Tăng trưởng kinh tế: Dựa vào nội lực

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) Lợi ích mà các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mang lại cho nền kinh tế là không thể phủ nhận nhưng nó xuất phát từ những ưu đãi mà các doanh nghiệp tư nhân trong nước không thể với tới và để tăng trưởng kinh tế bền vững, chúng ta cần dựa vào nội lực hơn là ngoại lực.

Tăng trưởng kinh tế: Dựa vào nội lực
Cần tạo mặt bằng cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước. Nguồn: internet

Ưu đãi lớn cho FDI

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, sau khi tham gia WTO, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên rất mạnh và tỷ trọng đầu tư nước ngoài trong GDP, trong công nghiệp và nhất là trong xuất khẩu ở Việt Nam liên tục tăng. Dù vậy, tỷ trọng của các doanh nghiệp trong nước bị giảm tương ứng.

Thực tế, với nhu cầu cho sự hội nhập kinh tế, chuyển giao công nghệ và quản lý, các doanh nghiệp FDI có thể dễ dàng tiếp cận đất đai hơn các doanh nghiệp Việt Nam nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản nhiều biến động. Tất cả các địa phương đều theo phương châm trải thảm đỏ và cái thảm đầu tiên là họ tạo những mảnh đất rộng cho các nhà đầu tư nước ngoài được sử dụng với giá rất rẻ, với điều kiện được sử dụng dài hạn, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam không dễ dàng có được.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI cũng có được những ưu đãi về thuế trong một thời gian dài như 10 năm miễn thuế, tiếp theo là 10 năm giảm thuế 50% và điều này thì các doanh nghiệp Việt Nam chỉ dám “mơ ước”.

Báo cáo gần đây của nhóm nghiên cứu Fulbright cho thấy, trong bốn động lực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước, khu vực các hộ kinh doanh nông sản, sản xuất nông nghiệp và FDI thì chỉ khu vực FDI là sống được và tiếp tục sống khỏe.

Về tín dụng, các doanh nghiệp FDI có thể vay mượn của các ngân hàng trong nước rất thuận lợi trong khi tín dụng ở Việt Nam liên tục tăng lãi suất đối với khu vực trong nước, và ngay cả sau này khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất xuống thì trên thực tế các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn phải vay cao hơn so với lãi suất công bố.

Tạo cân bằng, tránh rủi ro

Xu hướng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào khu vực FDI. Năm 2011, khu vực này chiếm 56,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tỷ lệ đó lên đến 63,1% năm 2012 và 61,4% năm 2013.

Tuy không thể phủ nhận vai trò của FDI đối với phát triển kinh tế Việt Nam, nhưng theo TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước sẽ dẫn đến những hệ lụy và thực tế đã làm dấy lên nhiều lo ngại từ khu vực này. Nạn chuyển giá, công nghệ lạc hậu, nâng giá thiết bị hay nhà đầu tư “bỏ của chạy lấy người” không còn hiếm. Gần đây lại nổi lên câu chuyện nhà đầu tư ngoại lấn át tại thị trường trong nước dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp nội có thể mất trắng trên sân nhà, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ.

Nhìn ra thế giới có thể thấy không quốc gia nào có sự khác biệt lớn giữa các đối tác nước ngoài và nội địa như Việt Nam. Trong mọi hiệp định thương mại tự do, cái mà bên ngoài họ đấu tranh đòi chỉ là bình đẳng so với các đối tác nội địa, nhưng ở Việt Nam thì ngược lại.

“Rất cần điều chỉnh chính sách, một mặt là rút bớt những ưu đãi quá mức đối với đầu tư nước ngoài, mặt khác là thực sự tạo mặt bằng cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước và đây là điều mà doanh nghiệp nội đang trông chờ từ các chính sách hợp lý của Chính phủ”- chuyên gia Phạm Chi Lan chia sẻ.