền kinh tế có dân số lớn thứ hai thế giới này vẫn tiếp tục vật lộn để khai thác tối đa tiềm năng của mình trong bối cảnh các vấn đề về chính sách và cơ cầu đang cản trở đầu tư.

Đông Nam Á là khu vực duy nhất có tốc độ tăng trưởng năm 2012 cao hơn năm trước. ADB dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực này đạt 5,4% năm 2013 và 5,7% năm 2014. Tăng trưởng ở khu vực Thái Bình Dương dự kiến sẽ hồi phục lại ở mức 5,5% trong năm 2014 do bắt đầu xuất khẩu qua đường ống dẫn khí của Pa-pua Niu Ghi-nê và một số dự án xây dựng khác trong khu vực được triển khai, bao gồm và việc tái thiết sau bão. Khả năng số lượng khách du lịch tăng lên cũng có thể đem lại lợi ích cho các nền kinh tế nhỏ hơn ở khu vực Thái Bình Dương.

ADB, có trụ sở chính tại Manila (Phillippine), hoạt động với sứ mệnh giảm nghèo ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thông qua tăng trưởng kinh tế đồng đều, tăng trưởng bền vững với môi trường và hội nhập khu vực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 67 thành viên, trong đó có 48 thành viên trong khu vực. Trong năm 2012, ADB đã hỗ trợ tổng cộng 21,6 tỷ USD, bao gồm 8,3 tỷ USD trong các dự án đồng tài trợ.