Tăng trưởng kinh tế: Kỳ vọng những tháng cuối năm?

PV.

6 tháng đầu năm, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn khi một số lĩnh vực tăng trưởng thấp hoặc có xu hướng giảm. Thực tế này cũng đặt ra nhiều thách thức cho những tháng còn lại của năm để đạt được mục tiêu đề ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo Tổng cục Thống kê, GDP sáu tháng đầu năm 2016 ước tính tăng 5,52% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó quý I tăng 5,48%; quý II tăng 5,55%. Trong mức tăng 5,52% của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12%, đóng góp 2,41 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,35%, đóng góp 2,38 điểm phần trăm. Thực tế này cũng đặt ra thách thức không nhỏ, đó là để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2016 như mục tiêu Chính phủ và Quốc hội đã đề ra, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm phải đạt tối thiểu 7,6%.

Trong 6 tháng đầu năm nay, khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 tới nay. Một số ngành tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Bán buôn, bán lẻ tăng 8,1%; hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 6,1%; thông tin và truyền thông tăng 8,76%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 7,30%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 7,20%; giáo dục và đào tạo tăng 7,15%. Hoạt động kinh doanh bất động sản đạt mức tăng 3,77%, là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%, tương đương với mức tăng của cùng kỳ năm 2015…

Tuy nhiên, một số lĩnh vực quan trọng lại chứng kiến có xu hướng giảm, trong đó về cơ bản, nguyên nhân bắt nguồn từ tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng, như tình hình khí hậu diễn biến bất thường, như rét buốt ở các tỉnh phía Bắc, hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh phía Nam…

Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18%, làm giảm 0,03 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung. Tăng trưởng sáu tháng đầu năm nay tuy cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2012-2014, nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,32% cùng kỳ năm ngoái. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sáu tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành nông nghiệp giảm 0,78%. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 6,82%, thấp hơn nhiều mức tăng 9,66% của cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 2,20% (sáu tháng đầu năm 2015 tăng 8,48%)...

Về lĩnh vực xuất nhập khẩu, tính chung sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 82,2 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 3,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 58,5 tỷ USD, tăng 6,9%. Trong khi đó, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 80,7 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,4 tỷ USD, tăng 1,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 47,3 tỷ USD, giảm 1,8%. Cán cân thương mại sáu tháng đầu năm xuất siêu 1,5 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,7 tỷ USD, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 11,2 tỷ USD. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều ý kiến, nếu giá cả hàng hóa trên thế giới tiếp tục giảm, cùng với những khó khăn của kinh tế thế giới và sự chững lại về nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước sẽ khiến tăng trưởng xuất khẩu năm nay khó đạt mục tiêu 10%.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính từ đầu năm đến ngày 20/6/2016, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 7,25 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 11,284 tỷ USD, tăng 105,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong sáu tháng qua, cả nước có 1145 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 7,497 tỷ USD, tăng 95,3% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó có 535 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,787 tỷ USD, tăng 129% so với cùng kỳ năm 2015.

Về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sáu tháng đầu năm, cả nước có 54.501 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 427,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20% về số doanh nghiệp và 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động là 14.902 doanh nghiệp, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua (sáu tháng đầu năm 2015 chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2014). Bên cạnh đó, 16.125 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 774,7 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số vốn đăng ký và bổ sung thêm vào nền kinh tế trong sáu tháng đầu năm 2016 đạt 1202,5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, sáu tháng qua có 5.507 doanh nghiệp đăng ký giải thể, tiếp tục tăng 17% so với cùng kỳ năm trước; 31.119 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 15%.

Kỳ vọng những tháng cuối năm

Ở góc nhìn lạc quan, vẫn có nhiều điểm tựa để tin tưởng vào kết quả tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm. Những yếu tố phân tích cho thấy nếu giá dầu thô tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm và giữ ở mức như dự báo khoảng trên 50 USD/thùng sẽ là điều kiện giúp ngành công nghiệp phát triển, hỗ trợ đắc lực cho tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế trong nước tiếp tục cải thiện cùng với việc ký kết hiệp định tự do thương mại thế hệ mới (TPP, EVFTA, KVFTA…) được kỳ vọng sẽ mang lại những cải thiện đột phá về môi trường kinh doanh, qua đó thúc đẩy khu vực sản xuất trong nước, thu hút làn sóng đầu tư mới.

Ngoài ra, dự báo hơn nửa cuối năm 2016, vốn FDI tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá so với năm 2015 và đạt khoảng 15,3 tỷ USD. Dòng vốn FDI tăng được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng giúp hồi phục tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2016.

Tuy nhiên, trước những con số về tình hình kinh tế vừa được Tổng cục Thống kê công bố, một số ý kiến lo ngại, nếu lạm phát tăng cao, tăng trưởng kinh tế không được như như kỳ vọng sẽ ảnh hưởng lớn đến cân đối vĩ mô. Đại diện Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, cùng với hàng loạt các mặt hàng sẽ được điều chỉnh giá theo lộ trình, từ nay đến cuối năm còn rất nhiều yếu tố những áp lực lên lạm phát như giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục, những tiềm ẩn rủi ro từ giá xăng dầu tăng... Do đó, các bộ, các ngành cũng cần phải có những lộ trình điều chỉnh giá phù hợp, tránh những áp lực lan tỏa lên CPI trong năm 2016.

Trong bối cảnh đó, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp đề ra trong Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của Chính phủ. Ngoài ra, Chính phủ cần có biện pháp tuyên truyền phù hợp nhằm hạn chế tác động của tình trạng ô nhiễm hiện nay ở khu vực miền Trung đến hoạt động du lịch; đặc biệt nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến thu hút khách du lịch quốc tế.

Về quản lý giá và điều hành, theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia,các cơ quan quản lý cần theo dõi chặt chẽ tác động của điều chỉnh giá y tế để có cơ sở xác định mức điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục phù hợp với biến động mặt bằng giá. Các Bộ, ngành và địa phương cần có phương án về thời điểm điều chỉnh hợp lý, tránh điều chỉnh trong cùng tháng. Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường công tác chống buôn lậu; gian lận thương mại; tăng cường thu nợ đọng thuế và triển khai thu kịp thời phần bán vốn cổ phần của Nhà nước ở một số doanh nghiệp...

Bộ Công Thương cần phối hợp với các hiệp hội ngành hàng nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu đối với một số mặt hàng chủ lực mà kim ngạch đang có xu thế giảm thấp so với cùng kỳ năm trước (như sản phẩm dệt may, đồ gỗ, sản phẩm điện tử). Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô; phối hợp với Bộ Tài chính trong phát hành trái phiếu chính phủ nhằm duy trì mặt bằng lãi suất ổn định. Phấn đấu giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.